Tâm điểm
Nguyễn Thị Bích Hậu

Trường công, trường tư và … trường đời

Ngày trước rất dễ dàng cho mọi lựa chọn của các gia đình có con vào lớp 10, khi thị trường giáo dục trong nước vẻn vẹn chỉ có toàn trường công. Học trò thích hay không cũng phải chọn trường công. Nhưng sau này có cả trường tư, trường quốc tế, các trung tâm giáo dục thường xuyên, thậm chí cả cho con đi du học… Thành ra cha mẹ và các con có nhiều chọn lựa hơn. Nhưng chọn gì thì cũng không dễ tí nào.

Theo quan sát của tôi hơn 10 năm nay, trường công dù giờ đây không phải là chọn lựa duy nhất, nhưng vẫn là lựa chọn cho số đông. Bởi vì độ phổ biến, vì học phí của trường công dù sao cũng không quá tốn kém. Và những học sinh giỏi thì có thể chọn cách thi vào trường chuyên, lớp chọn là những nơi có môi trường học tập tốt nhất trong các trường công nói chung.

Những gia đình chọn trường tư, trường quốc tế thì phải có điều kiện về tiền bạc, vì học phí rất cao, ít cũng cỡ hàng chục triệu đồng mỗi năm và cao nhất có thể hơn 900 triệu đồng mỗi năm, chưa tính ăn ở, đi lại và các chi phí phát sinh khác.

Các trung tâm giáo dục thường xuyên ít được chọn hơn cả, do chịu tiếng là nhiều học sinh kém, hay chất lượng không tốt, những học sinh không theo được trường công lẫn trường tư mới vào đó học.

Trường công, trường tư và … trường đời  - 1

Phụ huynh nửa đêm quây trường THPT Hoàng Cầu mong giành được một suất nộp hồ sơ vào lớp 10 cho con (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Vì thế hàng năm đều diễn ra cuộc đua tranh nóng bỏng là chọn con theo học trường nào. Sự đua tranh này chủ yếu nằm ở các gia đình mà tôi tạm gọi là "cận biên". Bởi vì nếu không nằm trong vùng cận biên, họ đã chỉ chọn một loại trường phù hợp nhất với con mình và sức của mình.

Một là, có những gia đình chắc chắn chỉ chọn trường công cho con. Ví dụ con nhà nghèo, cha mẹ chỉ cần biết nơi nào gần nhất thì cho con theo học là xong; hay là nhà có con học giỏi, ngoan, vào được trường chuyên lớp chọn, chịu sức ép học hành vất vả nhưng môi trường cạnh tranh tốt; hay là nhà loại trung lưu, con học cũng kha khá thì thôi cho vào trường công cho tiện.

Hai là, có những gia đình chắc chắn chỉ chọn trường tư, trường quốc tế cho con. Nhưng ở đây cũng sẽ chia thành nhiều phân loại khác nhau. Ví như nhà trung lưu, con học bình thường, họ sẽ chọn trường tư loại trung bình cho con, vì con họ không thể đua để vào trường công tốt, trường chuyên…. Mà nếu vào trường công nhóm dưới thì họ lo lắng con sinh thói hư tật xấu vì lớp quá đông, trong lớp nhiều bạn bè không tích cực học hành. Hơn nữa túi tiền của gia đình cũng chỉ như vậy thôi.

Chỉ những nhà rất giàu có mới dám cho con theo học các trường tư, trường quốc tế hạng đắt tiền. Nhiều trường diện này học phí còn đắt hơn cả cho con đi du học.

Những nhà ở vùng cận biên là họ không đủ tiền cho con vô trường tư, nhưng khi con thi vào trung học thì bị rớt khỏi trường công. Hoặc là những nhà có con đã vào học trường tư, trường quốc tế song không theo nổi chương trình học dán mác ngoại ở đó, vì cũng phải học hành căng thẳng và thi cử khó khăn. Những nhà này giờ tiến thoái lưỡng nan, cho con quay lại trường công không xong mà cho đi du học thì cũng không nổi.

