Học phí trường Y: Bao giờ cho đến ngày xưa!
Tôi vừa nhận được thư của một bác sĩ trẻ và đọc xong thấy lòng chùng xuống. Em cho hay đã may mắn trúng tuyển Bác sĩ Chuyên khoa I, song thời gian vừa qua, học phí của các trường Y trong nước trong đó có trường em theo học tăng rất mạnh (63 triệu đồng/năm) và thật sự trở thành áp lực đối với cá nhân em.
Gia đình em tuy có ủng hộ và động viên nhưng em biết vì nguồn lực có hạn, gia đình cũng sẽ chỉ hỗ trợ được một phần nào và nhiều lúc em cảm thấy mình trở thành gánh nặng của người thân khi đã lỡ chọn con đường theo ngành Y.
Lý do em viết thư cho tôi là mong nhận được sự giúp đỡ và xin ý kiến về việc tìm kiếm các nguồn học bổng dành cho học viên sau đại học, hoặc các nguồn vay tín dụng ưu đãi để có thể thanh toán khoản học phí quá lớn trong thời gian làm thủ tục nhập học sắp tới.
Nhớ lại ngày xưa học trường Y chúng tôi không phải nộp học phí, chẳng phải đóng một đồng nào học thêm. Không những thế chúng tôi còn được nhận học bổng 18 đồng/tháng, 15 đồng tiền ăn (đủ ăn bếp tập thể mặc dù đạm bạc), 3 đồng tiêu vặt. Trong hoàn cảnh chiến tranh, nhà nước phải lo nhiều việc nhưng nhờ chính sách này mà nhiều thế hệ con em nhà nghèo như tôi đã thành các bác sĩ, kỹ sư…
Giai đoạn hiện nay chúng ta cũng đã có những chủ trương, chính sách về đào tạo cán bộ y tế, trong đó nêu rõ ngành Y là một ngành đặc biệt vì vậy cần có chế độ tuyển dụng đặc biệt, đào tạo đặc biệt và đãi ngộ đặc biệt. Có những việc cơ quan quản lý đã làm tốt, nhưng có những việc cần xem lại, cụ thể là vấn đề học phí. Hiện nay học phí các trường Y rất cao so với thu nhập của các gia đình ở nông thôn, gia đình công nhân… Học phí cao cộng với chi phí ăn, ở, đi lại đã ảnh hưởng đến cơ hội theo học của con em các gia đình này.
Vấn đề học phí không chỉ là bài toán khó với sinh viên. Mức học phí cao giai đoạn sau đại học cũng là cản trở lớn đối với các bác sĩ công tác ở bệnh viện huyện hoặc ở các tỉnh miền núi, nơi không có thu nhập thêm ngoài lương. Một bác sĩ mới ra trường nếu may mắn có việc làm ngay thì lương tháng cũng chỉ 5 triệu đồng, tằn tiện mới đủ nuôi bản thân, nếu muốn học lên thì lại phải về nhờ bố mẹ.
Ngành Y rất khác các ngành khác, tốt nghiệp, bác sĩ chưa đủ kinh nghiệm, trình độ để hành nghề độc lập. Tối thiểu cũng phải học thêm chuyên khoa 1 hoặc thạc sĩ 2 năm. Tôi được biết học phí cho chuyên khoa 1 trên 60 triệu đồng/năm và chuyên khoa 2 trên 70 triệu đồng/năm, học tiến sĩ chắc còn cao hơn. Với học phí này, nhiều bác sĩ sẽ rất khó tiếp tục học lên để có đủ trình độ khám, chữa bệnh.
Hồi tôi học bác sĩ nội trú đã được hưởng lương giống như bác sĩ đi làm. Bây giờ nghe nói không những không có lương mà còn phải đóng học phí. Điều này hoàn toàn trái ngược với hầu hết các nước. Ở Mỹ, Úc, Pháp, Philippines và nhiều nước khác, bác sĩ nội trú đã được hưởng lương đủ để sống và học tập.
Tôi không biết chính xác nguyên nhân tất cả những vấn đề nêu trên là từ đâu, nhưng có lẽ do chúng ta chưa thật sự đặt công tác đào tạo cán bộ y tế vào vị trí quan trọng như nó cần có. Vai trò của ngành Y tế chỉ được chú trọng khi có dịch, như đại dịch Covid, nhưng khi dịch qua đi thì hình như chúng ta lại quên mất.
Việc để các trường tự chủ tài chính có thể là một nguyên nhân. Các thầy, cô cũng cần có thu nhập hợp lí so với các ngành khác vì vậy các trường phải tăng học phí.
Theo tôi, việc cho các trường đại học Y và nhiều bệnh viện tuyến Trung ương tự chủ tài chính có gì đó không ổn. Những trường đại học Y trọng điểm, những bệnh viện tuyến Trung ương trọng điểm cần được đầu tư và vận hành bằng kinh phí của Nhà nước. Chỉ có như thế chúng ta mới đào tạo được những bác sĩ giỏi, mới phát triển được các kỹ thuật cao, các kỹ thuật chuyên sâu.
Làm thế nào để các thầy cô có thu nhập tương xứng, nhưng sinh viên Y trong các trường công lập chỉ phải đóng học phí ở mức độ chấp nhận được là bài toán không dễ giải quyết. Trước mắt các trường Y công lập, trọng điểm cần được đầu tư kinh phí từ Nhà nước, không nên để trường tự chủ tài chính. Các trường đại học Y lớn hiện nay đều có bệnh viện thực hành, đây là nơi các thầy cô làm việc ngoài giờ giảng dạy để tăng thu nhập. Các bệnh viện của trường đại học nên được mở rộng quy mô và tự chủ tài chính để tăng thu nhập cho các thầy cô.
Tác giả: GS.TS Nguyễn Thanh Liêm có hơn 50 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Ngoại nhi và là người tiên phong đưa các liệu pháp trong lĩnh vực Y học tái tạo và trị liệu tế bào vào điều trị các bệnh nan y tại Việt Nam. Ông đã được trao tặng trao giải thưởng Hồ Chí Minh; Huân chương Anh hùng Lao động; Giải thưởng Nhân tài Đất Việt; giải thưởng Nikkei châu Á năm 2018 cho nhà khoa học xuất sắc nhất của châu lục trong lĩnh vực khoa học, công nghệ…
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!