Đằng sau cuộc tranh luận về đề thi văn
Cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội về đề thi môn ngữ văn của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn chưa dừng lại dù kỳ thi đã kết thúc.
Nhiều ý kiến cho rằng về mặt sư phạm thì đề thi không có gì sai, về cấu trúc đề cũng vậy. Nhưng tinh thần của đề không đồng điệu với thời đại, thậm chí là nhàm chán, cũ kỹ. Ngược lại, cũng có những ý kiến cho rằng đề văn như vậy là hay, bởi vì tác phẩm lấy từ Sách giáo khoa, nghĩa là khuôn mẫu, là kinh điển, mà kinh điển thì không phải là đương đại, phải qua nhiều thời gian mới xác định được, nên cũ là đương nhiên.
Chuyện đề thi môn ngữ văn thu hút dư luận xã hội với những ý kiến trái chiều không phải năm nay mới có, nên đây có lẽ không phải vấn đề gì lạ lẫm. Để công bằng thì cũng phải nói rằng có những năm đề thi môn ngữ văn được dư luận đánh giá là "mới quá, hay quá". Đơn cử như đề thi năm 2018 với việc sử dụng bài thơ "Đánh thức nguồn lực" của Nguyễn Duy.
Về phần mình, tôi luôn ngạc nhiên vì mọi người quan tâm tới đề thi môn ngữ văn nhiều như vậy sau mỗi kỳ thi, bởi vì thú thật là từ trải nghiệm suốt quãng đời đi học của mình, tôi thấy rằng đây không phải bộ môn được đông đảo phụ huynh và học sinh đánh giá cao và quan trọng như những nhóm môn khối A (toán - lý - hóa) hay tiếng anh. Nói cách khác, văn không phải "môn phụ" nhưng mọi người thường có xu hướng coi trọng tiếng anh và các môn khối A hơn.
Trong mắt nhiều phụ huynh của thế hệ 9x, tương lai của con em, thành hay bại chủ yếu ở khối tự nhiên như toán - lý - hóa. Thời chúng tôi còn thi đại học theo từng khối, khối A luôn đông đảo hồ sơ nhất, theo sau bởi khối D toán - văn - anh; sở dĩ nhiều người chọn khối D vì nhận ra tầm quan trọng của tiếng Anh trong thế giới hiện đại chứ đa phần cũng không phải vì môn văn.
Tôi có nhiều người bạn thi đại học điểm toán, anh cao chót vót, học tủ vài bài môn văn chỉ cần 4-5 điểm là vẫn thẳng bước vào các trường đại học tốt tại Việt Nam. Nhiều người không thích môn văn, cho rằng học văn thì cơ hội nghề nghiệp không rộng mở và thu nhập không cao bằng các ngành học khối A hay khối D. Tôi không nói quan niệm này đúng hay sai, nhưng đó là một quan niệm có thật. Thậm chí, học văn còn phần nào gắn với những tính từ mang nghĩa châm biếm, như "học văn làm gì cho mơ mộng hão huyền…".
Ngoài ra, mỗi khi nhìn số liệu về tỷ lệ đọc sách khiêm tốn của Việt Nam, tôi không ngừng tự hỏi: Liệu đây có phải hậu quả của việc nhiều thế hệ học sinh coi nhẹ môn Văn?
Vậy tại sao sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT thì đề thi môn ngữ văn lại được bàn luận sôi nổi như vậy? Có lẽ vì với môn văn, ai cũng có thể dự phần khi chỉ cần nhớ mang máng Kim Lân là ai, Vợ chồng A Phủ của tác giả nào, vận dụng thêm vốn kiến thức xã hội và những định kiến có sẵn là có thể cùng thảo luận, mổ xẻ đề văn và chất lượng giáo dục. Còn với môn toán hay tiếng Anh thì không phải ai cũng đủ kiến thức để bàn.
Quan sát cuộc bàn luận về đề thi môn ngữ văn, tôi ước rằng môn học này được quan tâm và chú trọng hơn nữa trong suốt quá trình học chứ không phải chỉ đến lúc thi, nhất là với các em học sinh, để môn văn - tiếng Việt thực sự phát huy giá trị thực tiễn hơn nữa, để "Văn là Người" như chúng ta thường nói.
Trước đây tôi có dịp làm việc tại một tòa soạn báo chí và công việc thường nhật là đọc bài cộng tác viên. Biên tập và sửa bài là niềm vui, nhưng đôi khi cũng là "niềm đau", nhiều khi phải lắc đầu ngao ngán vì đủ các lỗi chính tả, ngữ pháp, diễn đạt trong bản thảo.
"Sao trong ngoặc đơn lại viết cách ra như này vậy em?"
"Em đọc cả đoạn này có thấy chủ ngữ ở đâu không?"