Hay là các gia đình đã từng cho con học trường tư - trường quốc tế ở bậc tiểu học, thậm chí cả bậc trung học cơ sở, nay nhà hết tiền muốn cho con vào trường công bậc trung học thì không thể thi nổi. Hoặc cũng có trường hợp các cháu đã từng học trường tư ít năm, nay quay lại trường công không theo được vì môi trường khác nhau, cách dạy dỗ khác nhau, sức ép khác nhau.

Ở các gia đình thuộc dạng cận biên này, đưa con vào trung tâm giáo dục thường xuyên hay trung cấp nghề không phải là điều họ muốn. Là vì họ không an tâm về chất lượng của các nơi này cũng như định hướng tương lai của con.

Hàng năm, những gia đình ở vùng cận biên này không nhỏ. Chỉ nhìn vào số lượng các cháu thi rớt khỏi trung học công ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TPHCM năm nay là đủ thấy tình hình phức tạp thế nào, chưa kể các nhóm khác trong vùng cận biên. 33.000 học sinh trượt trung học công ở Hà Nội là một con số lớn, vì số đậu chỉ có 55,7%, vậy số trượt sẽ lên tới 44,3% tổng số học sinh tốt nghiệp THCS. Mà nguyên do chính là thiếu trường công cho các cháu theo học.

Vì thế, cho dù có những nhà quản lý giáo dục đăng đàn nói tính chung mọi loại trường thì không hề thiếu chỗ cho các cháu đi học, nhưng trên thực tế bài toán này phải giải thế nào với các gia đình ở vùng cận biên là không dễ.

Nếu các gia đình này không chọn cho con vào trung tâm giáo dục thường xuyên và trường nghề, thì phải ráng vay mượn chạy chọt cho con vào trường tư học, dù quá sức họ. Con đường khác là họ đành chấp nhận cho con rẽ vào trung tâm giáo dục thường xuyên, để rồi nếu may mắn chịu học hành và có bằng trung học thì con em họ cũng sẽ va vào một vách đá khác là phải cố vào đại học tư dù học phí rất cao so với thu nhập gia đình.

Nếu cho con đi học nghề, các gia đình ở vùng cận biên này chưa dám chắc con có thành nghề ngỗng gì ở tuổi ăn chưa no lo chưa tới đó hay không. Không phải cháu nào ở độ tuổi này cũng có khả năng học nghề và ra làm thành thợ để tự kiếm sống.

Ở đây cũng phải nói thật rằng mạch liên thông giữa trường nghề ở ta với các phương thức giáo dục khác còn nhiều hạn chế. Nhìn ra thế giới thì nhiều nước đã liên thông rất tốt, điển hình như ở Đức hay gần ta là Trung Quốc.

Hệ thống trường nghề ở các nước đó giúp phân hóa học sinh rất tốt, và đón nhận các cháu ngay sau khi tốt nghiệp THCS mà không vào được PTTH. Các nước này có cách làm bài bản, định hướng tương lai ổn định cho học sinh ở các trường kiểu này, nên phụ huynh sẵn lòng gửi con vào đó mà không lo lắng gì.

Một số nước thì điều tiết bằng thu nhập. Ví dụ tại Úc hay Mỹ, chỉ cần học trường nghề ra mà làm thợ lành nghề thì thu nhập hàng tháng của họ (tính theo giờ) cao bằng và thậm chí cao hơn cả một số người có bằng đại học mới đi làm.

Từ những thực tế nêu trên, ở cấp độ quản lý giáo dục, chúng ta cần giải cho được bài toán của các gia đình cận biên để tháo gỡ khó khăn của họ và cũng là để hạ nhiệt điểm nóng xã hội vào mỗi kỳ thi như vừa qua. Còn nếu không thì hàng năm, các gia đình có hoàn cảnh tương tự, sẽ lại tiếp tục vật lộn với những thách thức lớn. Mà với nguồn lực có hạn, họ nhiều khi không biết phải lựa chọn thế nào.

Tác giả: Nhà báo Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Chị là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!