"Mỏ vàng" của Trấn Thành
Chỉ trong ba mùa phim Tết, Trấn Thành trở thành nhà làm phim ăn khách số một của thị trường phim Việt. Nói một cách ví von, nhà làm phim này đã khoan trúng "mỏ vàng" của thị hiếu đại chúng, bất chấp những lời khen chê vẫn luôn ồn ào xung quanh mỗi tác phẩm của anh.
Kẻ khai phá thị trường
Sau 10 ngày chiếu, phim Mai đã chạm mốc 350 tỷ đồng và theo dự đoán của tôi, bộ phim này có thể chạm đích 550-600 tỷ đồng khi kết thúc đường đua, phá kỷ lục của Nhà bà Nữ để trở thành phim Việt ăn khách nhất mọi thời đại.
Nếu điều đó xảy ra, Mai trở thành bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam thu hút khoảng 6 -7 triệu lượt khán giả, so với con số trên dưới 5 triệu lượt khán giả của Bố già và Nhà bà Nữ.
Thử làm một phép so sánh để cho thấy thị trường điện ảnh thay đổi như thế nào. 20 năm trước, khi đạo diễn Lê Hoàng "gây bão" với Gái nhảy (2003) và khiến rạp chiếu bóng hồi sinh sau sự thoái trào khi dòng phim "mì ăn liền" sụp đổ vào cuối thập niên 90, bộ phim này thu hút khoảng 500.000 lượt khán giả, được xem là "kỷ lục" ở thời điểm đó.
Khoảng một thập niên sau, phim nội địa vượt mốc 1 triệu lượt khán giả với những bộ phim ăn khách của hai đạo diễn Charlie Nguyễn và Victor Vũ. Năm 2019, Cua lại vợ bầu có Trấn Thành đóng vai chính và Hai Phượng của Ngô Thanh Vân vượt mốc 2 triệu lượt khán giả và xác lập vị trí ăn khách nhất mọi thời.
Nhưng chỉ 2 năm sau đó, kỷ lục này bị phá vỡ khi Trấn Thành đường hoàng bước vào đường đua phim Tết với tư cách là một nhà làm phim kiêm nhiệm nhiều vị trí: (đồng) đạo diễn, sản xuất và diễn viên chính của bộ phim Bố già (2021). Bộ phim này đạt doanh thu 420 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi so với kỷ lục phim ăn khách nhất mọi thời trước đó và gần chạm mốc 5 triệu lượt khán giả.
Kỷ lục của Bố già nhanh chóng bị phá vỡ bởi Nhà bà Nữ (doanh thu 475 tỷ đồng) sau đó 2 năm (mùa phim Tết 2023), và Nhà bà Nữ rất có thể lại bị Mai (2024) hạ đo ván qua các cột mốc doanh thu bị phá vỡ từng ngày.
Với thị trường, con số không bao giờ nói dối! Không một may mắn nào được lặp lại ba lần mà lần sau còn cao hơn lần trước, bấp chấp những ồn ào tranh cãi vẫn tăng lên sau mỗi bộ phim.
Có thể nói Trấn Thành đã "khoan trúng" mỏ vàng của thị hiếu đại chúng, và ở góc độ thu hút khán giả đến với phim nội địa trước "cơn bão" phim nước ngoài thì Trấn Thành đã làm tốt khi khai phá và mở rộng thị trường phim Việt, thu hút thêm từ 3-4 triệu lượt khán giả tiềm năng, những người gần như không bước chân vào rạp chiếu phim trước đó.
Bộ ba phim ngàn tỷ và triết lý bình dân
"Mỏ vàng" của Trấn Thành không phải là những bộ phim "bom tấn" được đầu tư kinh phí lớn, cũng không phải là những bộ phim thuộc thể loại hành động, siêu anh hùng hoặc khoa học giả tưởng như những nền điện ảnh lớn trên thế giới.
"Mỏ vàng" của Trấn Thành đơn giản là những bộ phim chính kịch tâm lý pha trộn với hài kịch hoặc lãng mạn khai thác những chủ đề gần gũi với khán giả đại chúng, tập trung vào đời sống của giới lao động bình dân và qua đó phơi bày cho họ thấy những vấn đề của gia đình hay xã hội Việt Nam đương đại.
Cả ba bộ phim đều có một công thức chung là nặng chất kịch tính, hơi "ồn ào", đánh mạnh vào cảm xúc của khán giả và để lại những "bài học" qua các triết lý bình dân phù hợp với số đông. Và dù bị chỉ trích là thích rao giảng đạo lý, phim của Trấn Thành vẫn thu hút khán giả bởi chúng "vừa vặn" với tâm lý số đông.
Cũng có thể coi ba bộ phim của Trấn Thành là một "trilogy" (bộ ba) có chủ đề và phong cách khá nhất quán, không đi chệch khỏi mũi khoan đã chạm vào "mỏ vàng" mà anh may mắn dò trúng. Cả ba bộ phim đều là dạng phim "title character" - một thuật ngữ trong điện ảnh, trong đó nhân vật trung tâm của bộ phim được chọn làm nhan đề của bộ phim.
Đây đồng thời cũng là những bộ phim có sự nghiên cứu nhân vật khá kỹ lưỡng về tâm lý, về xuất thân, về bối cảnh xã hội để làm nổi bật những xung đột, những vết thương, những mâu thuẫn thế hệ hay sự giàu nghèo trong xã hội.
