Du học sinh chật vật kiếm tiền ở Hàn Quốc
(Dân trí) - Thi Cam Phuong Nguyen, du học sinh Việt Nam tại đại học Paichai, Hàn Quốc cho biết, cô phải làm việc gần 30 giờ/tuần tại một nhà hàng gần trường.
Không có thời gian xả hơi
Tại Hàn Quốc, hầu hết sinh viên quốc tế đi du học theo dạng tự túc hoặc nhận hỗ trợ từ gia đình. Để vượt qua khoảng thời gian học tập ở trường đại học, du học sinh thường phải làm nhiều công việc bán thời gian.
Đối với họ, phải làm việc và học tập cùng một lúc là một nhiệm vụ đầy thách thức, đặc biệt là vấn đề quản lý thời gian.
Thực tế, các tổ chức và cơ quan Chính phủ ở Hàn Quốc đã tài trợ nhiều học bổng cho sinh viên quốc tế trong quá trình học tập tại đây. Song, số lượng sinh viên đến ngày càng ít so với lượng học bổng đề ra.
Để trang trải học phí và chi tiêu hàng tháng, Thi Cam Phuong Nguyen (du học sinh người Việt, tại đại học Paichai) cho biết, cô phải làm việc gần 30 giờ/tuần tại một nhà hàng gần trường.
Mỗi ngày, sau 5 giờ làm việc tại nhà hàng, cô gái thực sự kiệt sức với khối lượng công việc không nhỏ. Nữ sinh thường về nhà khi gần hết ngày, nên hầu như không có thời gian cho việc tự học.
Tương tự, Nhĩ Âu (sinh viên đại học Soongsil) cũng phải làm công việc bán thời gian tại một công ty tiếp thị. Du học sinh này cũng hầu như không có thời gian rảnh vì phải chu toàn cho công việc, lẫn học tập.
Học kỳ vừa qua, Âu đã tham gia 7 lớp học, đồng nghĩa với việc nữ sinh phải dành khoảng 21 giờ/tuần trong lớp học. Sau mỗi ngày tan trường, Âu lại phải chạy đến công ty ngay lập tức, rồi bắt đầu làm việc đến 19h. Vì vậy, nữ sinh thường phải học bài đến tận khuya.
"Điều khó nhất trong công việc của tôi chính là hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong ngày. Mặc dù chỉ làm 4 giờ/ngày, nhưng đôi khi tôi phải tranh thủ cả giờ học để làm việc", Âu than thở.
Từ thực trạng đó, các du học sinh luôn phải tìm cách để công việc làm thêm không ảnh hưởng đến học tập. "Tôi tự nhắc mình rằng bản thân đến đây để học tập là chính", Âu nói.
Nữ sinh nhìn nhận, thực tế, việc kiếm tiền hấp dẫn sinh viên hơn so với chuyện nỗ lực đạt điểm cao ở trường. Vì thế, nhiều sinh viên thường tập trung vào làm việc và ít để tâm tới chuyện học. Hậu quả, không ít sinh viên trượt thi cử và bỏ lỡ học bổng. Điều này làm tăng thêm gánh nặng tài chính với những sinh viên vừa học vừa làm.
Âu cho hay, nếu không được miễn giảm học phí, việc trang trải chi phí học tập với mức lương hiện tại là điều không thể. Tồi tệ hơn, làm việc quá mức có thể khiến sinh viên quốc tế gặp rắc rối với chính sách nhập cư. Do đó, điều quan trọng là phải biết giới hạn và quy định liên quan.
Tự chấn chỉnh
"Đừng làm việc quá sức và đừng để công việc làm bạn xao nhãng việc học", Abror Iskandarov, sinh viên đến từ Uzbekistan tại Đại học Quốc gia Jeonbuk bộc bạch.
Abror Iskandarov chia sẻ, mỗi tháng chỉ tập trung làm việc trong một tuần, sau đó dành hoàn toàn thời gian cho học tập. Nhờ vậy, nam sinh này đã nhận được học bổng toàn phần mỗi học kỳ với điểm trung bình xuất sắc 4,1/4,5.
Tại Hàn Quốc, hầu hết các trường đại học cho phép sinh viên tự đăng ký lớp học bắt đầu từ học kỳ thứ hai. Điều này có nghĩa là sinh viên có toàn quyền kiểm soát lịch học của mình trước khi học kỳ bắt đầu.
Từ đó, họ có một cơ hội để thiết lập một lịch trình phù hợp với giờ làm việc mong muốn. Nhiều công việc bán thời gian yêu cầu nhân viên phải làm việc nhiều giờ liên tục. Vì vậy, sinh viên thường cân nhắc chọn các lớp học cả buổi sáng hoặc buổi chiều thay vì học cả ngày.
Điển hình, làm việc ca đêm tại một cửa hàng tiện lợi, Iskandarov đã chọn tham gia các lớp học vào buổi sáng để có thời gian ngủ vào buổi chiều.
Cũng giống như việc cân bằng giữa làm việc và học tập, việc lập danh sách việc cần làm trước khi bắt đầu ngày mới cũng rất cần thiết.
Theo hướng dẫn về việc làm cho sinh viên quốc tế tại Hàn Quốc do Viện Giáo dục quốc tế quốc gia cung cấp, sinh viên quốc tế có trình độ Topik từ 3 trở lên có thể làm việc không giới hạn số giờ trong thời gian nghỉ, miễn là họ làm việc trong các lĩnh vực được phép.
Do đó, nhiều sinh viên tận dụng thời gian nghỉ học quý giá này để đi làm toàn thời gian và tiết kiệm đủ cho học kỳ sắp tới. Với những khoản tiết kiệm này, họ có thể làm việc ít hơn và dành nhiều thời gian hơn cho việc học trong học kỳ.
Sham Peter Gomez, sinh viên đến từ Bangladesh là một trong số đó. Cậu đã làm việc toàn thời gian trong kỳ nghỉ đông tại một nhà hàng và tiết kiệm đủ tiền để chỉ làm việc ba ngày một tuần kể từ tháng hai hàng năm.