"Ngành công nghiệp nói đạo lý" trên mạng xã hội
Tôi xin bắt đầu câu chuyện từ chiếc điện thoại của bạn. Hãy mở phần thời gian trực tuyến, mở tiếp phần những ứng dụng mạng xã hội mà xem, kết quả là bạn cũng như nhiều người khác: Trung bình người Việt chúng ta sử dụng 3-4 tiếng đồng hồ mỗi ngày cho các ứng dụng mạng xã hội.
Thống kê quá 180 phút sử dụng TikTok mỗi ngày của nhiều bạn trẻ không phải là điều gì xa lạ, đến mức nó đã đi vào ngôn ngữ thường ngày.
Chúng ta hàng ngày dành 4-5 tiếng đồng hồ làm gì trên đó? Tất nhiên là tiêu thụ và "sáng tạo" nội dung. Facebook đã ép tất cả mọi người dùng mạng xã hội của họ đều trở thành content creator, tức là tất cả chúng ta có sứ mệnh tạo nội dung trên đó.
Một thị trường khổng lồ với vài chục triệu người tạo và tiêu thụ nội dung đói khát không ngừng tiêu thụ và sản sinh nội dung mỗi ngày.
Nhưng rồi nhiều người nhanh chóng nhận ra đời mình thực tế không có nhiều thứ thú vị như mình tưởng, rốt cục chỉ có một loại nội dung dễ làm nhất mà thôi, đó là mượn lời người khác dạy đời, là nói đạo lý, là hướng dẫn người khác sống một cuộc đời mình chưa từng sống được. Chỉ cần tìm kiếm không tới 3 phút, bạn sẽ có ngàn lời đạo lý để đăng bài.
Để tỏ ra sang trọng, giàu có, thành đạt, hãy chụp ảnh check-in nơi hoa lệ, nơi có nhiều người thành đạt.
Để tỏ ra có nội hàm, sâu sắc, hãy nói thật nhiều đạo lý ở tường nhà bạn.
Để trở nên đáng tin cậy, bên ngoài thành công bên trong sâu sắc, hãy kết hợp cả hai bằng cách chụp ảnh sang chảnh và ở caption trích dẫn những lời đạo lý.
Bí quyết ở đây là, khi cảm thấy nhạt nhẽo không biết nói gì hấp dẫn trên mạng, hãy nói đạo lý, sẽ không ai cãi lại được bạn.
Khi nói đạo lý, ta có thể ngay lập tức đặt đạo đức của mình cao hơn người khác.
Khi mượn lời tiền nhân, ta có thể dễ dàng bẻ gãy các ý kiến phản đối.
Có một đạo lý cho rằng tạo hóa chỉ cho chúng ta 1 cái miệng, nhưng lại có đến 2 con mắt, 2 lỗ tai, với hàm ý chúng ta cần phải nói ít lại, quan sát nhiều hơn, lắng nghe nhiều hơn, và đặc biệt là dạy đời ít thôi, nhưng từ khi điện thoại di động ra đời, người ta phát hiện họ lại có tới 10 ngón tay để bấm không ngừng. Google khiến nguồn đạo lý trở nên dễ tiếp cận, ai cũng có mạng xã hội khiến việc nói đạo lý chỉ còn cách bạn một ngón tay cái, từ đó những người thích nói đạo lý ra đời...
Tôi thấy những cô gái xinh đẹp sau một chuyến du lịch dài ngày ở nước ngoài về, vài tuần sau đăng ảnh bikini chụp với một bông hoa tím nhỏ cài trên tóc, cùng đạo lý về sự nỗ lực vươn lên của loài hoa dại. Chỉ cần bạn cố gắng vũ trụ tự khắc an bài. Hoa rơi cửa Phật, vạn vật an yên.
Tôi chứng kiến những chàng trai nửa năm trước là chuyên gia tài chính độc lập chuyên đánh lệnh forex (giao dịch trên thị trường tài chính), nửa năm trước nữa còn là dân đua xe, nay bắt đầu nói về chữa lành và nến thơm, giúp chữa lành những tổn thương của nhân loại, thường là những tổn thương đến từ gia đình, từ tài chính, từ gia đình không có tài chính.
Tôi cũng chứng kiến những người bạn trung niên chuẩn bị chuyển nghề từ ngành kỹ thuật chạy theo tiếng gọi tâm linh, mặc một chiếc áo đũi hơi chật bụng chưa kịp giảm cân, bắt đầu viết đạo lý về sứ mệnh của người biết ơn, cho đi và trích dẫn Osho (một đạo sư người Ấn Độ) quần quật. Rồi bắt đầu hành nghề life coach (huấn luyện viên cuộc sống).
Đạo lý đưa họ đi thật nhiều nơi.
Dễ tiếp cận, nhu cầu lớn, giúp ta trong sạch về đạo đức, lại có được sự kính ngưỡng của người khác, thật dễ hiểu khi ngày nay quanh ta ai rồi cũng nói đạo lý. Họ có thể là tù nhân mới mãn hạn tù dạy người khác về nhân sinh, đến cô gái sugarbaby dạy người khác về chân tình, giang hồ mạng đạo lý về nghĩa khí, hay một ai đó làm trong bộ máy hành chính đạo lý về sự thanh liêm.
Trong thế giới hậu sự thật (post-truth) nơi có muôn mặt sự thật này, ai nói nghe cũng có lý, hoặc nghe vô lý nhưng lại hết sức thuyết phục, chỉ cần họ nói đủ nhiều. Rồi chính họ cũng sẽ tin vào điều họ nói.