Nhân vật trung tâm trong Bố già và Nhà bà Nữ là một ông bố và một bà mẹ nặng tính áp đặt và phần nào đó "độc hại" qua cách hành xử với con cái, cho dù đều xuất phát từ tình thương của họ đi nữa. Đây là điều khá hiếm hoi, nếu không nói là chưa từng xảy ra trong những bộ phim giải trí của Việt Nam trước đây.
Với Mai, nhân vật trung tâm là một người phụ nữ thuộc lứa trung niên và có một quá khứ nhiều vết thương được gây ra từ ông bố tồi tệ của cô.
Không chỉ ba nhân vật nói trên mà hầu hết các nhân vật trong ba bộ phim của Trấn Thành đều có xuất phát điểm khá thấp, đều có nhiều khiếm khuyết về mặt tính cách, tâm lý, hành vi. Đạo diễn "ném" họ vào một cuộc hành trình nhiều xung đột, nhiều mâu thuẫn để mỗi người đều phải tự chữa lành vết thương tâm lý để trưởng thành.
Trấn Thành không hề "khoan nhượng" với những nhân vật lớn tuổi, những ông bố bà mẹ cũng phải trải qua một hành trình "tự học" hay phải trả những cái giá đắt để nhận ra bài học của chính mình và thấu hiểu con cái họ. Đây cũng là cách mà nhà làm phim lôi kéo khán giả "nhập cuộc" vào mạch phim để tự liên hệ, tự soi chiếu với bản thân họ. Phim của Trấn Thành "chạm" được vào số đông là điều dễ hiểu.
Nếu ở Bố già và Nhà bà Nữ, cách làm phim của Trấn Thành còn nặng tính kịch, tính truyền hình qua những thông điệp rao giảng đôi khi hơi ồn ào và "nhồi nhét", "cưỡng bức" người xem thì với Mai, chất tự sự của bộ phim được thể hiện nhuần nhị và có tính điện ảnh hơn qua một kịch bản nhiều lớp lang, giàu nhịp điệu.
Các thủ pháp dàn cảnh, thiết kế bối cảnh, cắt dựng và cả âm nhạc được sử dụng trong phim Mai cũng thoát khỏi tính minh họa hoặc áp đặt của hai bộ phim trước. Đoạn dựng song song ở đầu phim để giới thiệu nhân vật Mai (Phương Anh Đào) và Sâu (Tuấn Trần) ở đầu phim là một cách dựng thông minh ngầm dự báo rằng họ là hai nhân vật thuộc hai thế giới không thuộc về nhau.
Phim có cách kể chuyện khá sáng tạo khi chuyển đổi từ chất lãng mạn "ngôn tình" đậm đặc trong nửa đầu sang chất kịch tính của nửa sau, để phơi bày những bi kịch từ quá khứ của nhân vật nữ chính, điều luôn khiến cô gặp trắc trở trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc cho mình.
Mai còn là một bước tiến của Trấn Thành trong việc khắc họa tâm lý nhân vật qua cặp nhân vật Mai (Phương Anh Đào) và bà Đào (Hồng Đào) - hai hình mẫu phụ nữ "tự cường", chịu nhiều nỗi đau quá khứ nhưng vẫn nỗ lực để tự vươn lên. Nhưng chỉ trong nửa sau của bộ phim, khi hai nhân vật này bị đẩy vào một tình thế đối đầu oái oăm, diễn xuất của Phương Anh Đào và Hồng Đào mới thực sự tỏa sáng khi cả hai buộc phải phơi bày bản chất con người thật sự của họ. Đó cũng là lúc ta nhận ra, có những khoảng cách giàu nghèo, những mâu thuẫn giai cấp, thế hệ không dễ dàng để phá vỡ cho dù trong bối cảnh của xã hội hiện đại đi nữa.
Dĩ nhiên, nói như thế không có nghĩa Mai không có điểm hạn chế. Việc lạm dụng những cảnh hồi tưởng nặng tính bi kịch dồn dập của nhân vật chính phần nào đó khiến bộ phim bị kéo tuột khỏi mạch phim hiện đại được xây dựng khá tốt trước đó, nặng tính "mê lô" câu nước mắt của khán giả. Một số chi tiết ngẫu nhiên của số phận trong phim vẫn nặng tính sắp đặt và hơi thiếu thuyết phục về mặt logic.
Nhưng cho dù thế đi nữa, Mai thực sự vẫn là một bước tiến trên hành trình chinh phục thị hiếu khán giả bình dân của Trấn Thành và tiếp tục chứng tỏ anh là nhà làm phim số một của điện ảnh thương mại Việt Nam.
Điều tôi khá tò mò là sau Mai, sau "bộ ba" khoan trúng "mỏ vàng" để mang đến những triết lý bình dân thị hiếu đại chúng, liệu Trấn Thành có thay đổi để khai thác những chủ đề lớn hơn?
Tác giả: Nhà báo, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm tốt nghiệp khoa Báo chí, Đại học Quốc gia Hà Nội; anh từng làm phóng viên, biên tập viên của tuần báo Sinh viên Việt Nam và thư ký tòa soạn tạp chí Thể thao Văn hóa; Đàn ông.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!