Suy ngẫm về buồn vui mùa hoa Tết
(Dân trí) - Khi xuân nô nức đến với từng người, gõ cửa từng nhà, mang đến hân hoan và hi vọng thì đâu đó vẫn len lỏi những nỗi buồn và nặng trĩu mối lo toan…
Đất nước đi qua năm Canh Tý, khép lại trọn vẹn một năm bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Dù chúng ta tự hào là một trong những quốc gia hiếm hoi đạt được tăng trưởng dương trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, nhiều nền kinh tế phát triển cũng phải ghi nhận tăng trưởng âm, thì vẫn phải nhìn vào một thực tế: tăng trưởng GDP ghi nhận thấp nhất trong vòng 1 thập kỷ!
Cần nhìn thẳng để nỗ lực hơn, nhìn thẳng để cùng chia sẻ với nhau, cảm thông cho nhau và cùng nhau vượt qua gian nan, thách thức.
Có lẽ cũng giống như người viết, nhiều độc giả hẳn rằng đều cảm nhận rõ ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19 lên thu nhập người dân trong năm qua từ chính không khí tiêu dùng, mua sắm Tết.
Phóng viên Dân Trí ở nhiều địa phương cho biết, mặc dù nguồn cung hoa Tết năm nay rất dồi dào, nhưng người buôn hoa vẫn như "ngồi trên đống lửa" vì quất, đào đã "đổ gục" trước Tết.
Ở Hà Tĩnh, địa phương thời điểm này vẫn an toàn trong đợt bùng dịch lần thứ 3, đến chiều ngày 25 tháng Chạp, nhiều điểm bán cây cảnh dọc các tuyến đường lớn vẫn thưa thớt khách. Tại đại lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh - nơi vốn tấp nập buôn bán cây cảnh dịp Tết cũng thiếu nhộn nhịp như những năm trước.
Xót xa hơn là tình cảnh "ế sưng" của các hộ trồng đào ở Hải Dương. Theo ghi nhận của phóng viên, giá đào dù giảm từ 30 - 50% so với năm trước nhưng khách mua vẫn rất ít. Đến tận chiều 29 Tết, trời vẫn mưa rét, không có khách mua, nhiều gia đình phải bỏ lại quá nửa số đào tại ruộng, chấp nhận "trắng tay"!
Hà Nội, TPHCM, nhiều thành phố lớn khác, cảnh đào, quất bung nở, hoa tươi bỏ thối cả đống không hiếm gặp.
Một người bán hàng chia sẻ với phóng viên: "Năm nay do dịch bệnh, cả năm không có việc làm nên chúng tôi nghĩ đầu tư cho việc buôn cây cảnh cuối năm. Nhưng do người buôn nhiều quá, sức mua lại giảm, chúng tôi không biết có được ăn Tết không nữa". Thế là trong cái khó lại ló… cái khó hơn; đã vất vả quanh năm, cuối năm chẳng những không bứt lên được mà còn gặp éo le vì "kẹt hàng".
Trên mạng xã hội và một số địa phương, tiếp tục xuất hiện những lời kêu gọi "giải cứu" nông dân, "giải cứu" hoa Tết. Thậm chí là có cả những lời trách móc với những ai cố đợi đến đêm 30 mới mua hoa Tết…
Bản thân người viết cho rằng, những sự sốt ruột, nóng lòng xuất phát từ tinh thần sẻ chia, tương thân tương ái… đều đáng quý. Dẫu vậy, quy luật cung - cầu của thị trường rất khắc nghiệt. Dù đồng cảm và chia sẻ, nhưng sức người có hạn, không thể năm nào các chương trình "giải cứu" cũng thành công và ở đâu cũng được giải cứu.
Sự thất bát của người nông dân hay hàng hóa "ế sưng ế sỉa" của người đi buôn năm nào cũng diễn ra. Đâu lạ gì cảnh người bán đứt ruột đập vỡ chậu cảnh, phá nát hoa giữa phố những chiều, những đêm 30 Tết…
Song, trên thương trường có phải ai cũng đều thua?
Vì sao người ta vẫn ham "săn" những đồ "độc", lạ, chi hàng triệu đồng cho một lẵng hoa ngoại nhập? Một cành hoa thật chỉ vài trăm nghìn đồng, nhưng một cành hoa giả lại là nhiều triệu?
Nhìn sang các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển, nhiều năm qua, người viết vẫn đau đáu câu hỏi: Vì sao chúng ta vẫn chưa thể phát huy được vai trò của các hiệp hội, chưa thể tăng thêm sức mạnh cho người nông dân, chưa thể giúp người dân làm giàu bền vững từ nông nghiệp? Vì sao hoa quả nước ta không hề thua kém các nước, mà người tiêu dùng vẫn phải chi tiền đắt đỏ để mua hàng nhập?
Những câu hỏi đó xin dành cho các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý ngành. Rất mong sao trong năm mới Tân Sửu và những năm sắp tới, người nông dân của chúng ta sẽ bớt cô đơn và những người kinh doanh cũng trở nên hoan hỉ, kinh tế thực sự khởi sắc với cảm nhận rõ rệt về sức mua và thu nhập của mỗi người dân.