Tâm điểm
Đỗ Chí Nghĩa

Mùa thu Hà Nội, sau cơn bão lũ lịch sử

Cô con gái lớn của tôi học năm cuối cấp 2 một trường phổ thông của ĐHSP Hà Nội, không may bị trật khớp chân. Thương con đi học phải leo từng bậc cầu thang, mà không biết tính sao. Tối nay bên mâm cơm, cháu khoe lớp con được chuyển từ tầng 5 xuống tầng 1. Thì ra buổi sáng, thầy hiệu trưởng đứng ở cổng trường, thấy cô học trò chống nạng, thầy hỏi thăm, rồi quyết ngay cho lớp được chuyển tầng.

Giữa tất bật đời thường, thi thoảng lại gặp một Hà Nội ấm áp, bình dị như thế. Sau cơn cuồng phong bão Yagi, cây cối đổ ngổn ngang, người Hà Nội tiếc nuối với những cổ thụ đã đi vào tâm thức. Thì sáng thu nay đã hây hẩy gió mát lành. Màu nắng vàng óng rất thu. Metro Cát Linh - Hà Đông đã đông kín người đi ngắm cảnh. Vẫn tất bật ở những sảnh hành lang chung cư các bà, các chị sắp xếp hàng hóa, đồ dùng gửi vùng bão lụt. Cái thật là cái vững bền. Vừa rồi, Mặt trận Tổ quốc công khai sao kê ủng hộ đồng bào, lắm anh chị "phông bạt" lên mạng trần tình, rồi xin gửi lại cho đủ, do nhầm lẫn đáng tiếc này kia. Là con số thôi mà cũng lắm cảnh éo le khóc cười.

Lan man bên hàng cà phê sáng cuối tuần, Hà Nội vẫn xốn xang nỗi niềm bão lũ. Thương bà con mất nhà, mất cửa và xót xa hơn nữa là mất người thân. Lo chất lượng công trình, lo tình trạng sụt lún do khai thác rừng, do hút cát trên sông. Hình ảnh lũ bùn đổ ập nghiền nát cả thôn Làng Nủ ở Lào Cai hay cây cầu Phong Châu ở Phú Thọ đổ sập vẫn còn nguyên đó. Ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy thiệt hại về tài sản do bão Yagi gây ra đã khoảng 40.000 tỷ đồng.

Khi Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội… những vị lãnh đạo cao nhất của đất nước, giữa mưa lũ đến tận nơi thăm hỏi bà con, động viên các lực lượng đang hết lòng tìm kiếm, cứu nạn, người dân thấy vững lòng hơn.

Hình ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính, gương mặt ưu tư giữa hiện trường tìm kiếm thi thể người mất tích ở Làng Nủ tang thương, sẽ còn in đậm trong lòng nhiều người.

Mùa thu Hà Nội, sau cơn bão lũ lịch sử - 1

Thủ tướng thị sát hiện trường vụ sạt lở tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, khiến gần 100 người thiện mạng và mất tích (Ảnh: Hữu Khoa)

Hà Nội đang ra quân làm sạch môi trường, trồng lại cây xanh. Cán bộ mới thì thường được quan tâm dõi theo, nên hình ảnh nữ Bí thư Thành ủy cùng đi dọn sạch đường phố với người dân được nhiều người bàn luận. Động tác dứt khoát như việc nhà chị vẫn làm. Chỉ là những nhận xét ban đầu, chứ chưa đến mức khen. Nhưng với người Hà Nội tinh tế, vốn đã ngán ngại những màu mè, thì như thế đã ít nhiều thiện cảm. Việc ai nấy làm, cứ "đúng vai, thuộc bài" tự cuộc sống sẽ có câu trả lời. Dân mình khen ai, chê ai ít khi sai. Hà Nội không vội được đâu, cứ bình thản mà đóng góp, mà cống hiến, sắc thắm Hồ Gươm nghìn năm in dấu sẽ ghi rõ mọi điều.

Nhớ năm xưa, vó ngựa Nguyên Mông giày xéo chốn kinh thành. Đất Thăng Long nổi sóng. Nhưng người Thăng Long vững như bàn thạch. Vườn không nhà trống đều tăm tắp. Còn người là còn của. Còn nước là còn nhà. Người đứng đầu sáng láng, lòng dân vững vàng là vì thế!

Hà Nội đã mở rộng gấp mấy lần. Dân số đông, áp lực học hành, y tế đè nặng. Mùa tựu trường nhiều phụ huynh chạy vạy, lo lắng tìm trường học cho con. Việc đưa đón con đi học hàng ngày, học thêm, học bồi dưỡng là áp lực. Nhưng nghĩ cho cùng, khó khăn ấy là khó khăn cho phát triển. Năm ngoái, tôi có dịp sang Hàn Quốc, mới biết tỉ suất sinh của Seoul là 0,58. Nói nôm na, cứ 2 cặp vợ chồng mới có 1 đứa trẻ. Trường học khang trang, xe đưa đón học sinh chu đáo, mà vắng trẻ con, vì áp lực dân số già. Vị giáo sư Hàn Quốc bảo Việt Nam học hỏi Hàn Quốc về phát triển kinh tế thì cứ học nhưng đừng học Hàn Quốc về dân số…

Mùa thu Hà Nội, sau cơn bão lũ lịch sử - 2

Chiều 14/9, tại Vườn hoa Vạn Xuân, lực lượng dân phòng cùng thanh niên tình nguyện tích cực dọn các cành cây lớn, nhỏ còn tồn lại trên hè phố (Ảnh: Đỗ Minh Quân).

Hà Nội và cả nước đón trung thu giữa lúc đang phải dồn sức khắc phục hậu quả thiên tai. Bức thư gửi các cháu thiếu nhi dịp trung thu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm càng thêm thấm thía và ý nghĩa. Một trung thu không trọn vẹn vì thiên tai, bão lũ nhưng trọn vẹn tình người, trọn vẹn ý Đảng, lòng Dân, cùng lo cho tương lai đất nước vững vàng, cường thịnh. 

Một mùa Trung thu Hà Nội đáng nhớ. Kịp cho những ước mơ được thắp lên. Kịp cho những dự định phát triển được đắp xây, khởi sự. Thủ đô bình dị và bền bỉ, thủ đô lắng sâu niềm tin và hy vọng. Dù là ai, dù làm việc gì, cứ xứng với lòng dân, với lịch sử dân tộc nghìn đời, sẽ thấy sự thanh thản, bình yên và niềm tự hào sâu lắng!

Tác giả: Ông Đỗ Chí Nghĩa là PGS.TS chuyên ngành báo chí; từng có nhiều năm công tác tại Học viện Báo chí Tuyên truyền (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Bên cạnh nghề giáo, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa cũng từng giữ chức Tổng biên tập Thời báo Doanh nhân, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân. Hiện PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa là đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!