Tâm điểm
Bùi Minh Đức

Nền kinh tế cho người già

Bố tôi từng công tác trong quân đội và về hưu sớm, hơn chục năm nay. Ông có thể chọn sống yên ổn với số tiền lương hưu và bảo hiểm sức khỏe quân đội, nhưng tôi chưa bao giờ thấy ông ngừng làm việc từ khi về hưu, dù là những công việc chân tay đơn giản như bảo vệ trường học cho đến công việc ở phường.

Từ độ qua 60 tuổi, năm nào bố tôi cũng nói sẽ chỉ làm ở phường thêm 1 năm nữa, nhưng giờ đã bước qua tuổi 65, ông vẫn vui vẻ với công việc tại hội cựu chiến binh phường.

Tôi biết rằng bố tôi không phải người duy nhất đã qua cái tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn làm việc chăm chỉ. Trên đất nước chúng ta hiện nay có hàng triệu người như ông.

Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tổng dân số Việt Nam tại thời điểm 1/4/2009 là 85,85 triệu người, trong khi tổng dân số tại thời điểm 1/4/2019 là 96,21 triệu người. Trong đó, số lượng người cao tuổi (NCT) năm 2009 và 2019 tương ứng là 7,45 triệu (chiếm 8,68% tổng dân số) và 11,41 triệu (chiếm 11,86% tổng dân số). Tính trung bình trong giai đoạn 2009-2019, tổng dân số tăng 1,14%/năm thì dân số cao tuổi tăng tới 4,35%/năm.

Nền kinh tế cho người già - 1

Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới (Ảnh minh họa: CV)

Tốc độ già hóa dân số nhanh trong bối cảnh mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp, đang tạo ra nguy cơ "chưa giàu đã già", hay nói cách khác là tình trạng chúng ta chưa đạt đến mức độ giàu có, thịnh vượng nhưng đã bắt đầu gặp phải những vấn đề của sự già hóa.

Đối với quốc gia, điều này chủ yếu liên quan đến quá trình dân số bị già hóa trước khi nền kinh tế kịp phát triển đủ mạnh để hỗ trợ cho hệ thống an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, và phúc lợi cho NCT.

Với cá nhân tôi, ở tuổi ngoài 30, tôi biết khi mình bước sang độ tuổi 60 sẽ không "cô đơn" khi số lượng người tầm tuổi đó chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong tháp dân số Việt Nam. Ước tính vào năm 2050, Việt Nam sẽ có 29,2 triệu người từ 60 tuổi trở lên. 

Vấn đề của NCT không chỉ là câu chuyện của riêng thế hệ nào mà trên thực tế là vấn đề của những lớp người ngoài 30, 40 khi thế hệ chúng tôi sẽ phải tìm câu trả lời cho vấn đề của tình trạng già hóa dân số ở Việt Nam. 

Thứ nhất, thiếu sự ổn định về kinh tế là một vấn đề người cao tuổi phải đương đầu. Việt Nam có thể coi Hàn Quốc là một ví dụ khi câu chuyện về những người cao tuổi phải lao động dù đã qua tuổi nghỉ hưu ở Hàn Quốc ngày càng nhiều, một phần vì không có sự hỗ trợ từ gia đình và con cái.

Theo một số nghiên cứu vào năm 2021, chưa đến 50% NCT ở Việt Nam có lương hưu. Các nguồn thu nhập của NCT gồm hỗ trợ từ con cháu (32%), thu nhập qua làm việc (29%), lương hưu (16%) và các khoản trợ cấp hàng tháng từ Nhà nước (9%); chỉ 10,4% NCT có tiền tiết kiệm tích lũy từ thời gian làm việc trước đó.

Với thế hệ "ngại" sinh con như chúng tôi, rõ ràng tỷ lệ hỗ trợ từ con cháu sẽ phải giảm xuống và như vậy là các tỷ lệ khác cần tăng lên, bao gồm khoản tích lũy để tự trang trải cuộc sống khi không thể phụ thuộc vào người thân hay gia đình.

Thứ hai, vấn đề sức khỏe của NCT ở Việt Nam cần được quan tâm hơn. Nhìn chung người Việt ngày càng sống thọ hơn, chất lượng sống trong những năm cuối đời được cải thiện. Tuy nhiên, kết quả phân tích từ số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019 cho thấy tỷ lệ NCT gặp khó khăn ở ít nhất một chức năng chiếm 35,73%, trong khi tỷ lệ này ở trẻ em từ 6-15 tuổi và ở người lớn từ 16-59 tuổi chỉ chiếm tương ứng là 2,24% và 4,39%.

