Tìm nhau sau bão
Cơn bão Yagi đã quét qua miền Bắc, để lại khung cảnh đổ nát khắp các tỉnh thành mà nó đi qua. Những nóc nhà bị gió thổi bay, những công trình sụp đổ, đường sá ngổn ngang cây cối.
Nhưng tất cả sự tàn phá đó mới chỉ là "đòn gió" của bão Yagi. Tiếp sau đó là "đòn mưa", "đòn sạt lở", "lũ quét"… Nếu từng ấy tai ương chưa đủ thê lương, hãy hình dung người ta phải chịu đựng nó trong hoàn cảnh "3 không" - không điện, không sóng di động và không internet.
Trên mạng xã hội, nhiều người chia sẻ nỗi thấp thỏm vì không thể gọi về cho gia đình mình ở Hải Phòng, Quảng Ninh. Tâm trạng dần nặng trĩu vì tiếng gió rít ngoài khung cửa. Cảm giác không biết người mình thương yêu ra sao, cơn bão có gây thiệt hại gì cho nhà cửa hay không.
Trưa 8/9, bão tan. Nhiều người dân tại Hải Phòng, Quảng Ninh không thể làm được một thao tác đơn giản là sử dụng mạng xã hội Facebook để "đánh dấu mình an toàn sau bão Yagi".
Khi bão phá vỡ hệ thống liên lạc, con người đột nhiên bị đặt vào tình thế mất kết nối với thế giới bên ngoài. Bình thường, việc gọi điện hay nhắn tin cho nhau có vẻ quá đỗi dễ dàng và quen thuộc, nhưng chỉ khi bão ập đến, người ta mới nhận ra đôi khi chỉ một cuộc gọi với câu trả lời "vẫn ổn", "vẫn bình an" cũng là một sự xa xỉ.
Một ngày sau khi bão tan, tại Phú Thọ, cây cầu Phong Châu bất ngờ sập, kéo theo nhiều người rơi xuống dòng sông Hồng đang cuồn cuộn nước lũ. Sáng cùng ngày, quốc lộ 34 tại Cao Bằng sạt lở, khoảng 20 người đi đường mất tích.
Người lại mong tin người, không phải vì mất sóng điện thoại, mà vì những tai nạn đến quá đột ngột, không thể biết nạn nhân mất tích là ai. Trong cả 2 vụ việc, chính quyền phải đăng thông báo lên mạng để tìm người thân của nạn nhân.
Tôi không thể ngừng nghĩ đến cảm giác của gia quyến nạn nhân, khi họ không biết người thân của mình sống chết thế nào. Hy vọng mong manh. Ở cả vụ sập cầu Phong Châu và vụ sạt lở cuốn trôi xe khách ở Cao Bằng, tiên lượng về khả năng sinh tồn của các nạn nhân đều rất thấp. Khi nỗ lực cứu nạn còn chưa đến đâu, màn đêm đã ập đến và mưa cũng thêm nặng hạt.
Chúng ta tìm gì sau cơn bão, nếu không phải là thông tin về sự an toàn của những người thân yêu?
Hình ảnh chiếc xe máy rớt dưới chân cầu Phong Châu, hay cảnh một ngư dân Quảng Ninh ngồi tuyệt vọng trên chiếc thuyền đứt neo đang trôi ra xa, tất cả như một lời nhắc nhở rằng bão tố có thể cuốn đi không chỉ tài sản, mà còn cả những mảnh đời mong manh, những mối liên kết mà chúng ta luôn coi là hiển nhiên.
Nhưng "Tìm nhau sau bão" không chỉ đơn thuần là câu chuyện về sự đứt gãy của liên lạc trong thời điểm khó khăn. Nó còn là một phép ẩn dụ về cuộc sống - khi những thử thách của thiên nhiên nhắc nhở chúng ta rằng điều thực sự quan trọng không phải là những tiện ích công nghệ, mà là con người.
Trong thời khắc không thể liên lạc với người thân, tôi nhận ra rằng tất cả những thứ vật chất mà mình tích lũy trong đời chỉ là tạm thời, còn mối quan hệ giữa con người với con người mới là điều thực sự bền vững.
"Còn người là còn tất cả", những ngư dân Hải Phòng bị bão Yagi quật bay nóc nhà nói với tôi như vậy. Giữa cơn hoạn nạn, chúng ta không cần gì hơn ngoài việc biết rằng gia đình mình, bạn bè mình, vẫn bình an vô sự.
Bão lũ không chỉ mang đến sự mất mát, mà còn là cơ hội để người ta xắn tay vào giúp nhau khắc phục hậu quả, dù không có mạng Internet để livestream khoe lòng tốt của mình.
Khi tôi bước ra khỏi nhà sau bão, nhìn thấy cảnh tượng tàn phá mà thiên tai để lại, tôi cũng nhận ra rằng điều quý giá mà chúng ta có không chỉ là sự an toàn của riêng mình, mà là khả năng giúp đỡ và sẻ chia với những người đang gặp hoạn nạn.
Tôi không phán xét những người đứng tạo dáng chụp ảnh trước một góc phố ngổn ngang sau bão. Đó là cách họ thể hiện "cái thở phào" khi bão lũ không gây ra thiệt hại gì cho người thân của mình.
Tuy nhiên, đó chỉ nên là một khoảnh khắc ngắn ngủi, không phô trương hay cường điệu. Vì khi bạn đang cười, đồng bào ở miền núi vẫn đang trải qua vô vàn nỗi đau do mưa bão.
"Tìm nhau sau bão" không chỉ là tìm xem người thân hay tài sản của mình có được an toàn hay không. Cần hiểu rộng hơn là "lá lành" tìm đến "lá rách", đồng bào đùm bọc nhau qua những thời khắc khó khăn.
Chiều 9/9, 100 thanh niên từ Thừa Thiên Huế - nơi từng hứng chịu nhiều hậu quả thảm khốc của mưa bão - đã lên tàu ra Quảng Ninh, Hải Phòng để giúp đỡ các địa phương khắc phục hậu quả mưa bão.
Sau bão, người Việt Nam tìm thấy nhau không chỉ qua việc nối lại những cuộc gọi bị gián đoạn, mà còn qua lòng trắc ẩn và sự chung tay của cả cộng đồng. Những lúc khó khăn nhất, cũng chính là lúc con người gần gũi nhau nhất. Không ai có thể vượt qua thảm họa một mình.
Tác giả: Ngọc Tân là phóng viên Thời sự của báo Dân trí. Anh từng tác nghiệp trong đợt mưa bão lịch sử tại miền Trung năm 2020, chứng kiến thiên tai cướp đi nhiều sinh mạng tại Rào Trăng (Thừa Thiên Huế), Hướng Hóa (Quảng Trị) và Trà Leng (Quảng Nam).Trong cơn bão Yagi, Ngọc Tân chốt trực tại cửa biển Đồ Sơn (Hải Phòng) để tường thuật tình hình bão cho độc giả.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!