Vàng tăng phi mã và cái khó của… người có tiền
"Có nên rút tiết kiệm mua vàng?", "vàng đang đà tăng mạnh, có nên dùng hết tiền thưởng cuối năm để mua tích trữ?", đây là những câu hỏi được nhiều người đặt ra thời gian gần đây khi truyền thông đưa tin về loại tài sản này bằng những từ ngữ mang cảm xúc mạnh như "cơn lên đồng", "cơn điên" của giá vàng.
Vào cuối tuần trước và phiên giao dịch đầu tuần này, thị trường vàng trong nước liên tục chứng kiến mức đỉnh lịch sử mới được thiết lập. Các kỷ lục không ngừng bị xô đổ. Chiều 25/12, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp niêm yết ở mức 77-78 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 1,1 triệu đồng mỗi chiều so với giá mở cửa lúc 8h30 sáng cùng ngày, vượt mốc 77 triệu đồng/lượng.
Đứng trước biến động đó, tâm lý chung của nhiều người cầm tiền là sốt ruột. Một số người không ngần ngại giải ngân ngay cả khi giá đã lên mức cao chưa từng có, sợ bỏ lỡ cơ hội. Điều này cũng phần nào lý giải việc vàng không ngừng xô đổ các kỷ lục về giá. Rất đơn giản: Có người mua sẽ có người bán, có cầu ắt có cung, cầu càng lớn thì giá càng cao.
Thị trường là vậy, chúng ta sẽ luôn tìm cách lý giải cho những điều diễn ra. Hẳn có những nguyên nhân sâu xa nào đó thì giá mới tăng cao như vậy. Những lý do phổ biến mà giới chuyên gia đưa ra, bao gồm:
Một là, giá vàng trong nước nằm trong diễn biến tăng chung của vàng thế giới. Theo đó, với triển vọng các ngân hàng trung ương, trong đó có Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), dự kiến sẽ chấm dứt thời kỳ tăng lãi suất, thậm chí có thể cắt giảm lãi suất trong quý I/2024, nhà đầu tư kỳ vọng đồng USD suy giảm và giá vàng tăng.
Hai là, với quan điểm mang tính truyền thống "thời thịnh thế trữ đồ cổ, thời loạn thế mua vàng kim", trong bối cảnh địa chính trị thế giới vẫn diễn biến phức tạp, các điểm nóng chiến sự chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, vàng trở thành nơi trú ẩn của những người nắm giữ tài sản, bao gồm cả các ngân hàng trung ương.
Thống kê của Hội đồng vàng thế giới (WGC) cho thấy, tính đến quý III, ngân hàng trung ương các nước đã mua vào hơn 800 tấn vàng. Do vậy, hành động của nhà đầu tư cá nhân đi theo dấu chân "người khổng lồ" là dễ hiểu.
Ba là yếu tố mùa vụ. Giai đoạn cuối năm với loạt sự kiện lễ hội (lễ Tạ ơn, lễ Giáng sinh, mùa cưới hỏi…), nhu cầu vàng nữ trang lên cao đẩy giá vàng tăng.
Yếu tố thứ tư đến từ sự co hẹp nguồn cầu ở các kênh đầu tư tài sản. So với thời gian trước, những kênh đầu tư như trái phiếu, bất động sản trở nên trầm lắng. Thị trường cổ phiếu gần đây cũng bớt phần sôi động, VN-Index loanh quanh 1.100 điểm với thanh khoản thấp. Đặc biệt là lãi suất tiền gửi ở các ngân hàng cũng đã điều chỉnh xuống thấp kỷ lục (khoảng 4-5,5%/năm). Do vậy, vàng có ưu thế cạnh tranh về mặt sinh lời ngắn hạn.
Ở Việt Nam, giá vàng thậm chí còn tăng "nóng" hơn so với thế giới khiến chênh lệch giữa 2 thị trường có xu hướng nới rộng. Trong ngày 23/12, giá vàng thế giới đạt 2.052 USD/ounce, quy đổi theo tỷ giá (chưa tính thuế, phí) tương đương 60 triệu đồng/lượng, thấp hơn khoảng 2,5 triệu đồng so với vàng nhẫn và kém gần 17 triệu đồng so với giá vàng miếng SJC.
Sự chênh lệch lớn này đến từ sự độc quyền vàng miếng thương hiệu SJC, thị trường vàng miếng trong nước và quốc tế không liên thông với nhau.
