Tâm điểm
Nguyễn Thị Bích Hậu

Nợ nần học phí trường hạng sang

Mạng xã hội và báo chí đã lên tiếng về câu chuyện của người mẹ đơn thân có con đi học ở một trường tư thục mang danh quốc tế tại TPHCM. Vào mùa dịch, cô làm ăn thất bát. Vì vậy cô nợ tiền học phí của trường liền mấy tháng với số tiền hơn trăm triệu đồng.

Trường chờ mãi không thấy cô trả số tiền này, dù đãtừng giảm cho cô 50%.

Nhưng theo cô cho biết, thực tình cô không có đủ tiền trả cho con vì việc làm ăn hoàn toàn thất bại. Con cô nghỉ học. Nợ treo đó. Và học bạ của con cô không rút ra được để chuyển về học trường công. Cuối cùng cô đành lên tiếng trên báo chí, mạng xã hội và ngành Giáo dục TPHCM đã vào cuộc để xử lý vụ việc, nhằm giúp cho cháu bé được đi học, trong khi vẫn tiếp tục nợ tiền nhà trường.

Nợ nần học phí trường hạng sang - 1

Người mẹ và nam sinh đến Báo Dân trí chia sẻ hoàn cảnh nợ học phí và chưa thể rút học bạ (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Nhìn vào câu chuyện rắc rối này có hai luồng ý kiến. Một luồng ý kiến cho rằng người mẹ đơn thân lẽ ra nên cố gắng trả nợ cho con ngay từ đầu, và khi không đủ chi phí cho con đi học thì cũng không nên gây thêm khó khăn cho trường vốn cũng rất khó khăn trong mùa dịch. Nhưng một luồng ý kiến khác cho rằng trường nên tôn trọng quyền của trẻ em về việc đi học, không nên giữ học bạ của cháu học sinh trong 2 năm để cháu không được đi học chỉ vì khoản nợ của mẹ cháu treo ở đó.

Những luồng ý kiến này cho thấy các góc nhìn khác nhau, từ phía bảo vệ quyền lợi của trường tư thục quốc tế và bảo vệ quyền lợi của học sinh. Và dù thế nào thì cũng đã có những tổn thương xảy ra cho các bên liên quan trong việc này.

Theo tôi, thực ra thì vụ việc này hoàn toàn có thể xử lý êm đẹp, nếu như các bên cùng soạn thảo các cam kết hợp tình hợp lý và thực hiện đúng những gì đã ký kết.

Các trường tư thục tại nhiều quốc gia trên thế giới thường yêu cầu phụ huynh đóng học phí cho con hàng năm hoặc từng học kỳ, từng quý. Phụ huynh có thể chọn loại nào cũng được. Nếu chọn đóng hết năm thì sẽ chỉ cần đóng đúng số tiền đưa ra. Nếu chọn đóng một học kỳ thì sẽ phải tăng thêm một số chi phí cho lãi suất. Và nếu chọn đóng 3 tháng thì lãi suất sẽ cao hơn một chút. Cha mẹ học sinh sẽ phải đóng trước khi các cháu vào học 3 tháng, một học kỳ, hay một năm. Như vậy khi hết kỳ học phí đã đóng theo cam kết đã ký với nhà trường, nếu cha mẹ không tiếp tục nạp tiền học phí cho con, đương nhiên các cháu sẽ phải nghỉ học.

Trong trường hợp này, nhà trường sẽ  xem xét, nếu như cháu bé đó gia đình có hoàn cảnh thực sự khó khăn, mà trường vẫn muốn giữ cháu lại và giúp đỡ, họ sẽ cấp học bổng cho cháu, hay kêu gọi các hội đoàn từ thiện, các phụ huynh và học sinh trong trường chung tay giúp cháu đóng tiền học.

Còn nếu không thể giúp được, nhà trường sẽ làm thủ tục để trả học bạ cho cháu và giúp cháu chuyển về lại trường công (học phí thấp hoặc miễn phí) theo nguyện vọng của gia đình để tiếp tục học tập bình thường.

Cách ứng xử này vừa có lý, vừa có tình. Do đó sẽ tránh được chuyện nợ nần phát sinh không cần thiết và cảnh nhà trường chạy theo gia đình học sinh đòi nợ hụt hơi. Đồng thời cũng giúp cho học sinh không bị thất học. Và các bên tham gia vào câu chuyện này từ nhà trường, học sinh tới phụ huynh học sinh đều phải tôn trọng các cam kết chung.

Còn nếu như nhà trường không có cam kết rõ ràng với cha mẹ học sinh, hay dù có cam kết rồi nhưng để phát sinh nợ học phí, và khi cha mẹ các cháu lâm vào cảnh làm ăn thất bát, vỡ nợ, không trả được tiền, thì cuối cùng học sinh là những người thiệt thòi nhiều nhất. Các con không được đảm bảo quyền đi học, chỉ vì sự thiếu phân minh của người lớn. Đây là vấn đề các bên nên rút kinh nghiệm.

Một điểm nữa mà các bậc cha mẹ có con muốn gửi vào các trường tư thục quốc tế đắt tiền trong thị trường giáo dục đa dạng hiện nay, là nên có kế hoạch rõ ràng. Nghĩa là có đường tiến trong việc đầu tư cho con, nhưng cũng nên có cả đường lui.

Chi phí học hành ở nhiều trường tư hiện rất đắt đỏ. Khi kinh tế phát triển, việc làm ăn tốt đẹp, cha mẹ có thể bỏ ra vài trăm triệu đồng hay cả tỷ bạc để trả tiền học phí cho con mỗi năm học. Nhưng khi kinh tế khó khăn, làm ăn thất bát, thì phải có đường đưa con về học lại trường công cho rẻ tiền. Như vậy sẽ tránh được cảnh nợ nần học phí tới mức không thể chi trả nổi, khiến cho con dang dở học hành.

Giáo dục tư rõ ràng là dịch vụ giáo dục theo nhu cầu chứ không phải là nơi cung cấp dịch vụ miễn phí. Và ngay khi đó cha mẹ vì tiếc việc học hành ở trường sang chảnh của con, muốn kêu gọi tài trợ hay xin tiền thiện nguyện thì cũng không dễ được giải quyết. Bởi người khác chỉ có thể giúp các cháu khó khăn được đi học ở trường công, chứ không thể nào giúp các cháu có đủ vài trăm triệu đồng hay cả tỷ bạc một năm để theo học trường tư đắt đỏ, trong khi còn có bao nhiêu cháu hoàn cảnh khó khăn không đủ cơm ăn áo mặc, cần được học hành trong xã hội.

Mong rằng câu chuyện nói trên sẽ kết thúc có hậu, và là một bài học tốt cho các nhà quản lý, các trường tư thục lẫn các bậc cha mẹ.

Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!