Tâm điểm
Trần Triều

Bàn thêm về mức phạt vi phạm giao thông

Sau nửa tháng áp dụng Nghị định 168 với hàng loạt mức xử phạt vi phạm hành chính tăng cao so với trước đây, dễ dàng nhận thấy ý thức của đông đảo người tham gia giao thông đã được cải thiện đáng kể, nhất là tại Hà Nội và TPHCM. Nghị định 168 đã đi vào cuộc sống rất nhanh chóng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh ùn tắc giao thông dịp cuối năm âm lịch (điều vẫn diễn ra hàng năm) và mức phạt cao, đã có ý kiến đặt vấn đề nên chăng xem xét mức phạt hành chính "dễ chịu" hơn. Theo tôi, với thực tế giao thông ở Việt Nam lâu nay, mức phạt cần đủ sức răn đe và không nên "bàn lùi".

Trong việc xây dựng văn hóa tham gia giao thông, lý tưởng nhất vẫn là giáo dục để mỗi công dân hiểu luật, có ý thức chấp hành luật từ khi còn học phổ thông. Khi ý thức "ngấm vào người", việc tuân thủ luật giao thông trở thành phản xạ khi ra đường, và ai đó sẽ tự thấy xấu hổ nếu vi phạm luật giao thông. Với nền tảng văn hóa giao thông đó, chúng ta sẽ không bao giờ cố ý vi phạm, vi phạm nếu có sẽ là lỗi vô ý.

Tuy nhiên, phải nói thẳng rằng, việc giáo dục văn hóa giao thông ở ta chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Theo quan sát của tôi, những năm gần đây, luật giao thông được đưa vào nhà trường song vì không phải là môn bắt buộc nên học sinh chỉ học lớt phớt kiểu "cưỡi ngựa xem hoa". Ngoài xã hội, thông tin tuyên truyền về ý thức chấp hành luật giao thông còn theo lối mòn, thiếu sáng tạo nên ít phát huy hiệu quả. Chúng ta có thể thấy một tâm lý khá phổ biến là, khi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông, nhiều người không coi đó là một sự xấu hổ mà chỉ quan tâm "bị phạt bao nhiêu tiền", "làm sao để xin xỏ cho qua".

Bàn thêm về mức phạt vi phạm giao thông - 1

Một ngã tư ở Hà Nội trong ngày đầu áp dụng mức xử phạt vi phạm giao thông mới (Ảnh: Trần Thanh).

Tôi đồng ý rằng để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông thì cần triển khai nhiều công việc khác nhau một cách đồng bộ, tuy nhiên không thể "việc này chờ việc kia" mà phải tiến hành cùng lúc nhiều giải pháp. Trong đó, vừa giáo dục vừa nâng mức phạt để răn đe là cần thiết. Rõ ràng là với mức phạt cũ, nhiều người tham gia giao thông có dấu hiệu "nhờn luật". Đơn cử, lỗi chạy xe trên vỉa hè hay vượt đèn đỏ vốn đã có quy định phạt, nhưng mức phạt cũ quá thấp khiến nhiều người không sợ. Quan sát dòng phương tiện ở các đường phố trung tâm Hà Nội, TPHCM hai tuần qua, chúng ta có thể thấy rằng ý thức chấp hành luật giao thông đã tốt hơn trước đây.

Theo ghi nhận tại TPHCM, trong 15 ngày đầu triển khai Nghị định 168, số vụ tai nạn giao thông giảm 58%, số người chết do tai nạn giao thông giảm 7%, số người bị thương do tai nạn giao thông giảm đến 71%  so với thời gian liền kề trước đó. Đặc biệt, nề nếp, trật tự tham gia giao thông đã được thiết lập nhanh chóng đến kinh ngạc. Những ngày đầu tháng 1/2025, rất khó bắt gặp trường hợp xe gắn máy chạy trên vỉa hè hoặc cán lố vạch dừng, trường hợp vượt đèn đỏ dù đường đang rất vắng cũng cực hiếm.

Ở đây, chúng ta cần nhớ rằng, trên 95% lỗi vi phạm an toàn giao thông là lỗi cố ý. Ví dụ, vượt đèn đỏ, chạy xe trên vỉa hè, chạy quá tốc độ… Đa số trường hợp vi phạm đều biết luật nhưng cố tình vi phạm. Khi mức phạt được nâng cao, người tham gia giao thông không dám cố ý vi phạm nữa.

Điều đơn giản là nếu ai cũng tập trung tuân thủ khi tham gia giao thông thì rất khó xảy ra vi phạm. Mà không vi phạm thì không cần quan tâm nhiều đến mức phạt cao hay thấp.

Một số người bày tỏ băn khoăn "trước đây ra đường rất thoải mái, nay thì phải ngó trước nhìn sau vì sợ vi phạm". Thật ra, trước đây ra đường chạy xe "một cách thoải mái", nghĩa là thả lỏng, thiếu cẩn thận, thiếu tập trung và dễ gây tai nạn cho bản thân và người khác.

Chiều 16/1, TPHCM tổ chức họp báo về kinh tế - xã hội trên địa bàn, trong đó, nội dung liên quan đến kẹt xe được quan tâm và các ngành chức năng đã có phản hồi cụ thể. Ông Nguyễn Thành Lợi - Phó Ban An toàn giao thông TPHCM, cho biết việc nâng chế tài xử lý vi phạm giao thông khiến ý thức chấp hành, tuân thủ của người dân nghiêm túc hơn.

Còn về tình trạng ùn ứ giao thông, nguyên nhân được đưa ra là vào thời điểm cuối năm, nhu cầu đi lại và chở hàng hóa tăng cao. Bên cạnh đó, việc chấp hành luật giao thông của người dân nghiêm túc hơn, người dân không đi trên vỉa hè nên dòng phương tiện dưới lòng đường kéo dài hơn. Ông Lợi nhìn nhận, hạ tầng giao thông tại thành phố đang quá tải so với 10 triệu xe cá nhân hiện nay, trong đó có 1 triệu ô tô, còn lại là xe máy; chưa kể lượng phương tiện vãng lai. Đồng thời, một số kỹ thuật điều tiết giao thông, một số thời điểm bị lỗi kỹ thuật. Đây là những nguyên nhân khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân khác nữa mà điển hình là sự phối hợp xử lý của các cơ quan chức năng có lúc chưa kịp thời.

Như vậy, việc ùn tắc giao thông trong bối cảnh nêu trên là khó tránh khỏi. Để giải quyết vấn đề này, cần đầu tư cải thiện hạ tầng giao thông, đảm bảo chất lượng đèn tín hiệu và nâng cao hơn nữa trách nhiệm của lực lượng chức năng, chứ không nên điều chỉnh hạ mức phạt để "nới lỏng" cho người vi phạm như trước đây.

Tác giả: Ông Trần Triều là Giám đốc Công ty Vâm Concept Media; từng công tác tại báo Phụ Nữ TPHCM (2004- 2017).

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!