Tinh thần của "khoán 10" trong khoa học công nghệ
Tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, ngày 13/1, Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu: Nghị quyết 57 ngày 22/12/2024 đã chỉ ra những định hướng chiến lược và được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đồng thuận, xem đây như một "khoán 10" trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Có thể nói luận điểm xem Nghị quyết 57 như một "khoán 10" trong lĩnh vực khoa học và công nghệ đang nhận được sự quan tâm rộng rãi.
Tôi đã tìm đọc lại Nghị quyết số 10-NQ/TW ban hành ngày 5/4/1988 (tức "khoán 10") của Bộ Chính trị. Với tiêu đề "Nghị quyết về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp", Nghị quyết số 10-NQ/TW nhấn mạnh hai yếu tố là "quản lý" và "kinh tế", thông qua các giải pháp cụ thể để triển khai tinh thần đổi mới cơ chế quản lý nhà nước, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp.
Các giải pháp của Nghị quyết số 10-NQ/TW tập trung vào việc đưa các doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã hoạt động hiệu quả; giải phóng sức dân, triệt tiêu các rào cản để huy động tất cả các thành phần vào sản xuất nông nghiệp; lưu thông sản phẩm nông nghiệp như hàng hóa trên thị trường trên cơ sở giá thỏa thuận… Chỉ sau một năm ban hành Nghị quyết này, từ chỗ thiếu ăn, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo.
Từ tinh thần của "khoán 10", theo tôi quá trình triển khai Nghị quyết 57 cần nhấn mạnh đến việc đổi mới cơ chế quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, xây dựng nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo. Trong đó, việc "đổi mới cơ chế quản lý khoa học công nghệ" là vấn đề mấu chốt. Khi chúng ta đổi mới cơ chế quản lý thì hệ quả về kinh tế số sẽ tự đến.
Tôi xin đề xuất một số việc cụ thể như sau:
Thứ nhất, sửa đổi Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư để bao gồm cả lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; kêu gọi tư nhân đầu tư vào các dự án khoa học công nghệ quốc gia. Lý do sửa đổi là Luật hiện nay chủ yếu hướng đến các dự án xây dựng hạ tầng.
Thứ hai, đối với các dự án khoa học kỹ thuật do nhà nước đã đầu tư có kết quả rõ ràng, chủ dự án được quyền đem bán IP (sở hữu trí tuệ) hoặc sản phẩm theo giá thỏa thuận trên "thị trường IP" và được hưởng phần lợi lớn từ giá trị thu được.
Lâu nay các dự án khoa học kỹ thuật được coi là tài sản của Nhà nước, nên làm xong cứ để trên bàn hoặc cất ngăn kéo, hết tiền thì nhà khoa học lại đi xin dự án khác để nghiên cứu. Đây là một vòng lặp lãng phí. Rõ ràng với các dự án Nhà nước đầu tư rồi, vẫn là tài sản công nhưng nên có cơ chế cho các nhà khoa học được hưởng lợi ích, qua đó khuyến khích việc nghiên cứu sáng tạo và áp dụng vào thực tế.
Thứ ba, lập quỹ đầu tư mạo hiểm từ ngân sách, và có cơ chế chấp nhận rủi ro, để quỹ đầu tư vào các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, làm mồi cho các khoản đầu tư tư nhân lớn hơn. Nguyên tắc là nhà nước đầu tư 1 phần thì phải khơi dòng, dẫn đến tư nhân đầu tư 5-10 phần.
Thứ tư, sáng tạo thường xuất phát từ các cá nhân/nhóm nhỏ, Chính phủ nên bắt buộc các tập đoàn lớn tạo ra cơ chế khuyến khích người góp công (các nhà sáng tạo), kẻ góp của (các tập đoàn lớn).
Ngoài ra, trong bối cảnh "chảy máu chất xám" do di cư toàn cầu hiện nay, Việt Nam cần có những bước đi cụ thể để tập hợp lại lực lượng, hay nói cách khác là "chiêu hiền đãi sĩ", kêu gọi nhân tài về xây dựng khoa học công nghệ nước nhà.
Công tác thông tin, truyền cảm hứng cũng rất quan trọng. Còn nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, người ký "khoán 10" thời đó đã có loạt bài "Những việc cần làm ngay", ký tên N.V.L, cũng có nghĩa là "Nói và Làm", có tác dụng động viên xã hội lớn. Vì ông hiểu: "Những bài báo của N.V.L. chẳng qua cũng như mở máy, nhấn ga cho ô tô chạy. Và cái ô tô đó phải là các nhà báo, là quần chúng…".
Trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thì có thể nói "cái ô tô đó" là giới khoa học kỹ thuật Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, những người có thể tìm ra những lời giải sáng tạo cho đất nước phát triển.
Tác giả: Ông Nguyễn Thành Nam bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán tại trường Đại học Lomonosov, Liên Xô (cũ). Là một trong những người sáng lập Tập đoàn FPT, ông Nam từng giữ chức Tổng giám đốc Tập đoàn này; sau đó ông rời vị trí CEO FPT để thử sức ở lĩnh vực giáo dục, với khởi đầu là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT. Ông Nam cũng được biết đến là người khởi xướng dự án đại học trực tuyến FUNiX.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!