Với Nghị định 24/2012/NĐ-CP, và sau này là Nghị định 94/2017/NĐ-CP, kinh doanh vàng trở thành hoạt động kinh doanh có điều kiện, nằm trong danh mục quản lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, độc quyền xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, thực hiện mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Nghị định 24 được đánh giá là đã đạt được mục tiêu hỗ trợ NHNN ổn định thị trường vàng, ngoại hối hơn 10 năm qua, giúp cơ quan điều hành không phải lo ngại về sự biến động thị trường vàng tác động đến thị trường ngoại tệ. Thành công của Nghị định là loại bỏ rủi ro giá vàng ra khỏi hoạt động của các tổ chức tín dụng (trước đây các tổ chức tín dụng được huy động, bán vàng huy động, cho vay).
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, sau hơn một thập kỷ, tình hình đã khác và có những quy định tại Nghị định 24 không còn phù hợp. Giới kinh doanh cho biết, với chênh lệch giá lớn, thực trạng buôn lậu vàng về Việt Nam trở nên căng thẳng. Trong khi đó, khá nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vàng bạc phải thu hẹp hoạt động hay giải thể. Người tiêu dùng phải mua vàng với giá đắt trong khi thị trường khan hiếm về chủng loại và chất lượng.
Câu chuyện thị trường vàng Việt Nam "một mình một chợ" đã trở thành đề tài được giới chuyên gia thảo luận lâu nay, và được các đại biểu đưa ra diễn đàn Quốc hội hồi giữa năm ngoái chất vấn lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Trong cuộc họp với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh vàng về công tác quản lý thị trường vàng hồi tháng 7 năm ngoái, lãnh đạo NHNN khẳng định cơ quan quản lý đã thanh tra, kiểm tra và không một doanh nghiệp nào có thể thao túng vàng SJC, các doanh nghiệp chỉ hưởng chênh lệch mua vào, bán ra; nếu người dân lựa chọn SJC thì mua giá cao hơn và khi bán sẽ bán giá cao hơn.
Việc sửa đổi Nghị định 24 được Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam và một số chuyên gia đề xuất, tuy vậy, quan điểm của cơ quan quản lý cho đến thời điểm này vẫn là không khuyến khích đầu cơ vàng miếng, kiên định mục tiêu chống vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế. Thiết nghĩ những ai đang quan tâm đến việc mua, nắm giữ vàng đều nên lưu ý điều này.
Việc người có tiền nhàn rỗi muốn mua vàng miếng SJC, vàng nhẫn, trang sức vàng… hay tham gia các kênh đầu tư nào đó, nói cho cùng là quyết định cá nhân, và cũng chỉ người đó chịu trách nhiệm. Như ai đó vẫn nói không thể "dạy người giàu cách tiêu tiền". Cũng không ai, bao gồm cả các chuyên gia, có thể dự đoán chính xác giá vàng tăng hay giảm.
Tuy vậy, việc đầu cơ lướt sóng trong điều kiện chênh lệch 2 chiều mua vào - bán ra lên tới cả triệu đồng mỗi lượng vàng trong thời điểm hiện tại khá là rủi ro với người dân. Chẳng hạn theo tính toán, người mua vàng tại mức đỉnh ngày 22/12 đến sáng 23/12 đã lỗ ngay 1,4 triệu đồng mỗi lượng do giá giảm 400.000 đồng so với đỉnh và chênh lệch mua - bán là 1 triệu đồng.
Hơn nữa, việc "tất tay" vào vàng (cũng như bất cứ kênh đầu tư nào khác), ra quyết định mua tài sản do tâm lý sốt ruột, sợ mất phần (FOMO)… thường không được khuyến khích. Đặc biệt, trường hợp vay mượn, sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức cao để lướt sóng, ăn chênh lệch ngắn hạn trong lúc giá vàng đã đạt trạng thái tăng nóng… rõ ràng là mạo hiểm.
Vàng lấp lánh và đầy sức hấp dẫn, nhưng trong cơn "lên đồng" của giá vàng cũng thấy rằng, những người có tiền đang phải đứng trước một bài toán tương đối nan giải trong đầu tư và kinh doanh.
Chưa rõ cơ quan quản lý có can thiệp không và nếu có thì can thiệp như thế nào trước biến động giá vàng, nhưng thiết nghĩ lúc này việc giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát và đưa lãi suất xuống thấp là biện pháp cần thiết để dòng tiền được nắn chỉnh vào sản xuất kinh doanh.
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog - Tâm điểm từ năm 2016.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!