Tình dân tộc, nghĩa đồng bào
Chỉ trong một ngày (9/9), liên tiếp 3 vụ sạt lở đất đã vùi chết 18 người dân ở Lào Cai. Cũng trong ngày 9/9, chỉ riêng huyện Nguyên Bình của tỉnh Cao Bằng đã có 19 người tử vong khi ô tô bị đất đá vùi lấp.
Cũng trong ngày 9/9, cầu Phong Châu - cây cầu sắt nối hai huyện Phong Châu và Tam Nông của tỉnh Phú Thọ bị sập, làm nhiều ô tô, xe máy và gần chục người rơi xuống sông. Chỉ 5 người được cứu sống, nhiều người mất tích đến nay vẫn chưa tìm thấy.
Thông tin về những vụ tai nạn do bão lũ, lở núi, sạt lở đất gây chết người làm lòng ta quặn thắt. Bởi mất người là mất tất cả!
Theo Cục quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, Bộ NN-PTNT, tính đến 18 giờ chiều 10/9, mưa lũ ở miền Bắc đã làm 127 người chết, 54 người mất tích, 764 người bị thương. Tuy nhiên, nếu tính cả vụ lũ quét tại thôn Làng Nủ, xã Ngọc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã vùi lấp hoàn toàn 35 nhà dân với 128 nhân khẩu vừa được báo cáo cuối giờ chiều qua, trong đó đã xác định 30 người sống sót và bị thương, 16 thi thể được tìm thấy, còn lại khoảng 70 người có thể đang mất tích, thì con số thiệt hại về tính mạng con người đã vượt quá con số 250 trường hợp.
Về tài sản, 85 tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu; hơn 148.600 ha lúa và gần 26.200 ha hoa màu bị ngập úng; hơn 11.000 ha cây ăn quả bị hư hại; gần 1.580 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; hơn 680.000 gia súc, gia cầm bị chết. Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị thiệt hại nhiều về hạ tầng điện, viễn thông, với trên 5.300 cột điện bị đổ gãy, nhiều tuyến đường dây bị sự cố, nhiều trạm biến áp bị ngập nước.
Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật mạnh đã làm 48.237 nhà bị hư hỏng; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gẫy đổ; hàng vạn cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy đổ trên các tuyến đường tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội
Bão đã qua nhưng hoàn lưu bão gây mưa lớn tại hầu hết các tỉnh trung du, miền núi Bắc Bộ. Từ Bắc Giang, Lạng Sơn đến Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu… nước lũ trên hệ thống sông Hồng lên nhanh gây ngập lụt nghiêm trọng cho các địa phương.
Dù không muốn, cũng phải thừa nhận rằng, với tình hình lũ lụt lớn như hiện nay, thì con số thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, nhà nước chắc chắn sẽ chưa dừng lại.
Bây giờ và mãi sau này, có lẽ không ai quên hình ảnh những người dân đội mưa tránh lũ trên mái nhà; hay hình ảnh một cụ ông ở Lạng Sơn dỡ mấy viên ngói, nhô đầu lên khỏi mái nhà vẫy tay cầu cứu; những cánh tay chới với giữa dòng nước lũ đục ngầu với chút sức lực còn lại sau một đêm dầm mình trong nước lạnh để mong có người trông thấy mà cứu vớt. Giữa mưa gió bão bùng, giữa mênh mông cuồng nộ của thiên nhiên, thân phận con người mới nhỏ bé làm sao.
Những làng quê trù phú hôm nào, chỉ sau một đêm đã nhuốm màu bùn đỏ sông Hồng, bao công sức chắt chiu trồng tỉa phút chốc đã bị cuốn đi cùng dòng lũ. Những giọt nước mắt vợ tìm chồng, ông đi tìm cháu, thẩn thờ nhìn những thi thể bới lên từ bùn đất sau mấy vụ sạt lở núi ở Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng hay vụ sập cầu Phong Châu ở Phú Thọ… mãi là nỗi ám ảnh đối với nhiều người.
Không để dân bơ vơ trong hiểm nguy, cộng đồng đã chung tay chia sẻ, động viên, giúp sức để đồng bào vùng bão lũ vượt qua khó khăn. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thay mặt Đảng, Nhà nước, gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân, đặc biệt là đối với những gia đình có người thân tử vong trong bão lũ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai, đồng thời kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, đồng bào trong và ngoài nước trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và khả năng, điều kiện tiếp tục phát huy mạnh mẽ "tình dân tộc, nghĩa đồng bào" hỗ trợ cao nhất, nhanh nhất, kịp thời nhất, đến tận tay các gia đình bị thiệt hại về người, tài sản do bão lũ gây ra.
Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ có mặt kịp thời tại các địa phương bị thiệt hại nặng vì thiên tai chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả.
Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, sau các buổi làm việc, kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại một số địa phương những ngày qua, ngày 10/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký công điện số 92/CĐ-TTg yêu cầu tiếp tục tập trung tìm kiếm, cứu nạn đối với những người còn mất tích, cứu chữa miễn phí cho người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời thân nhân và hỗ trợ lo hậu sự chu đáo cho người bị thiệt mạng; Tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, nhất là người dân tại các khu vực bị cô lập; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở. Tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở.
Lực lượng công an, quân đội đã tức tốc lên đường hành quân về vùng bão lũ từ mấy hôm nay; xe lội nước, ca nô được công binh điều động khẩn cấp để đưa dân ra khỏi vùng ngập lụt nặng, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ cứu nạn, bắc cầu phao… Tại công điện số 92, Thủ tướng yêu cầu huy động lực lượng, phương tiện, kể cả máy bay trực thăng, bằng mọi giá phải tiếp cận để hỗ trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm, hàng cứu trợ… đến người dân vùng còn bị chia cắt.
Cứu dân như cứu mình là mệnh lệnh. Mệnh lệnh từ trái tim, một thứ mệnh lệnh chỉ có tiến tới mà không được một phút giây do dự.
Từ Chính phủ với những quyết sách kịp thời, xuất cấp hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão số 3 để nhanh chóng khôi phục giao thông, cấp điện, nước, xăng dầu, viễn thông… giúp người dân, doanh nghiệp sớm ổn định cuộc sống, sản xuất; đến các tỉnh thành trong cả nước, nhiều địa phương đã trích ngân sách hỗ trợ nhiều tỷ đồng giúp các địa phương bị thiệt hại nặng; Từ lực lượng cứu hộ cứu nạn chuyên nghiệp đến anh thanh niên lái đò không quản hiểm nguy lao ra dòng nước xiết cứu người bị nạn trong vụ cầu Phong Châu bị sập, tất cả đều hướng về người dân để cứu dân.
Ngay cả khi bị thiệt hại nặng nề trong cơn bão số 3, hai địa phương là Quảng Ninh và Hải Phòng cũng sẵn sàng nhường 100 tỷ đồng do trung ương hỗ trợ, cho các tỉnh khó khăn hơn. Đó là sự sẻ chia thấm đẫm tình người!
Không ai bảo ai, những đoàn tình nguyện từ Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình đã gọi nhau lên đường, giúp người dân Hải Phòng, Quảng Ninh khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Mạng xã hội những ngày này đã trở thành nơi tập hợp những tấm lòng nhân ái để nhiều cá nhân, tập thể chung tay đóng góp tiền bạc, quần áo, lương thực, đồ dùng giúp đồng bào vùng lũ. Những chuyến xe không đồng, những toa tàu miễn phí chở hàng cứu trợ hướng về các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai… mỗi lúc một nhiều hơn, mang theo bao tấm lòng của đồng bào cả nước sẻ chia đau thương mất mát với bà con vùng lũ.
Không chỉ ở số tiền hơn 400 tỷ đồng quyên góp được từ các cá nhân, tập thể, cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức tôn giáo, mà sự hiện diện của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại buổi lễ phát động ủng hộ đồng bào vùng bão lụt do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức chiều 10/9 đã thể hiện sự quan tâm kịp thời, sâu sát của Đảng, Nhà nước trên tinh thần "tình dân tộc, nghĩa đồng bào", làm ấm lòng người dân trong cơn hoạn nạn.
Tôi được biết báo Dân trí, tờ báo có truyền thống tốt đẹp về hoạt động nhân ái cũng đang thực hiện chương trình chung tay cứu trợ đồng bào miền Bắc trong lũ dữ. Tính đến trưa 11/9, thông qua báo Dân trí, bạn đọc đã ủng hộ người dân bị lũ lụt ở các tỉnh phía Bắc hơn 1,7 tỷ đồng. Hơn 10 tấn gạo, gần 5 tấn thực phẩm đã được báo Dân trí trao tới tay người dân vùng lũ.
Lũ lụt ở các tỉnh phía Bắc vẫn còn diễn biến phức tạp. Thiệt hại về tính mạng và tài sản chắc vẫn chưa dừng lại. Lúc này đây chúng ta cần sự chung tay sẻ chia của tất cả mọi người, nhằm động viên kịp thời, giúp người dân vùng lũ vượt qua đau thương để gượng đứng lên trên đống hoang tàn đổ nát dựng xây lại cuộc sống.
Tác giả: Ông Nguyễn Vân Thiêng là nhà báo với hơn 30 năm trong nghề, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!