Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên số: Chọn lựa chiến lược
Trong khoảng một thập kỷ qua, thế giới đã chứng kiến bước tiến thần tốc của khoa học, công nghệ và đặc biệt là chuyển đổi số trên hầu hết các lĩnh vực, từ kinh tế, xã hội đến quản trị công.
Sự bùng nổ của dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) cùng các nền tảng số đang tạo nên cuộc cách mạng sâu rộng, làm biến đổi cách chúng ta lao động, tương tác và phát triển.
Với Việt Nam, bước vào kỷ nguyên số đồng nghĩa với việc cần nhanh chóng nâng cao năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh và quan trọng hơn là tạo đột phá để vươn lên vị thế cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nếu chần chừ, chúng ta sẽ bỏ lỡ những cơ hội quý giá để bứt phá trong các lĩnh vực mũi nhọn: từ phát triển hạ tầng số, công nghệ lõi (AI, điện toán đám mây, công nghệ bán dẫn) đến kinh tế số, giáo dục số và quản trị số.
Trong bối cảnh đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, xác định rõ đây là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới…
Với các mục tiêu cụ thể, Nghị quyết hướng đến việc đưa Việt Nam không chỉ bắt kịp xu thế quốc tế về công nghệ, mà còn cần chủ động sáng tạo, vươn lên thành một trong những "thế lực công nghệ" khu vực, thậm chí là thế giới. Điều này đòi hỏi cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội chung tay nỗ lực nâng cao nhận thức về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đầu tư cho nhân lực chất lượng cao; xây dựng hạ tầng số đồng bộ; hoàn thiện thể chế và mở rộng hợp tác quốc tế.
Với tầm nhìn xa, Nghị quyết 57 không chỉ là khung định hướng, mà còn là "kim chỉ nam" để các địa phương, bộ ngành, doanh nghiệp và người dân phối hợp hành động.
Trong hơn 10 năm làm công tác tư vấn chiến lược công nghệ, đã không ít lần tôi tự đặt câu hỏi: "Làm thế nào để Việt Nam bứt phá vươn lên, vừa bắt kịp thế giới, vừa khẳng định bản sắc và vị thế riêng?" Mỗi lần như vậy, tôi đều nhận ra rằng yếu tố cốt lõi chính là khả năng chọn lựa chiến lược một cách thông minh. Cụ thể là chọn gì để làm, chọn gì chưa nên làm và xác định đâu là ưu tiên lớn nhất.
Thứ nhất, nếu nhìn từ góc độ người làm chiến lược công nghệ, tôi nhận thấy nhiều quốc gia và doanh nghiệp thành công đều không chỉ nhờ vào những khoản đầu tư lớn, mà còn nhờ tư duy "lựa chọn có chủ đích". Họ không dàn trải ở quá nhiều lĩnh vực, không lưỡng lự giữa vô vàn ý tưởng manh mún và không ngại thí điểm những chính sách táo bạo. Bài học này cho tôi thấy rằng, với Việt Nam, việc tập trung vào những lĩnh vực phù hợp với tiềm năng hoặc nhu cầu thiết yếu sẽ giúp tận dụng tối đa vận hội từ làn sóng công nghệ toàn cầu.
Thứ hai, tôi cho rằng cần xác định một số mũi nhọn chiến lược. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không thể thành công nếu trải đều nguồn lực mà không có trọng tâm. Dưới góc nhìn cá nhân, tôi nhận thấy các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ bán dẫn, vi mạch, và các ứng dụng năng lượng sạch, vật liệu mới... đều có tiềm năng mang tính "lõi" và "liên ngành". Đây là những yếu tố có thể tạo đột phá trong y tế, nông nghiệp, giáo dục, quốc phòng hay năng lượng. Tôi tin rằng nếu tập trung đầu tư vào những trụ cột này, Việt Nam sẽ sớm tạo được dấu ấn trong chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu.
