Cảnh giác với sự “sốt ảo” của giá vàng
(Dân trí) - Đây là nhận định của một chuyên gia trong ngành, còn người viết cho rằng, sự thận trọng không bao giờ thừa.
Sau phiên tăng sốc vượt 49,5 triệu đồng/lượng chiều bán ra trong ngày 24/2, đến sáng ngày 25/2, giá vàng “trong nước” đã bắt đầu hạ nhiệt.
Cập nhật trên Dân trí trong ngày 25/2 cho thấy, giá vàng SJC tại Hà Nội qua niêm yết của Tập đoàn DOJI giao dịch ở mức 46,25 triệu đồng/lượng (mua vào) - 46,75 triệu đồng/lượng (bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và 46,26 triệu đồng/lượng - 46,74 triệu đồng/lượng đối với giao dịch bán buôn.
Các mức giá này giảm mạnh mỗi chiều 1,45 triệu đồng/lượng và 2,4 triệu đồng/lượng so với chốt phiên hôm trước đó.
Lấy mức giá đỉnh bán ra của ngày 24/2 là 49,2 triệu đồng/lượng trừ đi mức giá mà doanh nghiệp thu mua vào ngày 25/2 là 46,25 triệu đồng/lượng, những người mua vàng lướt sóng đã lỗ 3 triệu đồng/lượng.
Đương nhiên là trong hoạt động đầu tư “lời ăn, lỗ chịu”, rất khó để nói quyết định nào là đúng đắn. Tuy nhiên, việc lướt sóng sẽ cần bám rất sát biến động về thị trường và các thông tin liên quan nếu không sẽ dễ bị thua thiệt.
Việc giá vàng có diễn biến tăng trong giai đoạn hiện nay hoàn toàn lý giải được. Giới chuyên gia tài chính cho biết, nguyên nhân đến từ sự lo ngại của nhà đầu tư trước sự khó lường của dịch viêm phổi do chủng mới của virus corona (Covid-19) cùng một số nguyên nhân địa chính trị khác.
Trên thị trường tài chính toàn cầu, các nhà đầu tư cũng đang có xu hướng rời bỏ các loại tài sản rủi ro để tìm đến các loại tài sản an toàn hơn, trong đó có vàng.
Ngay tại Việt Nam, làn sóng bán tháo cổ phiếu cũng đã xảy ra rất mạnh trong thời gian vừa qua. Chỉ trong phiên 24/2, chỉ số VN-Index giảm gần 30 điểm và đã khiến vốn hoá thị trường bị “thổi bay” hơn 100.000 tỷ đồng.
Một tính toán cho thấy, so với trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, vốn hoá thị trường chứng khoán Việt Nam (gồm cả ba sàn HSX, HNX và UPCoM) tại thời điểm đóng cửa phiên 24/2 đã bị sụt giảm khoảng 337.000 tỷ đồng (tương ứng khoảng 14,5 tỷ USD). Thực sự là những con số khổng lồ, song cũng đã phản ánh được những gì đang diễn ra trong tâm lý và sự kỳ vọng nhà đầu tư.
Điều này có nghĩa là nhà đầu tư đang lo lắng về sự tổn thương của nền kinh tế và khó khăn của doanh nghiệp dưới tác động của dịch bệnh. Sự không chắc chắn đó khiến họ tìm kiếm các kênh đầu tư “trú ẩn”.
Tuy nhiên, theo lưu ý của chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, thì việc giá vàng trong nước tăng cao thời gian vừa qua một phần còn do đầu cơ. Còn ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam thì cho biết, bản thân ông cũng giật mình vì giá vàng bị đẩy lên cao nhanh như vậy.
Theo vị chuyên gia thì giá vàng quốc tế chỉ tăng hơn 10 USD/once lên 1.680 USD/once nhưng trong nước lại đẩy lên tận 49 triệu đồng/lượng, thật sự đây là giá ảo. (Báo Tiền Phong, 24/2).
Tại phiên họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia ngày 25.2, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, biến động giá vàng trong nước chủ yếu do giá vàng quốc tế và yếu tố tâm lý.
"Ngân hàng Nhà nước vẫn theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, mặc dù thị trường này không còn tác động đến ổn định vĩ mô. Nếu thị trường có diễn biến gây bất ổn, Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp khi cần thiết". Ông Hưng nói.
Ghi nhận của báo chí cho thấy, trên thị trường, hoạt động mua bán tại các doanh nghiệp chỉ lác đác vài khách mua vào với số lượng nhỏ lẻ.
Do vậy, với những nhà đầu tư nhỏ lẻ, không chuyên, việc đầu tư vàng ở vào thời điểm này cần cân nhắc. Có thể giá vàng sẽ có biến động trong thời gian tới khi diễn biến dịch Covid-19 vẫn đang phức tạp, song hoạt động lướt sóng, vội mua - vội bán có thể sẽ mang lại không ít rủi ro.
Không nên vì kỳ vọng quá lớn vào giá vàng tăng mà “bỏ tất cả vào một giỏ”, vẫn nên thận trọng phân bổ tài sản vào những kênh đầu tư.
Bích Diệp