Tâm điểm
Quan Thế Dân

Chưa giàu đã già

Những ngày tháng 5 này đánh dấu một cột mốc quan trọng của dân số Việt Nam. Đó là chúng ta sẽ trở thành quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới và là 1 trong 3 quốc gia khu vực Đông Nam Á có quy mô 100 triệu người.

100 triệu người là nguồn lực lớn để phát triển đất nước, đồng thời cũng là áp lực nếu chúng ta không vượt qua được bẫy thu nhập trung bình để bước vào hàng ngũ các quốc gia phát triển. Khi đó một bộ phận lớn người Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ chưa giàu đã già và an sinh xã hội trở thành gánh nặng lớn.

Tuần vừa rồi tôi nhận được tin nhắn của một người bạn đồng nghiệp phương xa. Em xin ý kiến tôi là có nên dừng làm việc bon chen kiếm tiền hay không, chỉ khám bệnh từ thiện, rồi chọn cuộc sống trong lành, ung dung tự tại. Tôi thấy mừng là trong cuộc sống này còn rất nhiều người tốt. Nhiều trí thức trẻ có lối sống trong sáng, hướng về điều thiện. Điều này, theo tôi là do kết quả của giáo dục trong gia đình là chủ yếu. Những gia đình nề nếp, cha mẹ sống ngay thẳng trong sạch thì sẽ giáo dục được những người con thành người tốt, biết ghê sợ cái xấu, biết làm việc thiện. Nhiều gia đình tốt thì cái xã hội này sẽ dần dần tốt lên.

Nhưng về chuyện tiền bạc, tôi xin được nói thẳng quan điểm của mình, nhiều bạn trẻ đang có suy nghĩ nhầm lẫn, giống hệt như tôi lúc còn trẻ. Trong xã hội hiện nay ngoài suy nghĩ đồng tiền là tối thượng, còn có một luồng tư tưởng khác đối nghịch lại, cho tiền là không quan trọng. Hai suy nghĩ này đều phiến diện.

Chưa giàu đã già - 1

Người lớn, trẻ em vạ vật trong đêm trở lại TPHCM sau kỳ nghỉ lễ, ngày 2/5 (Ảnh minh họa: Nam Anh)

Luồng tư tưởng có vẻ như phổ biến trong xã hội hiện nay coi đồng tiền là trên hết, là thước đo sự thành công cuộc sống. Nhiều người điên cuồng lao vào kiếm tiền, bất chấp mọi thủ đoạn xấu xa. Đời người lên đến quan chức cấp cao, tưởng chừng như đã tột đỉnh vinh quang rồi, thế mà vẫn không dừng được máu tham, vẫn tham nhũng. Thực tế này dẫn chứng trên truyền thông rất nhiều trong thời gian qua nên chắc chúng ta không cần phải nêu những cái tên cụ thể ở đây. Muôn vàn kiểu dạng kiếm tiền bẩn, cả trong các ngành xưa nay vẫn có tiếng là trong sạch như y tế, giáo dục thì cũng đầy rẫy những chuyện tiêu cực.

Trong xã hội như vậy, dù muốn dù không ta rất dễ bị cuốn đi theo. Bây giờ gặp nhau chẳng mấy ai để ý đến tư duy, tư cách, mà đánh giá ngay ăn mặc có hàng hiệu không, câu chuyện thì mở miệng ra là khoe mấy cái nhà, mấy lô đất, con cái du học ở đâu. Và điều rất đặc biệt là sau khi khoe tất tần tật, bao giờ họ cũng có câu nói chứng tỏ sự thanh cao là: "Ôi dào, tiền là chuyện nhỏ. Tình cảm mới là quý. Tiền nhiều để làm gì".

Tuy nhiên, trong xã hội cũng có một nhóm người đi ngược lại. Họ tránh xa những nhiễu nhương của cuộc sống, muốn giảm bớt công việc, muốn dành thời gian cho bản thân và gia đình. Đó chính là lối sống chậm, hiện nay được một số người cổ vũ.

Theo tôi, lối sống chậm nếu ở góc độ cá nhân là quyền của mỗi người, nhưng nếu nhìn nhận cả cộng đồng thì trong hoàn cảnh hiện nay chưa phù hợp, thậm chí có thể nói là nguy hiểm với những trí thức trẻ mới vào đời. Cách đây mấy chục năm tôi cũng đã thực hành lối sống đó, và bây giờ khi về già, tôi đang phải sửa sai cho hồi trẻ.

Lúc ngoài 30 tuổi, tôi thấy đồng tiền đến với tôi khá dễ dàng. Bố mẹ bán một cái nhà ở phố cổ Hà Nội cho 100 cây vàng để mua nhà ở TPHCM. Bản thân tôi thì làm ở bệnh viện lớn, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM, mua nhà mặt tiền ở đường lớn chợ Tân Hương (Phường 16 quận Tân Bình) để mở phòng mạch. Phòng mạch của cũng khá đắt khách, sau giờ làm cũng khám được 15 - 20 bệnh nhân. Như vậy là cuộc sống khá tốt với một bác sĩ rồi phải không.

