Người thầy, nghề thầy
Mấy năm trước, đến Bình Định, tôi được gặp thầy Lê Đức Giảng, người thầy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cuộc trò chuyện rất thú vị, nhưng tôi nhớ mãi chi tiết thầy kể về chuyến hai vợ chồng thầy ra thăm Hà Nội.
Các học trò cũ ở trường Nguyễn Gia Thiều muốn sắp xếp để thầy đến thăm Tổng Bí thư. Nhưng thầy từ tốn bảo: Anh Trọng bận lo việc nước, không nên làm mất thời gian của anh ấy. Các em xem trong lớp còn bạn nào khó khăn, vất vả thì bố trí để thầy đến thăm, động viên nhé…
Mấy hôm sau, khi đã về lại Bình Định, thầy nhận được cuộc gọi của Tổng Bí thư. Người học trò cũ giữ cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng cứ băn khoăn, áy náy vì không biết tin thầy ra Thủ đô để được gặp thầy… Người thầy khiêm nhường ấy đã sống giản dị, đúng chức phận của mình, và những học trò của thầy dù giữ vị trí rất cao vẫn luôn tự hào về người thầy mẫu mực của mình!
Một trường làng nơi heo hút vẫn sẽ đủ tự tin và tự hào cho cả vùng quê ấy nếu có những tấm gương thầy cô giỏi. Một trường Đại học dù rất "hot" nhưng hình như sẽ vẫn trống vắng nếu thiếu những tên tuổi "nhắc đến là tự hào" kiểu bộ tứ các thầy "Lâm, Lê, Tấn, Vượng" của Khoa sử Tổng hợp năm nào…
Nghị quyết trung ương 4, khóa VII ban hành từ tháng 1/1993 là nghị quyết đầu tiên xác lập chính thức giáo dục là quốc sách hàng đầu. Nghị quyết nhiều nội dung nhưng chỉ một câu "Khuyến khích người giỏi làm nghề dạy học" cũng đã gợi nhiều suy nghĩ.
Rõ ràng, giáo dục phải có những thầy giáo, cô giáo giỏi và mẫu mực. Chắc chắn rằng, những người thầy, người cô ấy vẫn còn rất nhiều trong đội ngũ ngành giáo dục. Vấn đề là cơ chế, sự động viên, quan tâm xây dựng đội ngũ để nhân rộng cái tốt, ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực trong ngành. Cho nên, sự kỳ vọng của dư luận, đặc biệt là của đội ngũ thầy cô giáo vào dự án Luật Nhà giáo là rất lớn. Tổng Bí thư Tô Lâm trong phiên thảo luận tại tổ của Quốc hội đã nêu rõ: Luật Nhà giáo ban hành phải tạo cho thầy cô sự phấn khởi, được tôn vinh, tạo điều kiện thuận lợi cho thầy cô trong công tác giảng dạy. Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Đừng để Luật ra đời, thầy cô lại thấy khó khăn hơn"…
Giáo dục phổ thông đang triển khai đổi mới, giáo dục đại học thì đẩy mạnh tự chủ. Thầy cô dạy bậc đại học, nhất là trường nhóm trên thu nhập tốt. Nhưng thầy cô vùng sâu, vùng xa, nhất là các điểm trường lẻ đời sống rất khó khăn, vất vả. Ngay ở thành phố lớn, thầy cô các trường khó tuyển sinh, các trường nghề cũng đang rất chật vật. Thậm chí không ít trường tuyển giảng viên không nổi, người có khả năng cũng dứt áo ra đi vì môi trường hạn hẹp, không đủ sức hấp dẫn…
Người thầy đứng trên bục giảng cũng đôi lúc bâng khuâng trước áp lực mới mẻ, cơ chế chuyển động, đặc biệt là áp lực tăng nguồn thu, nâng đời sống với yêu cầu cao hơn về chất lượng. Thầy giáo phải sống với thực tế, nhưng nếu chất đời thường, thậm chí thực dụng, nhuốm vào giảng đường thì vị thế, hình ảnh người thầy còn gì với xã hội?
