Muôn vẻ du học
Ngọc Anh, nghiên cứu sinh ngành Địa lý Nhân Văn một trường đại học ở Hàn Quốc, đang trong giai đoạn nước rút viết luận án ra trường. Cùng lúc này, bạn trăn trở việc liệu luận văn đó có thể giúp được gì khi bạn chọn trở về Việt Nam? Một môi trường tốt, công việc đúng chuyên ngành với mức lương thỏa đáng cho khoảng thời gian hơn 5 năm nỗ lực học tập, nghiên cứu ở xứ người?
Thái Kiệt thì khác. Bởi, anh không cần viết luận văn. Khoa sau đại học của trường đại học Thái Kiệt đang theo chỉ yêu cầu anh nộp đúng, đủ học phí ở mỗi kì. Muốn có điểm đẹp hơn thì đáp ứng thêm vài điều kiện, đó là lên lớp đầy đủ và không bỏ sót các buổi báo cáo, thảo luận chuyên đề tại lớp.
Thái Kiệt càng không cần quá trăn trở như Ngọc Anh, vì tấm bằng tiến sĩ cậu định lấy chỉ là tờ giấy thông hành. Nó giúp cậu có cơ hội chuyển sang tư cách visa định cư để có thêm nhiều thời gian sống và làm việc tại Hàn Quốc sau khi ra trường. Đây là chủ trương khuyến khích của quốc gia này dành cho người nước ngoài có nguyện vọng ở lại làm việc. Và dĩ nhiên, với Thái Kiệt ra trường làm gì cũng được, miễn có tiền, không nhất thiết đúng với những gì đã học và nghiên cứu. Bởi vậy, cậu vẫn cứ đi làm "chui" cho một đơn vị giao hàng nhanh, một tuần chỉ cần dành ba buổi lên trường điểm danh, thảo luận.
Thực tế như tôi biết, ở Hàn Quốc hiện nay có rất nhiều trường đại học với các khóa học đa dạng, đáp ứng mọi nhu cầu của thị trường, miễn là sinh viên đủ khả năng theo học và trang trải được chi phí.
Dĩ nhiên Hàn Quốc là đất nước phát triển với nền giáo dục tiên tiến, nhiều trường đại học chất lượng cao thuộc nhóm hàng đầu thế giới, nhưng bên cạnh đó vì già hóa dân số và tỷ suất sinh giảm nhanh trong vài thập kỷ trở lại đây nên không ít trường lâm vào tình cảnh thiếu sinh viên. Để thu hút người học, họ buộc phải đưa ra các chính sách ưu đãi cho học sinh trong và ngoài nước bằng các suất học bổng, giảm học phí và giảm điều kiện tuyển sinh. Nói chung các điều kiện du học Hàn Quốc ngày càng "dễ thở" hơn 5 năm hay 10 năm trước. Theo tìm hiểu của tôi thì đây cũng là tình hình chung của thị trường giáo dục nhiều nước phát triển khác.
Thời gian tôi đi học ở Hàn Quốc đã chứng kiến không chỉ các bạn trong khu vực Đông Nam Á mà Trung Quốc, một số nước châu Âu, châu Phi… cũng chọn Hàn Quốc để học lên thạc sĩ, tiến sĩ. Mục đích du học của mỗi người rất khác nhau, không đơn thuần là bổ sung kiến thức, ngành nghề ở môi trường giáo dục nước ngoài như chúng ta vẫn hình dung về du học truyền thống.
Jang Mun Han - du học sinh Trung Quốc, tốt nghiệp bậc đại học rồi thạc sĩ ở Hàn Quốc, hiện là nghiên cứu sinh chuyên ngành quản lý văn bản cổ tại Học viện Hàn Quốc, cho hay trong số các đồng hương đang học ở Hàn Quốc mà cậu biết, rất nhiều người chọn du học chủ yếu để tìm kiếm trải nghiệm tuổi thanh xuân chứ không hoàn toàn vì mục đích học tập.
Một lý do khác khiến nhiều bạn trẻ Trung Quốc chọn Hàn Quốc du học là sự cạnh tranh trong môi trường giáo dục tại Trung Quốc rất khắc nghiệt, học sinh và sinh viên khó thi đỗ vào các trường tốt để có tấm bằng được ưu tiên khi xin việc sau này. Người đông nên bằng thạc sĩ, tiến sĩ cũng như "nấm sau mưa", vì vậy, qua Hàn Quốc là lựa chọn của nhiều bạn trẻ Trung Quốc. Vừa có những năm tháng trải nghiệm nhịp sống hiện đại ở Hàn Quốc, vừa dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm tấm bằng tiến sĩ gắn mác du học, đem về để cạnh tranh với những người học trong nước.