Khi chuyển sang làm cho doanh nghiệp, những vấn đề tôi gặp phải còn tệ hơn: Một chiếc email gửi đi vỏn vẹn hai dòng không thưa gửi từ nhân viên; viết thông cáo báo chí sai chính tả rất nhiều; trả lời khách hàng cộc lốc. Đằng sau sự cẩu thả, ẩu đoảng, tôi tự hỏi việc thiếu nền tảng ở bộ môn ngữ văn có phần nào giải thích cho thực tế này?
Và nếu chúng ta "kêu trời" vì nhiều bạn học sinh, sinh viên sau 12 năm học phổ thông, sau khi tốt nghiệp đại học vẫn không thể viết một đoạn văn hay làm một văn bản đạt mức cơ bản thì vấn đề ở đề thi hay cả quá trình học?
Với quan niệm "học gì thi đó" ở ta hiện nay, muốn cải cách và đổi mới đề thi trước hết phải cải cách và đổi mới nội dung chương trình, sách giáo khoa, đổi mới cả quá trình học.
Có nhiều lý do giải thích cho việc tại sao nhiều phụ huynh và cả học sinh chưa coi trọng môn Văn, một trong số đó là cách xây dựng chương trình đặt nặng vào văn bản văn chương cả trong việc học lẫn thi cử, mà chưa đào tạo theo hướng mở, chưa thực sự coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học.
Bên cạnh đó, câu hỏi thường trực của phụ huynh và học sinh rằng "học cái này ra thì làm nghề gì?" - đây là một câu hỏi khó nếu chỉ nhìn môn văn hạn hẹp trong việc viết một bài thơ, một truyện ngắn. Suy nghĩ ấy cũng đẩy sự phân hóa giữa các môn học được cho là quan trọng hoặc ít quan trọng ngày càng xa hơn. Trong khi đáng lẽ ra, mục tiêu của việc học nên là để học sinh thấy được vẻ đẹp của tri thức. Tất nhiên, việc học trong thế kỷ 21 không thể tách rời triển vọng nghề nghiệp nhưng cốt lõi của việc học vẫn nên nằm ở việc trau dồi kiến thức và khi đó, người học sẽ nhận ra rằng kiến thức môn học nào cũng có những giá trị riêng.
Thay đổi cái nhìn về môn văn đòi hỏi một quá trình lâu dài, từ cả những người làm giáo dục trong việc xây dựng cấu trúc chương trình phù hợp hơn cho đến chính các phụ huynh, học sinh trong việc nhìn nhận giá trị, lợi ích môn văn mang lại.
Cô giáo dạy đội tuyển văn hồi Trung học của chúng tôi luôn nhấn mạnh thông điệp "Văn học là nhân học" - một giá trị của văn chương chúng tôi phải nằm lòng cho những bài nghị luận văn học trong kỳ thi học sinh giỏi.
Khi nói văn học là nhân học, giáo viên muốn nhấn mạnh tới những giá trị nhân văn, giá trị con người, vượt lên trên giá trị nghệ thuật đơn thuần của một tác phẩm. Với tôi, môn Văn không chỉ là những giá trị trừu tượng - văn học đem đến cho người học vô vàn giá trị thực tiễn cho cả việc làm người và làm nghề.
Văn học dạy người ta biết dùng kính ngữ khi cần thiết, biết làm sao để truyền tải suy nghĩ thành ngôn từ và thuyết phục người khác, biết biến những câu chuyện thành sức mạnh trong bài thuyết trình.
Những kiến thức từ môn văn cần thiết trong nhiều lĩnh vực: Bạn biết trình bày một báo cáo sao cho hợp lý, viết một email gửi tới nhân viên rõ ràng, sáng ý, vững vàng trong lập luận khi trình bày quan điểm. Nếu như toán học hay các môn tự nhiên giúp người học nâng cao khả năng tư duy logic, văn học và ngôn ngữ giúp phát triển những kỹ năng mềm, từ nghệ thuật nói trước đám đông, đàm phán thương thuyết, phát triển thương hiệu cá nhân…
Tôi luôn tin vào giá trị thực tiễn của môn văn và là một người làm nội dung, tôi càng chắc chắn rằng, học văn không phải lúc nào cũng chỉ là những giá trị bảng lảng, mơ hồ với người học. Chúng tôi giờ đây không chỉ có cuộc đời như văn sĩ Hộ, muốn cất cánh bay nhưng bị nỗi lo áo cơm ghì sát đất. Thị trường lao động với nghề viết đã rộng mở hơn, không chỉ còn bó hẹp trong những công việc truyền thống như phóng viên, giáo viên, tác giả sách, biên tập viên. Chúng ta có hàng loạt nhà sáng tạo nội dung (content creator) trên các nền tảng online. Các lĩnh vực truyền thông - quảng cáo - quan hệ công chúng đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam cũng mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho những người làm nội dung.
Chúng ta đang ở trong lộ trình "đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo". Mong rằng những cuộc bàn luận về đề thi môn ngữ văn như lần này không chỉ "đến hẹn lại lên", mà thực sự sẽ góp phần đẩy tới nhanh hơn công cuộc đổi mới dạy và học cũng như thi môn văn.
Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!