"Khoán 10" trong khoa học công nghệ
Cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, là "chìa khóa" và động lực quan trọng hàng đầu quyết định tốc độ và chất lượng phát triển của các quốc gia trên thế giới.
Vì vậy, nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để tiến tới hiện thực hóa các mục tiêu trong kỷ nguyên mới. Cũng vì tầm quan trọng của nghị quyết 57 và những quyết sách chiến lược, mạnh mẽ được đề ra trong nghị quyết, mà nhiều ý kiến đã nói rằng đây là "khoán 10" trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Chúng ta vẫn còn nhớ nghị quyết số 10-NQ/TW (hay còn gọi là khoán 10) của Bộ Chính trị năm 1988 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp đã trở thành là "cú hích" mạnh mẽ cho sản xuất nông nghiệp Việt Nam những năm đầu đổi mới. Từ một nước thiếu lương thực triền miên, đến năm 1989 (chỉ sau 1 năm thực hiện khoán 10) sản lượng lúa gạo của cả nước đã đạt 21,5 triệu tấn, và lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được 1,2 triệu tấn lúa, gạo. Khoán 10 cũng là tiền đề để quy định về giao ruộng đất ổn định, lâu dài cho nông dân được cụ thể hóa tại Luật Đất đai năm 1993.
Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam diễn ra song hành với kỷ nguyên số, kỷ nguyên của khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) với tinh thần: Không có gì là không thể!
Trong phạm vi bài viết này, tôi xin trao đổi một số vấn đề sau:
Thứ nhất, đột phá về thể chế phát triển KHCN và ĐMST. Mặc dù Đảng ta đã có quan điểm rõ ràng về phát triển KHCN và ĐMST, coi KHCN và ĐMST đóng vai trò then chốt, quyết định đối với quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Tuy nhiên, cho đến nay việc gắn kết KHCN và ĐMST với phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta vẫn chưa chặt chẽ; hệ thống chính sách, pháp luật vẫn chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ các lĩnh vực này phát triển, chưa phát huy được sức sáng tạo, chưa thu hút được nhân tài; đầu tư cho KHCN và ĐMST còn phân tán, dàn trải, hiệu quả thấp.
Ngoài ra, hoạt động KHCN và ĐMST thường có tính rủi ro cao do tính mới (tính chưa từng có) gắn với nhiều yếu tố bất định.
Vì vậy, để đất nước có thể tăng tốc, bứt phá trong kỷ nguyên mới, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế phát triển KHCN và ĐMST, khuyến khích đầu tư mạnh mẽ cho lĩnh vực này.
Trước mắt, chúng ta cần thay đổi phương thức quản lý KHCN và ĐMST theo hướng quản lý theo sản phẩm và kết quả đầu ra; khẩn trương sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật có liên quan nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp, mâu thuẫn, nhất là các quy định liên quan đến đầu tư, đầu tư công, mua sắm công, quản lý ngân sách nhà nước, quản lý tài sản công…
Việt Nam cũng cần sớm hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ (IP) và chuyển giao công nghệ phù hợp với thông lệ quốc tế; đưa các chỉ tiêu liên quan đến thương mại hóa nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và các hoạt động hợp tác trong và ngoài nước vào lộ trình phát triển nghề nghiệp nghiên cứu; nâng cao năng lực thương mại hóa, chuyển giao công nghệ cho các trường đại học và các cơ sở nghiên cứu trọng điểm.
Thứ hai, đột phá về nguồn nhân lực cho phát triển KHCN và ĐMST. Việt Nam hiện đối mặt với nhiều thách thức trong việc nâng cao năng lực, trình độ nguồn nhân lực. Vì vậy, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực số trở thành một nhiệm vụ cấp thiết và cần có những giải pháp cụ thể.
Nhà nước cần ban hành chính sách ưu đãi, đột phá mang tầm quốc gia trọng dụng nhân tài, tạo khung pháp lý đồng bộ, thống nhất để các cấp, các ngành, các địa phương ban hành các chính sách cụ thể trọng dụng nhân tài phù hợp với đặc thù của mình nhằm thu hút, giữ chân được người tài, các chuyên gia, nhà khoa học giỏi (trong nước, ngoài nước) tham gia nghiên cứu, triển khai KHCN và ĐMST ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương. Cùng với chính sách trọng dụng nhân tài, cần có chính sách đồng bộ để phát hiện, tuyển dụng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý thực tài phù hợp với bối cảnh chuyển đổi nền kinh tế sang dựa chủ yếu trên KHCN và ĐMST. Có chính sách khuyến khích, ưu tiên cán bộ lãnh đạo, quản lý thực tài trưởng thành trong môi trường KHCN và ĐMST tham gia lãnh đạo, quản lý các tổ chức, ngành, lĩnh vực và địa phương còn yếu về nghiên cứu, triển khai KHCN và ĐMST.
Chúng ta cũng cần có lộ trình hoàn thiện chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với xu hướng giáo dục ưu tiên các môn học khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) đưa vào triển khai trong giai đoạn 2026-2030.
Các cơ sở giáo dục đại học cần sớm đưa các môn học sát với xu hướng phát triển KHCN, ĐMST (như lập trình, phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo, in 3D, robot,…) vào chương trình giảng dạy bắt buộc đối với sinh viên các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật đồng thời chú ý phát triển các kỹ năng như làm việc nhóm, thuyết trình, truyền cảm hứng và các kỹ năng ĐMST, khởi nghiệp, tổ chức kinh doanh,…Chú ý phát triển văn hóa ĐMST trong trường đại học, viện nghiên cứu.
Thứ ba, đột phá về hạ tầng phát triển KHCN và ĐMST. Xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ hiện đại, công nghệ số là yếu tố thiết yếu để phát triển KHCN và ĐMST trong kỷ nguyên số.
Hạ tầng công nghệ không chỉ tạo nền tảng cho nghiên cứu và triển khai ứng dụng mà còn thúc đẩy sự kết nối và hợp tác giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức quốc tế. Một hệ thống hạ tầng hiện đại như trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, mạng lưới 5G, trung tâm dữ liệu lớn và các phòng thí nghiệm tiêu chuẩn cao sẽ giúp tăng cường hiệu quả nghiên cứu, giảm chi phí và rút ngắn thời gian phát triển sản phẩm.
Đặc biệt, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và các công nghệ số trong quản lý và sản xuất sẽ nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Đầu tư vào hạ tầng công nghệ hiện đại không chỉ là bước đi chiến lược để hội nhập quốc tế mà còn là tiền đề để Việt Nam chuyển đổi thành một quốc gia dẫn đầu trong khu vực về KHCN và ĐMST.
Tác giả: Tiến sĩ Võ Văn Lợi là chuyên gia kinh tế; Trưởng khoa Kinh tế - Chính trị, Học viện Chính trị Khu vực 3.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!