Tâm điểm
Vũ Ngọc Bảo

Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm

Ngày đi làm đầu năm mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình tổ chức Tết Nguyên đán năm 2023 và các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết, thúc đẩy công việc ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới Quý Mão.

Lãnh đạo Chính phủ đã nhấn mạnh một số nhiệm vụ, bao gồm việc giải ngân vốn đầu tư công. Theo nhiều chuyên gia, tuy chiếm tỷ lệ khoảng 16-17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chiếm 5-6% GDP nhưng vốn đầu tư công đóng vai trò là nguồn vốn "mồi" dẫn dắt và định hướng vốn đầu tư toàn xã hội phục vụ cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Việc khơi thông nguồn lực đầu tư công càng có ý nghĩa quan trọng để dẫn dắt tăng trưởng trong bối cảnh khó dự báo của năm 2023.

Nhìn lại năm 2022, năm đầu tiên triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, với số vốn đầu tư cao hơn tới 26% so với năm 2021 (tương đương 120.000 tỷ đồng), việc giải ngân đã từng bước được cải thiện, tăng nhanh dần vào cuối năm. Tuy nhiên, thống kê của Bộ Tài chính cho hay, tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công 12 tháng năm 2022 chỉ đạt 67,27% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 75,11%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (77,30%). Như vậy quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 95% trong năm 2022 đã không "về đích".

Rất nhiều nguyên nhân khiến con số giải ngân không đạt được kỳ vọng. Cơ quan quản lý từng chỉ ra tới 25 tồn tại, vướng mắc và chia thành các nhóm khác nhau, từ chủ quan đến khách quan như tình hình vật giá leo thang, dịch bệnh hay chiến sự Nga - Ukraine.

Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra dự án thành phần Diễn Châu-Bãi Vọt thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 1, ngày 28/1 (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Bước vào năm 2023, Chính phủ nhận định tình hình thế giới, khu vực và trong nước còn nhiều khó khăn, phức tạp, nước ta tiếp tục đối diện với những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Do đó tất cả các lĩnh vực đều phải nỗ lực ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới. Với lĩnh vực đầu tư công, như "tư lệnh" ngành Kế hoạch và Đầu tư từng phát biểu "càng giải ngân nhanh thì càng nhiều dự án hoàn thành, góp phần phát triển cơ sở hạ tầng trọng yếu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế".

Thiết nghĩ, từ thực tế và bài học những năm qua, các cơ quan quản lý cần tập trung tháo gỡ vướng mắc và tạo sức ép mạnh mẽ để "khơi thông" hơn nữa nguồn lực quý giá đầu tư công; người đứng đầu các đơn vị liên quan phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ nếu giải ngân ì ạch. Việc thành lập tổ công tác thúc đẩy đầu tư công nhằm ghi nhận khó khăn và kịp thời tháo gỡ là một mô hình có thể nhân rộng ở các bộ ngành, địa phương.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cần xét đến vướng mắc về thể chế, hệ thống quy định chính sách, bao gồm pháp luật về đầu tư công. Cần thẳng thắn nhìn nhận còn có những khó khăn xuất phát từ việc lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa sát khả năng thực hiện, dẫn đến không phân bổ hết kế hoạch giao; còn tình trạng "vốn chờ dự án đủ thủ tục", hay dự kiến vốn trước rồi mới tiến hành làm thủ tục đầu tư…

Việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cũng cần đi liền với tăng cường công khai, minh bạch, phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng.

Bên cạnh yêu cầu giải ngân kịp thời, đúng tiến độ, một vấn đề quan trọng khác của đầu tư công là tính đồng bộ, tránh dàn trải nguồn vốn dẫn đến lãng phí. Thời gian qua báo chí đã phản ánh nhiều dự án đầu tư công thiếu đồng bộ, đơn cử cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa -Vũng Tàu) đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về hàng hóa thông qua và số tuyến dịch vụ kết nối. Tuy nhiên đến nay cụm cảng này vẫn chưa có sự bứt phá như kỳ vọng, mà nguyên nhân được chỉ ra là khu hạ tầng sau cảng thiếu đồng bộ; tuyến QL51 là con đường duy nhất nối Bà Rịa -Vũng Tàu với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ đang quá tải.

Việc kết nối hạ tầng của cảng với bên ngoài còn yếu khiến hàng hóa đến khu cảng Cái Mép - Thị Vải hiện nay chủ yếu phải chuyển tải đến TPHCM. Dòng xe container, xe tải phải thường xuyên lưu thông trong các tuyến đường nội thành gây ách tắc giao thông và khiến nền đường hư hỏng.

Có thể kể thêm một công trình khác ở phía Nam là cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang dang dở, đói vốn và cần sớm được tháo gỡ vướng mắc, tập trung đầu tư để hoàn thiện dự án.

Rõ ràng việc ưu tiên thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư dang dở, như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, hay gia tăng vốn đầu tư các công trình phụ trợ mang tính kết nối để nâng cao hiệu quả cụm cảng Cái Mép - Thị Vải… đều là những việc cần làm ngay trong lĩnh vực đầu tư công.

Với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc thu xếp nguồn vốn đã khó, nhưng để sử dụng hiệu quả lại không phải lúc nào cũng dễ dàng. Hy vọng với quyết tâm ngay từ đầu năm, chúng ta sẽ chứng kiến năm 2023 đầu tư công về đích và phát huy hiệu quả cao nhất.

Tác giả: Ông Vũ Ngọc Bảo từng theo học tại Trường Chính sách công và quản lý Fulbright; hiện công tác tại Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!