Tâm điểm
Ngô Tiến Long

Những cái bẫy với người già

Thương mại điện tử và các loại hình dịch vụ mới phát triển mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, tuy nhiên cũng có những mặt trái, thậm chí là làm phiền khách hàng hoặc lừa đảo dưới những chiêu trò khác nhau. Trong đó có những chiêu trò thông qua các chương trình khuyến mãi, chăm sóc khách hàng nhắm vào đối tượng là người cao tuổi. Dưới đây tôi xin chia sẻ một số trải nghiệm của bản thân.

Thứ nhất, cảnh giác với thực phẩm chức năng được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội như "thần dược". Tôi vốn là người thường không tin vào những quảng cáo kiểu đó, nhưng vì quan tâm đến sản phẩm được cho là "giúp tiêu mỡ, loại trừ tận gốc chứng cao huyết áp" và đang khuyến mãi 50% giá thành, nên tôi đã quyết định mua và tự nhủ, nếu không bỏ ra một số tiền thì làm sao biết được quảng cáo đó là giả hay thật.

Những cái bẫy với người già - 1

Nhiều đơn vị áp dụng các chiêu trò thông qua chương trình khuyến mãi, chăm sóc khách hàng nhắm vào đối tượng là người cao tuổi (Ảnh minh họa: CV)

Theo lời của nhân viên tư vấn, tôi chỉ cần mua 1 liệu trình, dùng ngày 2 lần trong 3 tháng là có kết quả mỹ mãn. Rồi rất nhanh sau đó, tôi được giao 6 hộp sản phẩm để dùng liên tục, giá chỉ còn gần 3 triệu so với nguyên giá phải gấp đôi.

Sẽ không có gì đáng nói nếu không có chuyện chỉ 1 tuần sau đó, tôi bất ngờ nhận được điện thoại từ 1 người lạ nói là tư vấn chăm sóc khách hàng của đơn vị sản xuất sản phẩm nêu trên.

Sau màn thăm hỏi tỏ rất ân cần thì người này bắt đầu "lộ đuôi cáo" khi nói với tôi rằng ngoài "thuốc đang uống", tôi cần mua thêm 1 loại khác nữa với giá không hề rẻ để uống cùng thì mới có tác dụng. Trong đầu tôi xuất hiện ngay câu hỏi tại sao từ ban đầu họ không nói điều đó, hay là cố tình để khách hàng "sập bẫy" rồi "đâm lao phải theo lao?". Tôi cố giữ bình tĩnh hỏi lại tại sao lại không nêu ngay từ đầu là phải dùng 2 loại… 

Thú thực là tôi không chịu nổi cách giải thích của họ rằng lần trước hết thuốc thứ 2 nên nay mới gọi lại để tư vấn cho đầy đủ, hiệu quả… và đã nhanh chóng cúp máy. Nhưng họ vẫn không buông tha mà còn cố gọi lại cho tôi vài lần nữa, kể cả dùng số điện thoại khác và thay người gọi vì tôi đã chặn hết số cũ, kiên quyết không tiếp chuyện.

Sau hơn 2 tháng kể từ lần đầu nhận sản phẩm, tôi đã dùng theo đúng hướng dẫn nhưng không thấy có chút chuyển biến gì như quảng cáo. Bài học ở đây là nếu không cẩn thận thì không những chúng ta mất tiền, mà còn tự mình chuốc lấy rất nhiều phiền phức về sau vì bị "tra tấn" điện thoại.

Trường hợp tương tự, vợ tôi vì tin vào quảng cáo nên đã đặt mua số lượng khá lớn loại thực phẩm được quảng cáo là bổ dưỡng mắt. Nhưng với người bán hàng thì "càng nhiều càng ít" nên cứ vài ngày họ lại cho nhân viên chăm sóc khách hàng "hỏi thăm" và mời chào chúng tôi mua thêm. Cách tiếp thị qua điện thoại này rất phản cảm, nhưng không hiểu sao đơn vị bán hàng này vẫn áp dụng và vợ chồng tôi trở thành "nạn nhân" của họ trong thời gian dài.

Thứ hai là cảnh giác với "hợp đồng nghỉ dưỡng" có thời hạn nhiều năm. Cách đây mấy năm gia đình tôi đã ký hợp đồng mua một dịch vụ với giá gần 350 triệu đồng để mỗi năm có 1 tuần nghỉ dưỡng trong vòng 30 năm liền. Quả thực vì cả tin nên chúng tôi đã tự "chui vào rọ", chứ sau này từ thực tế trải nghiệm dịch vụ, tôi tự tính toán và thấy nếu cứ đem số tiền đó gửi tiết kiệm thì hàng năm còn được đi nghỉ được nhiều hơn, thuận lợi và đúng ý mình hơn. Vì vậy, chúng tôi quyết định bán lại hợp đồng này, vận dụng 1 trong các điều/khả năng mà khi mua chúng tôi được giới thiệu, nhưng thực tế thì đây cũng lại là vấn đề phía bán không giữ lời và nếu không cẩn thận, người mua có thể lại mắc bẫy tiếp.

Cụ thể là sau khi chúng tôi nêu nguyện vọng bán lại, bên bán kỳ nghỉ chỉ hứa hẹn khi có khách sẽ thông báo đến giải quyết thủ tục, nhưng sau đó hầu như ngày nào vợ tôi cũng nhận được điện thoại từ những người lạ nói là của công ty này kia… bày tỏ quan tâm sẵn sàng mua lại và mời đến trụ của họ để bàn luận cụ thể.

Tưởng thật, vợ tôi đã đến và qua vài lần như vậy, cuối cùng mới vỡ lẽ là họ chủ yếu giả vờ quan tâm mua lại hợp đồng nghỉ dưỡng, nhưng thực tế mỗi lần đến  trao đổi thì người đại diện luôn lái chúng tôi đến việc mua mới sản phẩm của họ, còn về yêu cầu bán lại thì họ chỉ gợi ý hình thức trao đổi theo kiểu "nếu chúng tôi đồng ý mua 1 gói nghỉ dưỡng mới của họ cao cấp hơn thì họ mới đồng ý nhận lại".

Ở đây tôi không "vơ đũa cả nắm" các đơn vị tổ chức dịch vụ nghỉ dưỡng và không kêu gọi tẩy chay, chỉ từ trường hợp cụ thể mà mình là người trong cuộc để đưa ra khuyến cáo rằng chúng ta nên thận trọng khi giao dịch mua - bán hợp đồng nghỉ dưỡng, hãy tìm hiểu thật kỹ các thông tin liên quan trước khi đưa ra quyết định.

Các trường hợp nêu trên có lẽ chỉ là thiểu số, nhưng rất cần cơ quan quản lý quan tâm, có biện pháp phù hợp để bảo vệ người tiêu dùng. Rõ ràng những chiêu trò như vậy sẽ khiến khách hàng mất lòng tin vào các loại sản phẩm, dịch vụ đang được quảng bá trên không gian mạng, trong đó có những đơn vị sản xuất, kinh doanh chân chính, lành mạnh. Hay nói cách khác những chiêu trò như vậy là "con sâu làm rầu nồi canh" cần được chấn chỉnh, ngăn chặn.

Tác giả: Ông Ngô Tiến Long là nhà ngoại giao đã nghỉ hưu; nguyên là Cục trưởng Cục Cơ yếu Bộ Ngoại giao. Ông cũng từng là Phó Tổng Biên tập báo Quốc tế (nay là Báo Thế giới & Việt Nam).

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!