“Siết” quy định dạy thêm, học thêm không đồng nghĩa với cấm đoán!
Tôi có người bạn là giáo viên dạy Văn tại một trường công lập ở TPHCM. Mỗi lần dư luận “dậy sóng” về câu chuyện dạy thêm, học thêm, tôi lại nghe bạn chia sẻ cảm xúc về vấn đề này.
Bạn tôi hoàn toàn đồng ý với việc phê phán một nhà giáo nào đó có hành vi “ép buộc” người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức, hay nói cách khác là dạy thêm trái pháp luật. Nhưng cần lưu ý rằng học thêm và dạy thêm là những nhu cầu có thật và chính đáng, nếu những việc này được thực hiện đúng quy định thì xã hội không nên quy chụp một nhu cầu chính đáng thành sai trái, từ đó khiến nhiều thầy cô cảm thấy tổn thương, nhiều phụ huynh cảm thấy tội lỗi, còn học sinh lại loay hoay trong những định kiến chưa kịp hiểu.
Bạn tôi dẫn chứng câu chuyện cách đây đã lâu về một học sinh lớp 9 mà bạn là giáo viên của học sinh này. Em ấy học lực trung bình, chuẩn bị thi vào lớp 10 và hiện không học thêm bất kỳ môn nào vì gia đình làm công nhân, khó khăn. Em rất cố gắng, nhưng khối lượng kiến thức nhiều, chương trình lại đòi hỏi kỹ năng tổng hợp, nên càng ngày học lực của em càng tụt lại so với bạn đồng trang lứa.

Quy định hiện hành cấm nhà giáo dạy thêm cho học sinh mà mình đang trực tiếp giảng dạy (Ảnh minh họa do AI tạo)
Một hôm, mẹ em đến gặp bạn tôi để năn nỉ: “Cô ơi, em nó tự học mãi không nổi, nếu cô có dạy kèm thêm thì cho cháu theo, gia đình có thể gửi được một ít học phí”. Bạn tôi nhìn thấy trong ánh mắt chị ấy không chỉ là sự lo lắng của một người mẹ, mà còn là sự e dè như thể đang nói điều gì sai trái. Thời điểm đó, bạn tôi từ chối nhận dạy vì sợ rơi vào rắc rối. Nhưng rồi chính bạn tôi lại giới thiệu em ấy đến một lớp ôn tập ngoài giờ do trung tâm mở, vì bạn tôi biết nơi đó có những giáo viên tận tâm. Sau thời gian ôn luyện, em học sinh đã vào được lớp 10 công lập. Ngày em cầm giấy báo nhập học, hai mẹ con có tới trường cảm ơn bạn tôi. Nghe câu chuyện trên, tôi chợt nghĩ: “Giá như mọi lớp học thêm đều xuất phát từ nhu cầu như vậy, liệu ai đó có còn cực đoan khi nhận xét về học thêm, dạy thêm?”
Tôi không phủ nhận rằng có những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động dạy thêm. Có giáo viên lợi dụng quyền lực để gây áp lực học sinh học thêm, có người lạm dụng dạy thêm như nguồn thu nhập chính và sao nhãng dạy chính khóa. Nhưng chẳng lẽ vì một vài “con sâu” đó mà đánh đồng toàn ngành giáo dục?
Cũng như xã hội đâu cấm bác sĩ làm thêm ngoài giờ, hay luật sư tư vấn ngoài công sở, miễn là không vi phạm đạo đức và quy định. Thật sự, tôi hay bất kì ai từng làm cha mẹ sẽ hiểu: “không phải ai cũng bắt con học thêm. Rất nhiều người muốn con học một buổi rồi nghỉ ngơi, chơi thể thao”. Nhưng rồi lo vì con học yếu, vì kỳ thi cạnh tranh khốc liệt, cha mẹ buộc phải cho con học thêm, không phải vì bị ép, mà vì không thể khác.
Tôi từng chứng kiến một người bạn đồng nghiệp có con học lớp 4, dù rất cứng rắn nói “không học thêm”, nhưng sau hai lần con về nhà khóc vì không hiểu bài tập nâng cao, anh ta cũng phải chủ động tìm giáo viên kèm riêng. Đó là một thực tế chứ không phải ngụy biện.
Một đại biểu đã nói trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo tại Quốc hội sáng 6/5 rằng: “dạy thêm, học thêm xuất phát từ nhu cầu tự thân của xã hội, học sinh và phụ huynh, không nên quy kết là do ép buộc từ giáo viên”. Tôi cho rằng, điều đáng bàn là cách quản lý hoạt động đó như thế nào. Thay vì cấm đoán bằng các quy định hành chính có phần cứng nhắc, chúng ta cần nhìn nhận dạy thêm như một dịch vụ giáo dục bổ trợ có kiểm soát, có quy định, có đạo đức. Nếu dạy thêm công khai, được cấp phép, chịu sự kiểm tra, có chế tài rõ ràng với hành vi tiêu cực, thì sao phải sợ?
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà tri thức không còn dừng lại ở trường lớp. Học sinh ngày nay học thêm không chỉ để thi, mà để phát triển năng lực tư duy, kỹ năng xã hội, học ngoại ngữ, học công nghệ… Nhiều em học thêm vì muốn vươn xa, chứ không phải vì bị ép buộc.
Ngăn cản tất cả những nhu cầu đó chỉ bằng một lệnh “cấm” là đi ngược xu thế giáo dục hiện đại. Tôi không kêu gọi hợp thức hóa mọi lớp học thêm. Tôi kêu gọi sự tỉnh táo, minh bạch và nhân văn. Cần có khung pháp lý rõ ràng, cần phân biệt rạch ròi giữa dạy thêm chính đáng và trục lợi. Cần tôn trọng quyền lựa chọn của phụ huynh và học sinh, đồng thời nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp của nhà giáo. Và trên hết, cần thay đổi cách xã hội nhìn về dạy thêm; đây không phải là biểu hiện suy đồi đạo đức, mà có thể là chiếc phao cứu sinh đúng lúc cho một đứa trẻ không có điều kiện học tập tốt như bạn bè mình.
Đừng để những câu chuyện đẹp bị chôn vùi bằng những định kiến bảo thủ. Đừng để những người giáo viên đang cố gắng hết mình để hỗ trợ học sinh lại trở thành đối tượng bị nghi ngờ. Và cũng đừng để một nhu cầu có thật bị bóp méo thành một tội lỗi không thể biện minh.
Quốc hội đã thông qua Luật Nhà giáo vào sáng 16/6 với 451/460 đại biểu Quốc hội bấm nút tán thành (tỷ lệ 94,35%). Đạo luật này có nhiều quy định quan trọng và không cấm học thêm.
Trước khi các đại biểu bấm nút thông qua dự thảo Luật, báo cáo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội nêu rõ dự thảo Luật không cấm việc dạy thêm, học thêm, chỉ quy định nhà giáo không được ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức nhằm hạn chế, khắc phục tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan và trục lợi từ hoạt động dạy thêm, học thêm. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản quy định về dạy thêm, học thêm, trong đó thể hiện rõ nội dung cấm nhà giáo dạy thêm cho học sinh mà mình đang trực tiếp giảng dạy.
Như vậy, hành lang pháp lý về dạy thêm, học thêm đã có, xin hãy nhìn nhận đúng mức và thực hiện đúng quy định.
Tác giả: Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh hiện công tác tại Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn; ông quan tâm đến lĩnh vực hành chính công và chính sách công.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!