Du học: về hay ở?
Còn khoảng một năm nữa, tôi sẽ kết thúc chương trình học Thạc sĩ tại Mỹ. Không ít bạn bè và người thân thường hay đặt câu hỏi, "vậy một năm nữa ở lại hay về Việt Nam?"
Tôi gần như chắc chắn sẽ trở về nước. Câu trả lời của tôi khiến không ít người cảm thấy có chút hụt hẫng. "Tiếc thế, sao không ở lại Mỹ, nhiều cơ hội thế mà?"
Cách nhiều người trả lời thường đặt ra 3 khả năng. Thứ nhất, việc ở lại Mỹ là điều tốt nhất và du học sinh nào cũng mong muốn có thể ở lại sau khi học xong. Thứ hai, nếu một người chọn ở lại Mỹ, đa phần đều vì những lý do liên quan đến vật chất. Thứ ba, nếu một người trở về nước, khả năng cao là vì họ không kiếm được việc.
Tôi nghĩ những nhận định trên nếu áp dụng vào một vài cá nhân cụ thể sẽ đúng. Tuy nhiên, khi khái quát thành đặc điểm của du học sinh, những suy nghĩ này vô tình giản lược đi tính phức tạp của một lựa chọn về hay ở cũng như dễ tạo ra một cách hiểu sai về động lực và năng lực của một du học sinh.
Trong bài báo số ra ngày 2/12/2022 trên tờ The Nation mang tên "Why Do So Many International Students Leave the US" (Tại sao nhiều sinh viên rời Mỹ), tác giả trích dẫn con số từ các tổ chức giáo dục, ước tính 1 triệu du học sinh quốc tế đang theo học tại Mỹ và khoảng 77% du học sinh mong muốn ở lại. 230.000 học sinh mong muốn quay trở lại đất nước để làm việc và sinh sống là một con số không hề nhỏ.
Bài báo cũng chỉ ra rằng chỉ có khoảng 46% sinh viên quốc tế có thể ở lại Mỹ sau khi tốt nghiệp. Khoảng vênh giữa con số sinh viên mong muốn và thực tế có thể ở lại nằm ở nhiều lý do: Số lượng nộp visa H1B (không định cư, chỉ ở lại Mỹ trong thời gian nhất định) quá lớn, gấp nhiều lần số lượng visa H1B quy định hàng năm tại Mỹ, thị trường tuyển dụng gắt gao ở một số ngành nghề, nhiều nhà tuyển dụng ưu tiên các ứng viên trong nước trước…
Một năm ở Mỹ, tôi đã thử bước vào "guồng quay" tìm việc nơi đây và nhận ra mọi thứ không dễ dàng, thậm chí có nhiều vấn đề không công bằng với sinh viên quốc tế.
Báo chí trong nước khi nói về du học sinh làm việc thường đi kèm với thông tin "công ty hàng đầu Mỹ" hay "thu nhập 6 con số khủng." Nhiều người khi hỏi tôi về Việt Nam có tiếc không, họ kỳ vọng tôi sẽ tiếc những con số trên. Trên thực tế, những du học sinh làm cho Amazon, Google, Facebook… với thu nhập cao không đại diện cho bức tranh công việc của du học sinh ở nước ngoài.
Nghĩ về những điều tôi lưu luyến khi phải rời Mỹ, kỳ thực thu nhập hay công việc tốt không phải những điều đặt lên hàng đầu. Tôi thích nước Mỹ vì chất lượng môi trường (nhiều cây xanh và rừng trong thành phố, cùng với chất lượng nước sạch và chỉ số ô nhiễm thấp), các dịch vụ công (bảo tàng, thư viện, công viên….), hệ thống giao thông công cộng…. Nếu có lựa chọn, đó mới là những lý do thực sự khiến tôi muốn ở lại Mỹ.
Câu hỏi "về hay ở" không đơn thuần là một quyết định ở thời điểm kết thúc việc học tại nước ngoài. Với không ít phụ huynh và sinh viên, đó là một bài toán đã được tính sẵn từ khi trước đi du học: Chọn ngành học nào với khả năng xin việc cao hơn? Nên sống ở thành phố nào có tỷ lệ công việc cao và ưu tiên người nước ngoài? Tôi thậm chí biết những gia đình chọn đặt tên cho con không có dấu để người nước ngoài dễ đọc. Bài toán du học - định cư đã được phụ huynh tính toán ngay từ khi mới chập chững vào tiểu học.
Tôi nghĩ điều đó không có gì sai khi du học là một khoản đầu tư lớn và mọi khoản đầu tư đều cần được sinh lợi. Tuy nhiên, thứ "lời" nhất mọi người mong mỏi là một công việc sau du học, quy đổi ra bằng tiền và giá trị vật chất. Đôi khi giá trị ấy lấn át luôn bản chất của việc học nằm ở mưu cầu kiến thức. Suy nghĩ ấy đôi khi cũng đặt một áp lực lên không ít du học sinh về việc phải cố gắng hết sức để tìm được công việc sau khi kết thúc 4 năm học.
Nhiều du học sinh chọn tiếp tục học Thạc sĩ sau đó để kéo dài cơ hội ở lại và tiếp tục tìm việc. Cuộc sống với những người trẻ 18-22 ở một đất nước xa lạ vốn không dễ dàng và nhiều áp lực. Niềm vui của việc học và tới trường có lúc tưởng như bị lấn át bởi nỗi lo về một công việc sau khi ra trường.
Về phần mình, tôi chọn trở lại Việt Nam, không chỉ vì điều kiện ràng buộc với học bổng Chính phủ mà vì ở Việt Nam có nhiều cơ hội cho bản thân. Có nhiều điều tôi thích ở nước Mỹ nhưng nếu chỉ đánh giá lý do ở lại hay ra về vì câu chuyện tài chính, tôi không nghĩ có nhiều sự chênh lệch. Chấp nhận khởi sự tại Mỹ ở tuổi 30, mức lương của tôi có thể rơi vào đâu đó gần 4.000$ - trong trường hợp may mắn tìm được việc. Trở về Việt Nam, tôi có thể đạt được gần một nửa con số ấy. Mức lương gấp đôi trong khi một bữa ăn tiệm bình dân (như một bát phở) có thể gấp 4-8 lần, tôi không nghĩ đó là một sự đánh đổi hợp lý.
Ai đó có thể phàn nàn rằng phải biết nhìn xa hơn nhưng khi nhìn xa hơn, tôi thấy cơ hội ở Việt Nam đang mở rộng chào đón nhiều du học sinh trở về. Thế giới ngày càng phẳng, thậm chí nhiều người vẫn có thể làm các công việc từ xa tại nước ngoài khi ở Việt Nam.
Tất nhiên, còn rất nhiều biến số để phân tích hay nhìn vào một quyết định bám trụ ở lại hay ra về: Cơ hội công việc, hoàn cảnh gia đình, tình trạng sức khỏe tâm lý, định hướng tương lai, tuổi tác, khả năng thích nghi với cuộc sống…. Dù lựa chọn ra sao, việc tôn trọng quyết định của du học sinh là điều cần thiết.
Tôi cảm thấy như được "tháo cùm chân" khi ít người hỏi về hay ở vì khi đó, tôi hiểu giá trị bản thân du học sinh không bị giới hạn bởi một khoảng không địa lý cụ thể. Đừng coi đó là một ngã ba mà bạn phải đánh đổi một trong hai. Hãy coi đó như hai cánh cửa mà dù lựa chọn bên nào, tương lai cũng rộng mở trước mắt bạn.
Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!