Tranh luận về "ngành công nghiệp nói đạo lý"
Trong bài viết gần đây, tác giả Lê Bích có đề cập đến một khái niệm gọi là "ngành công nghiệp nói đạo lý" phê phán về hiện tượng ai ai trên mạng xã hội cũng có thể nói đạo lý cùng với sự nở rộ của các dịch vụ như khai vấn (coaching) và chữa lành (healing).
Một mặt tôi đồng cảm với tác giả khi phê phán việc bất cứ ai, dù thiếu kiến thức và chuyên môn cũng có thể mang danh một người khai vấn hay chữa lành để dạy đời người khác. Ngoài ra, họ còn lợi dụng vai trò này để bán hàng trục lợi. Tuy nhiên, bài viết này tôi muốn phân tích hiện tượng đó một góc nhìn khác, mang hướng tích cực hơn.
Khi chúng ta đề cập sự nở rộ của "ngành công nghiệp nói đạo lý" nói chung và các dịch vụ bán đạo lý nói riêng, chúng ta đang nói đến nguồn cung. Tuy nhiên, không có một ngành công nghiệp nào có thể tồn tại trong thị trường kinh tế tự do nếu không có thực cầu. Vậy câu hỏi tiếp theo của tôi là liệu chúng ta có thực cầu hay không? Liệu những người trên mạng xã hội có muốn nghe đạo lý hay không? Có thể không phải tất cả mọi người, nhưng thử nhìn số like và tương tác khủng của người dùng với những kiểu nội dung như vậy, tôi nghĩ chúng ta có thực cầu.
Có thể đó không phải là nhu cầu của tôi hay của bạn, nhưng đó là nhu cầu của những người khác. Có thể họ tìm đến những kiểu nội dung như vậy để giải trí hoặc thực sự họ đang có những bế tắc trong cuộc sống cần được tháo gỡ và họ đi tìm một nguồn cung.
Đối với dịch vụ khai vấn hay chữa lành, có thể dịch vụ này trở nên dễ tiếp cận hơn khi có mạng xã hội vì ai cũng có thể lập một kênh Youtube, Tiktok hay Facebook để bán dịch vụ. Nhưng trước khi mạng xã hội ra đời, ngành công nghiệp "bán sách dạy đời", một cách dịch vui của từ tiếng Anh "self-help books" đã rất thành công.
Tôi nghĩ một nhu cầu rất tự nhiên của con người là khi họ chiêm nghiệm về một phương pháp sống nào đó, họ cảm thấy hữu ích và muốn chia sẻ với mọi người. Về phía cầu, có những người cũng đang đi tìm lời giải đáp cho các vấn đề trong cuộc sống của họ. Trước cả ngành công nghiệp "bán sách dạy đời" chúng ta đã có những người trong một cộng đồng gọi là "người biết tất" (guru) hay "người chữa lành" (healer) mà mọi người trong cộng đồng đó sẽ tìm đến xin ý kiến hoặc muốn được cứu chữa. Có thể họ là những người biết tất thực sự hoặc họ cũng có thể họ là lang băm. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây, là nhu cầu được khai sáng, được thấu hiểu là nhu cầu muôn đời nay ở đâu cũng có.
Nói về "chữa lành", đây là một từ mới nổi vài năm nay gần đây và được sử dụng khắp nơi từ một ca sĩ với giọng hát "chữa lành" đến một nội dung trên mạng xã hội có tính "chữa lành". Kỳ thực, bản thân tôi cảm thấy khó chịu khi từ này được sử dụng một cách tràn lan. Nhưng đó là cảm giác cá nhân của tôi. Nếu tôi sử dụng cái đầu lý trí của một người làm phân tích, thì tôi hiểu rằng, mọi người nhắc đến từ này nhiều như vậy là vì có một nhu cầu tự thân trong xã hội chúng ta muốn được "chữa lành". Tôi nghĩ, khi người ta nghe một bài hát và nói rằng nó có tính "chữa lành", chỉ đơn giản là vì bài hát đó, bằng một cách nào đó làm dịu đi những nỗi buồn và âu lo trong lòng họ hay làm cho họ cảm thấy những câu từ của bài hát đó thấu được tâm gan họ.
Vì vậy, có phải chỉ là một bộ phận những người cung cấp dịch vụ "chữa lành" đang cố tạo ra một thị trường ảo và giả định tất cả chúng ta đều có một nỗi đau tinh thần cần được cứu chữa hay không? Hay thực sự chúng ta đang sống trong một xã hội cần có sự "chữa lành"?