Môi trường giáo dục ở Việt Nam chưa đến mức cạnh tranh khắc nghiệt như Trung Quốc. Tuy nhiên câu chuyện du học cũng đã có những nét tương tự, "muôn hình muôn vẻ" hơn nhiều nếu so với các thập niên trước.
Thanh Chương, cậu học trò cũ của tôi, dù chưa nhận bằng tốt nghiệp đại học trong nước nhưng đã ráo riết chuẩn bị hồ sơ để sang một trường đại học ở Busan, Hàn Quốc, học tiếp lên hệ thạc sĩ. Cậu cho biết lý do theo đuổi việc này là sau khi tốt nghiệp đem tấm bằng về Việt Nam, cậu có thể cạnh tranh với thế hệ mới đang học tiếng Hàn Quốc ngày càng giỏi trong nước. Hơn nữa, du học ở Hàn Quốc, cậu vừa được trải nghiệm môi trường giáo dục nước ngoài vừa có cơ hội đi làm thêm với mức lương cao nếu so với công việc tương tự ở Việt Nam.
Nhiều năm trở lại đây, thay vì những băn khoăn khi du học như chọn trường nào chất lượng tốt để trau dồi kiến thức, kỹ năng, trường nào có học bổng, du học xong về hay ở…, tôi chứng kiến nhiều bạn trẻ tư duy theo hướng trường nào không quan trọng, miễn là cơ hội học tập thuận lợi, việc du học là để tìm kiếm cơ hội định cư hoặc ít nhất làm thêm để bù vào chi phí.
Chính vì xem du học như một cơ hội trải nghiệm sống, không ít bạn trẻ coi trọng chuyện "kiếm được tấm bằng nước ngoài" và "kiếm tiền" hơn là chuyện học tập thực chất. Điều kiện nhập học dễ dàng hơn từ phía nhiều nhà trường ở nước sở tại đã tạo điều kiện cho trào lưu này.
Dĩ nhiên, mỗi người có quyền lựa chọn con đường học tập và cuộc sống của mình, người ngoài khó đưa ra đánh giá cụ thể. Hơn ai hết, người trong cuộc hiểu được xuất phát điểm, mong muốn và cơ hội của mình. Chúng ta sẽ không phán xét cá nhân. Nhưng nếu nhìn đây dưới góc độ một xu hướng, thiết nghĩ nó sẽ khiến bức tranh du học đa dạng hơn và ít nhiều ảnh hưởng đến thị trường lao động.
Về phía người học, xu hướng trên mở ra nhiều cơ hội hơn cho các bạn trẻ thực hiện ước mơ, nguyện vọng của mình, song khi tiêu chuẩn du học không còn khó khăn như trước thì sẽ dẫn đến chuyện "hên - xui". Hên thì vẫn chọn được trường tốt, được hưởng nền giáo dục tiên tiến và được đào tạo cẩn thận, còn xui thì sẽ lãng phí những năm tháng thanh xuân song kiến thức, kỹ năng thu được không thực chất, và rồi vì thiếu kiến thức nền tảng, các bạn đó sẽ nhanh chóng bị tụt hậu, bị đào thải trên thị trường lao động.
Về phía cơ quan tuyển dụng cũng sẽ khó khăn hơn khi đánh giá nhân sự dựa vào bằng cấp, dựa vào các mác thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài. Mỗi cơ quan sẽ phải tìm hiểu kỹ thương hiệu nhà trường nơi nhân sự ứng tuyển từng theo học cũng như khả năng thực tế của ứng viên.
Câu chuyện muôn vẻ du học cũng đặt ra bài toán cần thảo luận kỹ của mỗi gia đình, mỗi bạn trẻ trước khi quyết định đi du học. Du học giờ không khó nếu như gia đình có điều kiện kinh tế, nhưng nên chọn con đường học tập thực chất hay coi đây là chuyện "hên - xui"?
Tác giả: Nguyễn Nam Cường là giảng viên Đại học FPT, nghiên cứu sinh Địa lý Nhân văn tại Học viện Hàn Quốc học AKS (Hàn Quốc). Anh cũng là tác giả của nhiều loạt ký sự truyền hình về Hàn Quốc, Colombia và đồng bằng sông Cửu Long.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!