Tỷ lệ gặp khó khăn về hoạt động chức năng cao hơn rất nhiều ở nhóm dân số cao tuổi so với các nhóm tuổi khác, thể hiện sự cần thiết phải quan tâm hơn nữa đến việc giải quyết các vấn đề liên quan đến khuyết tật chức năng ở NCT.

Nhu cầu chăm sóc dài hạn của NCT sẽ ngày càng tăng cao trong những năm tới do dân số Việt Nam vẫn đang già hóa nhanh như nêu trên, và NCT là nhóm phải đối mặt với các khó khăn trong hoạt động hàng ngày cũng như các khuyết tật về nhìn, nghe, vận động, nhớ hoặc tập trung và giao tiếp.

Việt Nam cần đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là đưa công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý khám, chữa bệnh và quản lý bệnh, ở khu vực nông thôn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho NCT tiếp cận được với dịch vụ y tế.

Việc xây dựng các gói dịch vụ về chăm sóc dài hạn cho NCT, bao gồm các chăm sóc về y tế, chăm sóc xã hội và chăm sóc tinh thần cho NCT nhằm đảm bảo hòa nhập xã hội, cải thiện tình trạng sức khỏe và hỗ trợ NCT trong chăm sóc cá nhân hàng ngày (ăn uống, vệ sinh cá nhân, tắm rửa, thay quần áo, vận động) là rất cần thiết.

Mẹ tôi vẫn thường nói, nếu không kết hôn sau này về già ai sẽ chăm sóc? Tôi hiểu đây là một vấn đề thực tế mà những người cao tuổi sẽ phải đối mặt, đặc biệt những người lựa chọn không kết hôn. 

Xu hướng ngày càng tăng của hộ gia đình mà NCT sống một mình, NCT chỉ sống với vợ/chồng hoặc NCT chỉ sống với cháu (hay hộ gia đình "khuyết thế hệ") cho thấy NCT sẽ phải tự chăm sóc bản thân và cần phải phát triển các dịch vụ và hoạt động chăm sóc mà NCT có thể tiếp cận một cách dễ dàng.

Thứ ba, không gian cho NCT là một vấn đề cần được quan tâm. Khi các mô hình gia đình Việt Nam ngày càng trở nên "hạt nhân" hơn, con trẻ không sống với cha mẹ, NCT cần có những không gian phù hợp để giải quyết các vấn đề như hỗ trợ sức khỏe, hỗ trợ y tế, hòa nhập cộng đồng và giảm thiểu sự cô đơn, cô lập.

Xây dựng các không gian phù hợp với NCT cũng là điều quan trọng. Tôi nhớ khi ở Mỹ, các tòa nhà công cộng phải bắt buộc có đường lăn cho người khuyết tật. Những đường lăn như vậy cũng hỗ trợ NCT gặp khó khăn trong vấn đề đi lại.

Một số ví dụ khác bao gồm nhà vệ sinh có tay vịn cho NCT, vỉa hè được lát cẩn thận, các tòa nhà cần có thang máy thay vì chỉ có thang bộ cho NCT…

Chứng kiến những thay đổi diễn ra vẫn còn khá chậm trong cơ sở hạ tầng cho nhóm người khuyết tật - một vấn đề đã được phản ánh suốt nhiều năm, tôi lo ngại việc thay đổi không gian phù hợp cho NCT cũng không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, khi nhìn vào số lượng NCT trong vài chục năm tới lên đến hàng chục triệu người, tôi tin rằng các thay đổi sẽ được đẩy nhanh hơn, bắt kịp với việc dân số ngày càng già đi. 

Song song với những thách thức là cơ hội. Ở độ tuổi ngoài 30, tôi và những người bạn độc thân đã tính tới việc tìm kiếm các cơ sở dưỡng lão, các hình thức nhà ở cho NCT. Tuy nhiên những cơ sở như vậy ở Việt Nam còn rất ít ỏi.

Tại Trung Quốc, người ta gọi nền kinh tế cho người cao tuổi là "nền kinh tế bạc" (silver economy). Các trung tâm dịch vụ cho NCT mọc lên, nhiều hãng sữa từ việc sản xuất sữa cho trẻ em giờ đã chuyển sang sản xuất sữa cho NCT. Các công ty công nghệ tập trung nghiên cứu các sản phẩm hỗ trợ cho người già.

Trở ngại với NCT nói riêng và nền kinh tế nói chung sẽ ngày càng lớn. Tuy nhiên, khi việc thay đổi xu hướng già hóa dân số là bài toán khó, làm sao để "cộng sinh" và tận dụng xu hướng này là điều quan trọng. Bên cạnh những kịch bản để hỗ trợ NCT, giảm thiểu áp lực già hóa dân số lên nền kinh tế - xã hội, có lẽ chúng ta cũng nên nhìn ra những cơ hội có được để thay đổi cho phù hợp trong một nền kinh tế "người già". 

Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!