Chính vì mọi thứ có được quá dễ dàng nên tôi không biết coi trọng nó. Nên chỉ vài chuyện không vừa ý là giận đời, đóng cửa phòng mạch, rồi sau vài năm gặp chuyện không bằng lòng trong công việc tại bệnh viện là tôi bán nhà quay về Bắc. Rút cục khi về Hà Nội, công việc còn tệ hơn xưa, tiền bạc không kiếm được, cứ lấy tiền bán nhà ra tiêu, mãi cũng phải hết. Không phải tôi ăn chơi hay cờ bạc gì hết tiền, mà chính là vì đồng lương chính thức quá thấp, phải lấy tiền để dành ra duy trì cuộc sống, nuôi các con ăn học.

Rồi khi xưa bệnh nhân đến đầy nhà thì tôi kiêu không khám, để dành thời gian rảnh rỗi để sống chậm, đọc sách, nghe nhạc, đi du lịch. Nay thì tiền chợ cũng thiếu nên phải quay quắt đi làm thuê cho các phòng khám tư để kiếm tiền, cũng chẳng có thời gian đâu để chăm sóc gia đình, để mà sống chậm. Đau khổ nhất là khi bố mẹ ốm nặng rồi mất, cũng không có nhiều tiền để chạy chữa cho ông bà tốt nhất. Nên nếu được quay ngược thời gian, thì tôi thấy hồi còn trẻ mình sẽ phải nỗ lực kiếm tiền gấp nhiều lần, dĩ nhiên là lao động chính đáng.

Người ta chỉ nên sống chậm khi đã tự do về tài chính hoặc sống trong một xã hội đã rất phát triển, có bảo hiểm an sinh tốt. Còn không thì mình phải nỗ lực kiếm tiền để bảo hiểm cho cuộc sống của chính mình. Khi không có tiền ta dễ rơi vào những bi kịch mà không ai giúp được ta cả. Sức khỏe của cha mẹ già, học hành của con nhỏ... tất cả trông chờ vào tài chính của mình có vững vàng không.

Nên bây giờ, với kinh nghiệm sống của cá nhân, tôi không đồng tình với tư tưởng muốn sống chậm của các bạn trẻ, nhất là nếu như đó trở thành phổ biến trong cộng đồng thì rất nguy hiểm. Việt Nam chúng ta còn khoảng cách phát triển khá xa với nhiều nước trong khu vực cũng như trên thế giới, năng suất lao động chưa cao, chúng ta còn phải nỗ lực rất nhiều.

Các bạn trẻ bây giờ chuyên môn vừa đủ độ chín, là lúc có thể thu hái được thành quả của học hành, thì hãy tích cực làm việc để cải thiện năng lực cũng như xây dựng tài chính cá nhân. Tài chính vững vàng sẽ giúp cho cuộc sống của người thân và của các em đầy đủ hơn, an toàn hơn. Cha mẹ được chăm sóc tốt, con cái được hưởng điều kiện giáo dục tốt hơn.

Còn nếu như ta chọn việc an nhàn, bận một tý là xin nghỉ, nói sống chậm, thì thật ra là thái độ trốn tránh, ngại khó, ngại khổ. Ta để tuổi trẻ của ta trôi qua trong bàng bạc của những suy nghĩ hư vô, không bắt tay vào một việc gì cụ thể. Ta vuốt ve lối sống của mình bằng những chuyến đi từ thiện, thật ra là những chuyến đi chơi trá hình. Rút cục có giúp ích gì cho đời không?

Giả sử, giả sử thôi nhé. Tai ương bất thình lình ập tới, như cha mẹ đột nhiên bệnh nặng, người thân bị tai nạn... Lúc đó không có tiền ta phải làm sao? Lúc đó ta mới hốt hoảng nhận ra, tất cả các mối quan hệ xã hội đều được giải quyết bằng tiền, bằng rất nhiều tiền.

Đến bệnh viện mà cầm vài chục triệu đồng trên tay cứ như là chưa có gì. Cầm vài trăm triệu đồng thì thấp thỏm không biết được bao lâu. Tôi nghe có chuyện có cậu kỹ sư công nghệ thông tin đã bán mình cho một công ty lấy 2 tỷ đồng để chữa bệnh cho mẹ. Nhưng bản thân mình cứ tư duy sống chậm, kỹ năng kinh nghiệm làng nhàng thì không biết lúc đó bán mình liệu có ai mua không.

Việt Nam đang ở giai đoạn dân số vàng nhưng tốc độ già hóa dân số đang rất nhanh. Hãy sẵn sàng cho tuổi già ngay khi còn trẻ.

Tác giảTiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!