Tết giàu Tết nghèo
Mẹ tôi là người yêu hoa. Những năm bao cấp vất vả thì một năm mẹ chỉ mua hoa một lần vào dịp Tết. Tôi nhớ nhiều người Hà Nội khác lúc đó cũng thế. Quanh năm tất bất tem phiếu, người Hà Nội thanh lịch trở thành "dân chơi một mùa", khổ thế.
Hồi ấy Tết đến người ta thường hỏi nhau: "năm nay nhà bác chơi hoa gì?"; "năm nay nhà tôi chơi quất, năm ngoái chơi đào rồi". Cũng do thời cuộc cả thôi. Có một thời xã hội ca ngợi người nghèo. Ai có lý lịch bần cố nông thì tự hào lắm. Nhưng tôi để ý thực tế từ tầng lớp trung nông trở lên mới là tầng lớp lưu giữ những truyền thống văn hóa của đất nước. Phải chăng người ta phải có của ăn của để thì mới có điều kiện mà chơi hoa, nấu cỗ, thực hành các lễ nghi...?
Sau mấy chục năm khoe nghèo, giờ xã hội Việt Nam lại quay ngoắt 180 độ, thích khoe giàu. Bây giờ lúc trà dư tửu hậu, mọi người rất thích kể chuyện ông cố nhà mình ngày xưa làm quan gì ở triều đời nào, nhà giàu có ra làm sao, toàn những thứ lý lịch mà ngày xưa phải cố mà giấu. Giờ chả mấy ai thích khoe nghèo, vì còn lợi lộc gì nữa. Nói đâu xa, cứ lên mạng thì thấy nhà nhà, người người đăng ảnh trang hoàng, bày biện nhà cửa đón Tết, ai có cành đào đẹp, chậu hoa cảnh quý thì nhất định phải đưa "lên phây".
Người Việt trước đây ăn Tết thường chỉ về quê hoặc quanh quẩn gia đình, nay đời sống khấm khá, nhiều người chọn đi du lịch trong nước, nước ngoài. Tôi xem hình và thông tin trên mạng cũng thấy vui lây niềm vui chào Xuân đón Tết của mọi người, qua đó cũng cảm nhận được phần nào xã hội đổi mới, phát triển so với trước.
Nhớ lại lớp người Hà Nội xưa là những người chơi hoa tinh tế. Thời bao cấp khó khăn, nhưng hoa các cụ chơi phải vừa có hương, vừa có sắc. Loại hoa nào mà lòe loẹt, không có mùi hương gì, thì bị đánh giá là cái loài "hữu sắc vô hương", y như sau này ta vẫn hay chê cô gái nào sống không có tâm hồn vậy.
Quả thật hoa các cụ chơi đều có hương thơm, từ nồng nàn cho đến thoang thoảng. Như hoa nhài, hoa huệ, hoa ngâu, hoa hồng, sen, ngọc lan, phong lan, địa lan, thủy tiên... Hoa nhài thơm nồng nàn, có cụ thích, cụ khác lại chê, bảo 'đĩ" quá. Hoa huệ thì thanh cao, dùng để cắm ban thờ tổ tiên. Hoa ngâu, hoa ngọc lan thơm thoang thoảng về đêm nhẹ nhàng luồn qua khung cửa mở. Thơm nhẹ nhàng, thanh tao là hoa lan, nhất là thủy tiên.
Một đặc trưng của chơi hoa của người Hà Nội là chơi cây đang sống. Hoa được trồng trong vườn hoặc trong chậu ở hiên nhà. Hoa ngọc lan, hoa ngâu, hoa nhài trồng trong vườn. Hoa sen, hoa lan trồng trong chậu. Củ thủy tiên được ngâm trong bát. Các cụ chăm sóc hoa như chăm nom người bạn tâm giao. Chỉ có một số ít hoa mới bị ngắt cành đem xuống, thường là để cúng. Như hoa huệ cắm bình, hoa hồng, ngọc lan bày lên đĩa cúng ban thờ.
Người với hoa như là bạn. Mẹ tôi kể là ông hàng Gai, là cụ sinh ra bà, nhà ở phố Hàng Gai nên gọi thế để phân biệt với các cụ khác, trong nhà có vườn địa lan. Nhà phố cổ bề ngang thường hẹp, chỉ 3 m, nhà nào rộng thì 4 m, nhưng dài sâu hun hút. Riêng nhà cụ thì rộng ngang 8 m, để chừa lại khoảng trống để làm sân trong. Trong sân trước khi người Pháp đặt ống dẫn nước máy thì luôn có giếng để lấy nước ăn, cụ tôi trồng một vườn địa lan.