Xã hội chúng ta đang trải qua một sự chuyển đổi như vũ bão. Đó là sự chuyển đổi từ một thế hệ mà người ta cắn răng chịu khổ và kìm nén tổn thương (thế hệ bố mẹ tôi) để lo cho gia đình sang một thế hệ với nhu cầu được bộc lộ cái tôi trở nên mạnh mẽ (bắt đầu từ thế hệ tôi và lớn hơn ở thế hệ GenZ). Đây cũng là sự chuyển đổi từ một thế hệ thắt lưng buộc bụng để đủ tiền cho con ăn học đến một thế hệ hoang mang giữa quá nhiều lựa chọn và chịu áp lực lớn từ các kỳ vọng của xã hội.
Trong khi đó, họ vẫn mang trên vai những vết sẹo của thế hệ trước vì nỗi buồn tuổi thơ với những trận đòn roi hay những cãi vã liên miên trong gia đình. Sự chuyển đổi này gây ra những đứt gãy về mặt tinh thần. Và tôi thực sự thấy vui khi xã hội người ta nói nhiều hơn về "chữa lành". Dù nó đôi khi bị lạm dụng nhưng vẫn không tệ bằng việc người ta giấu nhẹm những cảm xúc tiêu cực của mình đi cho tới khi không chịu nổi nữa và nỗi buồn trở thành những cơn sang chấn.
Hơn thế nữa, tôi nghĩ gom tất cả các loại sách về phương pháp sống, sách chữa lành, những người khai vấn và những KOL, influencers (người có ảnh hưởng) trên mạng xã hội nói về triết lý sống vào một cụm từ "ngành công nghiệp nói đạo lý" có thiên hướng vơ đũa cả nắm. Tôi đã thấy những người tự coi mình là influencers, họ đọc vài quyển sách self-help books và làm một chiếc vlog để hướng dẫn mọi người sống theo một phương pháp nào đó, mà có thể chính họ cũng chưa từng thử nghiệm qua.
Với những nội dung như vậy, tôi thường bỏ qua vì tôi biết rằng đó là những phương pháp mang tính bề nổi, cho bạn động lực ngắn hạn, kiểu như người ta kiêng ăn một thời gian để giảm cân và sau đó trở lại và ăn nhiều hơn để bù đắp. Tuy nhiên, những nội dung như vậy lại có hàng nghìn người khác yêu thích. Có thể nó không giúp cho tôi, nó lại hữu ích với người khác, dù ngắn hạn hay dài hạn.
Thế nhưng ở một hoàn cảnh khác, trong trường hợp của tôi, tôi nghĩ mình may mắn gặp được những triết lý sống đã thay đổi tư duy của tôi về cuộc sống. Ví dụ như tôi đã đến Làng Mai và gặp thầy Thích Nhất Hạnh khi thầy còn sống. Thầy đã giúp tôi hiểu về khái niệm hạnh phúc theo một khía cạnh khác: hạnh phúc không chỉ là đích đến mà nó là sự trân trọng những giây phút chúng ta sống và cảm nhận được vẻ đẹp của những giây phút đó.
Tôi cũng đã gặp những người bạn là tham vấn tâm lý, đang cố gắng giúp mọi người hiểu về các bệnh tâm lý một cách đúng đắn hơn, nhằm giảm đi những định kiến xã hội về nó. Nhờ vậy, những người trầm cảm có thể tìm sự giúp đỡ sớm hơn trước khi quá muộn. Tôi cũng biết những người làm coach (huấn luyện viên) thay vì cố gắng giải quyết các vấn đề của người đối diện bằng các phương pháp họ đọc được trong sách, họ lại kiên nhẫn lắng nghe và tìm cách khơi gợi, với niềm tin rằng, khách hàng của họ đã có giải pháp ở đâu đó trong chính mình.
Xét đến cùng, dù chúng ta có yêu hay ghét "ngành công nghiệp nói đạo lý", thì nó sẽ vẫn tồn tại. Trong một thị trường, không phải người bán hàng nào cũng hướng tới chất lượng và có thể mục đích của họ là chỉ muốn làm đầy túi tiền bằng mọi giá. Nhưng kỳ thực không phải người bán hàng nào cũng là người xấu. Và vẻ đẹp của một thị trường kinh tế tự do là người tiêu dùng có quyền lựa chọn. Họ sẽ cần phải học cách lựa chọn thông minh và biết bảo vệ lợi ích của chính mình.
Tác giả: Hà T. Nguyễn hiện tại là phó giám đốc phòng phân tích kinh tế vĩ mô và đầu tư tài chính thị trường châu Á tại tập đoàn bảo hiểm Zurich. Tác giả tốt nghiệp thạc sĩ kinh tế tại Đại học quốc gia Singapore và hiện tại đang sống và làm việc tại Thụy Sỹ.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!