Thứ ba, chúng ta cần dành ưu tiên phát triển hạ tầng số đồng bộ. Từ kinh nghiệm thực tiễn, tôi thấy rằng để chuyển đổi số không thể chỉ dựa trên khẩu hiệu. Nếu hạ tầng số không đủ mạnh, chúng ta sẽ rất khó đưa các công nghệ tiên tiến vào triển khai trên quy mô lớn. Điều đó có nghĩa, các dự án xây dựng mạng viễn thông thế hệ mới, trung tâm dữ liệu đạt chuẩn quốc tế hay nền tảng định danh điện tử thống nhất cần được xem là nhiệm vụ hàng đầu. Chỉ khi những "nền móng" này được củng cố một cách bài bản, chúng ta mới có thể ứng dụng rộng rãi AI, thúc đẩy dịch vụ trực tuyến và kiểm soát tốt rủi ro về an ninh mạng lẫn an toàn dữ liệu.
Thứ tư, nguồn nhân lực và thể chế là hai yếu tố không thể tách rời. Là một trí thức người Việt, tôi không khỏi trăn trở về chất lượng nguồn nhân lực. Vì nguồn nhân lực vừa là nền tảng, vừa có thể trở thành "điểm nghẽn" nếu không được chuẩn bị tốt. Muốn khơi thông hai vấn đề này, chúng ta nên tập trung nâng cao chất lượng giáo dục và hợp tác đại học - doanh nghiệp - nhà nghiên cứu.
Bên cạnh đó, cần mạnh dạn trao quyền tự chủ khoa học, triển khai cơ chế thí điểm (sandbox) để những ý tưởng sáng tạo có cơ hội được kiểm nghiệm. Đặc biệt, chính sách đãi ngộ hấp dẫn, môi trường làm việc cởi mở và tầm nhìn lãnh đạo rõ ràng cũng là những giải pháp hữu hiệu để thu hút nhân tài, cả trong nước lẫn quốc tế.
Thứ năm, tôi cho rằng "không làm" cũng là một lựa chọn chiến lược. Chúng ta thường chú tâm đến hành động, nhưng nhiều khi biết từ chối hoặc tạm hoãn một số mảng chưa phù hợp với điều kiện hay nguồn lực hiện tại cũng quan trọng không kém. Việc dồn sức cho những "mặt trận" chúng ta có lợi thế, hoặc những giải pháp mang tính cấp thiết sẽ giúp tránh lãng phí và giảm thiểu rủi ro. Tôi tin rằng điều này đúng với mọi cấp độ, từ địa phương đến trung ương, từ doanh nghiệp khởi nghiệp cho tới các tập đoàn lớn.
Cuối cùng, giữa bối cảnh cạnh tranh công nghệ toàn cầu, Việt Nam không thể khoanh tay đứng ngoài. Chúng ta cần không ngại thử thách, không bị động trước các xu hướng quốc tế và cũng không đánh mất đi nét đặc trưng, niềm tự hào văn hóa dân tộc. Có như vậy, Việt Nam mới có thể trở thành một "người chơi" quan trọng trên bản đồ công nghệ thế giới, vừa làm chủ vận mệnh, vừa nắm bắt thời cơ để trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Khi suy ngẫm về lộ trình này, tôi luôn tin rằng đất nước có đầy đủ nội lực và cơ hội để bứt phá. Vấn đề cốt lõi là chúng ta cần giữ một tầm nhìn thống nhất, biết chọn đúng ưu tiên, đồng thời sẵn sàng "buông" những gì chưa cần thiết. Nếu kết hợp được ý chí, trí tuệ và sự đồng bộ trong hành động, thì mục tiêu lớn lao mà Nghị quyết 57-NQ/TW đề ra chắc chắn trở thành hiện thực.
Tác giả: Ông Đào Trung Thành học Thạc sĩ an ninh mạng tại Học viện Quốc gia Viễn thông, Pháp; từng kinh qua nhiều vị trí kỹ thuật và quản lý như Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Khách hàng và Quản lý cước - VNPT TPHCM; Phó giám đốc Công ty Tin học Bưu điện (Netsoft); Giám đốc Công nghệ Thông tin (CIO) của Hệ thống Vinschool… Hiện ông Thành là Phó Viện trưởng viện Blockchain và AI.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!