Mẹ tôi kể hồi bé hay được lên phố Hàng Gai xem ông chăm vườn địa lan. Cụ không tưới bằng nước máy, có chất làm chết cây. Cụ cũng không tưới bằng nước giếng. Mà cụ mua nước sông Hồng. Thời ấy có người chuyên múc nước phù sa sông Hồng, chở bằng xe bò, đi rao các phố, bán cho các nhà mua để tưới cây. Thế mới biết người Hà Nội xưa chơi hoa cầu kỳ thật.
Gần Tết thì cụ mua củ thủy tiên về gọt và canh hoa nở đúng Tết. Gọt thủy tiên ra sao để ra hoa là một kỹ thuật phức tạp. Tôi chỉ nghe mẹ kể là khó lắm. Bẵng đi đến gần nửa thế kỷ, bây giờ người Hà Nội mới lại chơi thủy tiên vào dịp Tết. Tôi chỉ mua thủy tiên về trưng ở phòng khách chứ chưa thử gọt xem có được không. Gần đây ngành văn hóa Hà Nội có phục dựng lại Tết cổ truyền của Hà Nội xưa ở Đình Kim Ngân trên phố Hàng Bạc. Phòng khách có bộ bàn ghế gụ lên nước đen bóng, trên bàn bày bát thủy tiên, cành đào cắm lọ lục bình... thật trang trọng.
Thời Pháp thuộc, người Pháp du nhập văn hóa phương Tây sang. Nhiều giống hoa xứ ôn đới, hoa vùng Địa Trung Hải được mang sang trồng ở Việt Nam. Ở Hà Nội các loài hoa mới được trồng ở làng Ngọc Hà. Thành một địa danh nổi tiếng, làng hoa Ngọc Hà. Giờ làng Ngọc Hà đã thành phố, đất đắt như vàng, không còn một mét nào trồng hoa nữa.
Hoa của Tây thì đẹp về màu sắc nhưng thường không có hương. Hoa thường cắt cành, cắm bình, chơi vài ngày rồi bỏ. Hoa kiểu Tây mau chóng được lớp người tân thời đón nhận, và lâu dần cũng thành một bản sắc của người Hà Nội. Một bức tranh nổi tiếng của họa sĩ Tô Ngọc Vân, bức "Thiếu nữ bên hoa huệ", một tuyệt phẩm vẽ một thiếu nữ nghiêng mình bên hoa huệ tây, sau này gọi là hoa loa kèn.
Mẹ tôi được ông bà cho học trường Pháp từ bé, nên mẹ cũng yêu hoa theo kiểu Tây. Mẹ cắm hoa rất đẹp. Thời bao cấp đói khổ, ăn còn chẳng đủ, nên mẹ chỉ có thể có dịp chơi hoa vào ngày Tết. Tôi còn nhớ ngày Tết sau khi cắm hoa vào bình rồi, còn thừa các bông cúc nhiều màu, mẹ cắt cuống, thả hoa vào một cái bát to, mẹ gọi là bát hoa. Bát hoa nhiều màu này năm nào tôi cũng thấy trên bàn tiếp khách. Sau này tôi ít thấy ai bày hoa theo cách này.
Khi bố mẹ tôi về già, điều kiện gia đình lúc này đã khá hơn, mẹ đi chợ mấy ngày lại mua một bó hoa cắm ở phòng khách, nên mẹ và cô bán hoa thân nhau. Sau này khi bị tai biến rồi nằm một chỗ không đi lại được thì đến Tết mẹ vẫn chỉ đạo tôi mua hoa gì bày Tết. Bao giờ mẹ cũng bảo mua một cành đào và một bó hoa lay ơn đỏ. Thỉnh thoảng khi mẹ khỏe hơn một chút, tôi đưa mẹ đi chơi chợ hoa, chọn mua hoa ngày Tết.
Những ngày này phố phường Hà Nội ngập tràn sắc hoa. Xuân về nhìn hoa lại nhớ người. Ôi những người xưa của Hà Nội, giờ đã đi xa rồi.
Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!