Mùa lũ năm nay, ai sát cánh hỗ trợ miền Trung?
(Dân trí) - Giữa lúc những vụ ồn ào về quyên góp, ủng hộ đồng bào miền Trung lũ lụt năm 2020 của một số nghệ sĩ còn chưa có hồi kết thì mùa lũ năm 2021 lại tới.
Theo số liệu từ Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, mưa lũ đã làm 25 thôn bản bị chia cắt, 1.330 hộ bị ngập, nhiều tuyến đường bị ách tắc.
Mưa lũ cũng khiến nhiều tuyến đường tại Quảng Bình bị ngập sâu, sạt lở, trong đó quốc lộ15, 9B, tỉnh lộ 559B có nhiều điểm sạt lở, ngập úng gây ách tắc giao thông. Đã có trường hợp nạn nhân mất tích.
Từ nay cho đến hết mùa mưa lũ, các địa phương ở miền Trung sẽ còn phải chuẩn bị tinh thần để chống chọi những cơn bão và áp thấp nhiệt đới, những vụ sạt lở mới có thể xảy ra. Người dân miền Trung suốt bao năm tảo tần, hai sương một nắng, đến nay chưa vượt qua nổi sự càn quét của "bão" Covid-19 thì đã lại phải đương đầu với thiên tai.
Có những tiếng thở dài khắc khoải: Rồi ai sẽ đứng ra hỗ trợ miền Trung trong năm nay, khi mà khắp cả nước ai ai cũng đều vất vả? Khi mà niềm tin vào hoạt động thiện nguyện ở đâu đó đã bị tổn thương? Đó là những nỗi lo hiện hữu, nhưng tôi cho rằng, cần nhìn thực tế một cách công bằng, sát sườn và tích cực hơn. Bởi rằng, kể cả khi đất nước đi qua những tháng ngày gian lao nhất, thì người nghèo cũng chưa từng cô đơn, bị bỏ lại.
Chúng ta có ngày 17/10 là Ngày vì người nghèo Việt Nam. Song chắc chắn rằng, những hành động vì người nghèo sẽ không chỉ diễn ra trong một ngày, mà trong suốt quá trình đi lên với những giai đoạn thăng trầm của nền kinh tế. Đó là truyền thống nhân văn, nhân ái của dân tộc và đồng thời cũng khẳng định tinh thần "không ai bị bỏ lại phía sau".
Nêu chỉ đạo với Bộ trưởng, Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành cả nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ yêu cầu các ngành, địa phương phải tiếp tục quan tâm, chăm lo tốt hơn cho những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế trong xã hội, nhất là những người nghèo bị ảnh hưởng, tác động bởi thiên tai, đại dịch Covid-19.
Mỗi năm, ngân sách Nhà nước dành hàng chục nghìn tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người dân vượt qua thiên tai, dịch bệnh. Những con số này rất lớn và duy trì đều đặn, thể hiện qua những chính sách mang tính dài hạn, chứ không chỉ là những chương trình có tính chất sự vụ.
Bên cạnh đó, lực lượng vũ trang và các đội thanh niên xung kích luôn thường trực, có mặt hỗ trợ người dân. Họ làm việc bền bỉ, mẫn cán và thầm lặng. Tôi nghĩ, họ cũng không hề đòi hỏi phải ghi công hay ngợi ca, bởi họ coi việc bảo vệ người dân chính là nhiệm vụ, sứ mệnh của mình.
Do đó, đáp án của câu hỏi "ai sẽ cứu trợ người dân miền Trung" không khó trả lời. Chẳng phải riêng năm nay hay các năm trước, mà luôn luôn - Nhà nước, chính quyền địa phương, các lực lượng tuyến đầu vẫn ở đó, đồng hành, sát cánh cùng nhân dân.
Ngay cả khi đâu đó còn có những sự lùm xùm, thì tôi tin rằng, các mạnh thường quân cũng sẽ không bỏ cuộc. Vẫn còn rất nhiều tổ chức, chương trình uy tín và thiết thực hỗ trợ đồng bào miền Trung. Từ đầu năm nay, Quỹ Khuyến học Việt Nam - Báo điện tử Dân trí, tổ chức phát triển Liên Hợp quốc, đồng tổ chức Lễ công bố chiến dịch kêu gọi cộng đồng chung tay xây dựng "Nhà an toàn, sống an tâm". Bạn đọc Dân trí đã ủng hộ hàng tỷ đồng tặng chương trình.
Trong suốt năm qua, độc giả luôn đồng hành cùng các đồng nghiệp của chúng tôi xây nhà, xây cầu…, cứu giúp hàng trăm hoàn cảnh éo le vượt qua cơn cùng quẫn, hoạn nạn. Từ đó thấy rằng, chưa bao giờ dòng chảy nhân ái, nhân văn dừng lại.
Với những ồn ào quanh câu chuyện kêu gọi ủng hộ, từ thiện của các nghệ sĩ thời gian qua, ở góc độ nào đó, tôi cho rằng, vẫn cần trân trọng và ghi nhận những gì họ đã làm được. Những người nổi tiếng đã phần nào truyền tải và trao gửi được tấm lòng của người dân, mạnh thường quân cả nước đến đồng bào miền Trung. Tuy nhiên, bởi họ là "sợi dây kết nối", dùng uy tín, danh tiếng của bản thân làm sự đảm bảo, cho nên không phải ai cũng đảm bảo được sự chặt chẽ và chuyên nghiệp.
Nói cho cùng thì mọi rắc rối xảy ra đều có nguyên do từ minh bạch. Thiết nghĩ, sẽ không có những nghi vấn ăn chặn, "dê lạc nhà, gà lạc chuồng" xảy ra… nếu các bên tham gia đều tôn trọng và làm theo nguyên tắc minh bạch - đó là chìa khóa cũng là sự đảm bảo của lòng tin và sự lương thiện!