Một ngày nọ, tầm vài năm trước, tôi có người anh đặt hàng xây dựng một phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI), đặt tên là AI Hotgirl Generator, anh giả thuyết rằng trên thị trường các cô gái xinh đẹp đã đầu tư rất nhiều vào hình ảnh bản thân, giờ cần một ai đó cung cấp cho các cô ấy nội hàm sâu sắc.
Một bộ ảnh đẹp tầm 30 bức của cô ấy cần thêm rất nhiều nội dung để đăng bài trên mạng xã hội, chứng minh cô ấy không chỉ xinh đẹp sang chảnh bên ngoài, mà còn sâu sắc và an yên bên trong, không nên để bức ảnh nào cũng chỉ là "đặt chiếc ảnh ở đây và không nói gì" hay là "hihi". Và chúng tôi quét 2.000 profile của hotgirl, KOL (người có sức ảnh hưởng), và những người hay nói đạo lý trên mạng để học tập hành vi... và AI sau khi vất vả học tập nỗ lực đã sinh ra những nội dung như sau.
Tôi nhận thấy không hiểu vì sao AI cứ luôn luôn chèn một link quảng cáo bán hàng tại cuối mỗi nội dung đạo lý, bất kể huấn luyện ra sao. Hóa ra từ lâu những người nói đạo lý, các KOL, các hotgirl đã luôn sử dụng đoạn cuối mỗi nội dung họ viết, để tranh thủ bán hàng. Và ở khoảnh khắc đó, chúng tôi mới sáng rõ rằng, một ngành công nghiệp đã hình thành: Thị trường công nghiệp đạo lý.
Chúng ta dễ dàng đồng ý với nhau rằng, thực ra nói đạo lý trên mạng xã hội nhiều khi vô thưởng vô phạt, nhưng hãy nhìn sâu hơn vào vấn đề.
Khi người ta bắt đầu bán hàng trong đạo lý của họ, dù là bán một khóa học, một liệu trình, một khóa tu hay một cuốn sách miễn phí, những bánh răng của công nghiệp tiêu dùng mới bắt đầu quay.
Nở ra một thị trường mênh mông
Trong thế giới tiêu dùng vũ bão này, mỗi ngành thường được tạo ra với một giả định về nhu cầu vô tận, ví như nhu cầu về giáo dục là vô tận, nhu cầu về được hạnh phúc là vô tận…
Ngành công nghiệp chữa lành sinh ra trong thời Covid, với giả định tất cả chúng ta đều có một nỗi đau tinh thần trong người chưa được chữa. Kể cả khi bạn đã thấy không có vết đau gì, người ta sẽ phát minh ra nỗi đau trong các kiếp trước của bạn, chữa đến khi nào thế giới này hết nỗi đau. Bán dịch vụ chữa lành cho những vết đau của vô lượng kiếp. Nếu bạn để ý thì có những cuốn sách về sự luân hồi của kiếp người đã trở thành best-seller trong rất nhiều năm xuyên qua covid.
Thị trường công nghiệp đạo lý không thể là ngoại lệ. Người nói đạo lý thường mặc định rằng thế giới chúng ta đang sống là nơi thiếu vắng lòng tin, nơi đó chúng sinh điên đảo đạo đức không còn điều gì đúng đắn, ngoài tin vào đạo lý của họ.
Sản phẩm chính của công nghiệp đạo lý thường là dịch vụ đính kèm, ở đó họ sẽ kết hợp liên tục với các ngành công nghiệp làm giàu nhanh, công nghiệp hạnh phúc, công nghiệp chữa lành, công nghiệp an yên,... để khai thác khách hàng.
Họ thường bán một lời hứa có kết quả nhanh, ví dụ chữa lành tài chính sau 3 tháng, tự dưng giỏi tiếng Anh bằng thiền, giúp chồng không ngoại tình bằng cách mua bikini mới,...
Và tất nhiên tất cả chỉ là thuốc giảm đau, những vấn đề vẫn còn nguyên ở đó.
Một thời gian sau những người bán đạo lý chuyên nghiệp lại xoay sang bán kèm đạo lý với sản phẩm khác. Tôi đã chứng kiến những người đạo lý chuyên nghiệp bán từ nến thơm chữa lành tới khởi nghiệp từ tay trắng, từ marketing 0 đồng tới AI cho người, life coach dạy đời tới khai vấn giúp doanh nghiệp của bản đột phá sau 3 tháng,.... tất cả đều đúng, ngoại trừ việc họ liên tục trở thành chuyên gia đa ngành trong nửa năm.
Vẻ đẹp của thế giới này là ai cũng có thể trở thành thầy ta.
Nhưng đồng thời sự nguyền rủa của thế giới này, đó là ai cũng cho rằng họ có thể trở thành thầy người khác.
Sau đó họ mở học viện đạo lý, và thu phí.
Một số người cò mồi theo họ, có thể giàu, có thể chữa lành, hoặc im lặng thành thầy đạo lý mới. Để lại hầu hết những người sau theo họ mất mát tiền của, thời gian, chỉ nhận lại bài học.
Người ta tìm đến đạo lý mong một kết thúc có hậu.
Người nói đạo lý lại thường giỏi tạo ra một kết thúc có tiền.
Cho chính họ.
Tác giả: Lê Bích là bút danh của anh Đinh Trần Tuấn Linh, tác giả của những cuốn sách "Đời về cơ bản là buồn cười", "Dịch từ tiếng yêu sang tiếng Việt", "Đời vai phụ", "Người nói đạo lý thường sống khá giả"… Anh Tuấn Linh cũng là nhà sáng lập của Urah Network, Sakedemy và Unikon - đơn vị sở hữu nền tảng Aicontent.vn.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!