Giáo dục đa dạng là thế, nên mọi dẫn chứng cũng chỉ là những mảnh ghép của bức tranh tổng thể. Nếu thầy chỉ lên lớp giảng cho xong nhiệm vụ thì làm gì có những bài giảng tâm huyết, những người thầy mẫu mực trong lòng nhiều thế hệ học trò? Đó là chưa kể những góc nhìn xã hội khác nhau, trong đó nhiều bức xúc cụ thể từ những người có con đến trường, giao tiếp với cá nhân thầy cô cụ thể mỗi ngày. Rõ ràng không ai muốn đứa trẻ hiếu động con cháu mình đi học mẫu giáo được một cô giáo tuổi đã cao, sức khỏe đã kém, độ dẻo dai đã giảm, phải vất vả chạy đuổi theo mỗi giờ học.
Khi cô giáo ở một tỉnh miền núi bị nhóm trò lớp 7 lăng mạ, hành hung ngay trong lớp học, dư luận xã hội sửng sốt, bất bình. Nhưng bất ngờ hơn nữa là sự bình thản của một vài lãnh đạo địa phương, rằng chuyện không có gì, rằng tại cô "cũng có vấn đề" nên học trò mới thế! Cuối cùng, cô bị cảnh cáo, chuyển trường, còn đám trò "nổi loạn" thì bị đình chỉ một tuần rồi lại đi học tiếp! Vị thế nhà giáo như thế thì làm sao bảo đảm được sự dẫn dắt, soi sáng, làm sao bảo đảm được sự tôn nghiêm chốn học đường?
Đất nước hiếu học, Nhà nước và Nhân dân luôn dành ưu tiên cho giáo dục. Nhưng với hơn 1,6 triệu nhà giáo cùng các loại hình trường lớp rất đa dạng, thì sự phủ sóng chính sách, trong đó có chính sách ưu đãi nhà giáo là bài toán khó. Cái trông đợi đầu tiên vẫn là nỗ lực từ cá nhân các thầy cô.
Tôi đã tận mắt thấy ở một trường tiểu học phía Nam, khuôn viên trường rất nhiều bồn hoa, rực rỡ như một công viên. Phòng nghỉ giữa giờ của thầy cô cũng được bài trí rất xinh xắn, có thể nói "góc nào cũng đẹp". Tôi hỏi cô hiệu trưởng, trường công lấy đâu ra ngân sách để làm đẹp như thế? Cô mỉm cười: "Cây và hoa đều của giáo viên chúng em mang từ nhà đến, không phải mua anh ạ". Theo lời cô, thời gian ở nhà rất ít, buổi tối chăm lo gia đình, con cái bận rộn. Nhưng ở trường thì ít nhất có 8-9 tiếng mỗi ngày, ngoài giờ lên lớp là chăm cây, cùng nhau ngắm nghía thành quả. Khuôn viên trường càng đẹp. Giáo viên và học sinh thêm yêu trường mình và thấy cuộc sống vui thêm…
Con gái bé nhà tôi học ở một trường tư thục thì khoe: Cô giáo chủ nhiệm dạy tiếng Anh của con cũng đang học thêm môn toán. Thì ra cô chủ nhiệm thấy kết quả môn toán của lớp còn kém, cô đề xuất với cô bộ môn toán "phụ đạo thêm cho chị, ngày xưa chị thi khối D nên vẫn có nền tảng, chị tranh thủ kèm thêm chúng nó ngoài giờ". Con bé cười chảy nước mắt: cô dạy toán bảo hướng dẫn mãi mà cô chủ nhiệm vẫn không nắm được vì chương trình bây giờ khó quá, khác hẳn ngày xưa. Cô không hỗ trợ được các con nhưng học trò yêu trường, yêu lớp và nhớ đến những người thầy của mình vì sự tận tâm, vô tư như thế.
Bên mâm cơm mỗi gia đình, bố mẹ vẫn nghe con đi học về khoe hôm nay cô khen con, cả nhà vui, con mách cô mắng con, cả nhà buồn. "Quyền lực mềm" của thầy cô rất lớn, vai trò giáo dục với văn hóa dân tộc và niềm tin vào thể chế là rất lớn. Bình tĩnh và kỹ lưỡng, những nỗ lực vun trồng đội ngũ nhà giáo, trong đó việc xây dựng thể chế mà trọng tâm là Luật Nhà giáo, phải được ưu tiên.
Tác giả: Ông Đỗ Chí Nghĩa là PGS.TS chuyên ngành báo chí; từng có nhiều năm công tác tại Học viện Báo chí Tuyên truyền (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Bên cạnh nghề giáo, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa cũng từng giữ chức Tổng biên tập Thời báo Doanh nhân, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân. Hiện PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa là đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!