Xóa bỏ ngay những cái bẫy chết người!
(Dân trí) - Những hố chôn cột điện trở thành cái bẫy chết người lộ thiên. Cái chết thương tâm của 2 cháu ở Thanh Hóa, trách nhiệm trước tiên thuộc về đơn vị thi công và giám sát…
Báo Dân trí đưa tin, ngày 6/3, một vụ đuối nước thương tâm xảy ra ở thôn Hữu Nghĩa, Xuân Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa khiến 2 anh em ruột tử vong.
Đau lòng hơn là cả hai cháu bé đều rơi xuống hố nước chôn cột điện cách nhà chỉ hơn 500m. Hai cuộc đời vừa mới bắt đầu đã mãi mãi dừng lại chỉ vì sự tắc trách của người lớn.
Ngay sau khi sự việc nghiêm trọng này xảy ra, công tác rà soát, kiểm tra, đảm bảo an toàn ở những khu vực nguy cơ cao đối với sự an toàn của người dân và trẻ nhỏ đã được Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo triển khai.
Trở lại với vụ việc xảy ra tại xã Xuân Lộc, theo lý giải của bà Hoàng Thị Yến, Chánh Văn phòng Công ty Điện lực Thanh Hóa, thì sau khi chôn cột điện, đơn vị thi công phải lấp hố trả lại hiện trường như cũ. Tuy nhiên, do trời mưa to 2 ngày liên tiếp nên công việc chưa thực hiện được.
Thời điểm 2 cháu bé rơi xuống hố sâu ngập nước dẫn tới tử vong trùng với kế hoạch về thời gian chôn lấp hố mà đơn vị thi công thống nhất với chính quyền địa phương trước đó.
Cứ theo lý giải của bà Chánh văn phòng Công ty điện lực thì cái bẫy chết người lộ thiên đó đã tồn tại suốt 2 ngày trời, ngay cạnh đường đi lại của người dân mà không có bất kỳ một thiết bị cảnh báo hay rào chắn nào!
Những người liên quan để xảy ra vụ việc đau lòng này chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm khắc sau khi cơ quan công an hoàn tất công tác điều tra. Nhưng, dù xử lý như thế nào đi nữa cũng không thể khỏa lấp được nỗi đau của người thân hai cháu bé xấu số.
Đáng buồn hơn đây không phải là lần đầu tiên xảy ra cái chết thương tâm liên quan đến các hố chôn cột điện mà người ta "quên" hoặc "chưa kịp lấp".
Phải khẳng định rằng, trong những vụ việc tương tự, trách nhiệm đầu tiên thuộc về đơn vị thi công. Ngay sau khi thực hiện xong việc dựng cột điện, họ phải san lấp, hoàn trả mặt bằng nguyên trạng. Vì lí do nào đó chưa thể san lấp phải cắm biển cảnh báo, làm rào chắn để ngăn ngừa nguy có có thể xảy ra.
Vì thế, ngành điện lực và chính quyền địa phương không thể là vô can khi để những chiếc bẫy giết người lộ thiên ngang nhiên tồn tại. Nếu thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát đúng chức trách của mình, chắc chắn sẽ hạn chế được những mối nguy hiểm đối với người dân, đặc biệt là với trẻ nhỏ.
Thật đáng buồn, từ khi xảy ra sự việc đến nay, chưa có người đứng đầu địa phương hay các đơn vị liên quan đứng ra nhận trách nhiệm về mình!
Trẻ con với bản tính tò mò, ưa khám phá và chưa lường trước được những mối nguy hiểm đối với bản thân. Do vậy, việc trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để các cháu tự bảo vệ mình cũng hết sức cần thiết.
Để xảy ra thiệt mạng ở các hố chôn cột điện không thể nói là "tai nạn rủi ro". Cần phải xem xét trách nhiệm hình sự đối với hành vi "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Tin chắc, ngành công an sẽ sớm đưa ra kết luận khách quan về sự việc để có căn cứ xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan.
Phải xóa bỏ ngay những chiếc bẫy chết người này để không tiếp tục xảy ra những cái chết thương tâm. Mạng người không phải là "cỏ rác"!