Điện ảnh Việt lập kỷ lục mới, nhưng vẫn gây tranh cãi
Dù chưa có tổng kết cuối năm, nhưng theo khảo sát riêng của tôi dựa theo trang boxofficevietnam.com, tổng doanh thu 10 phim nội địa ăn khách nhất của năm 2023, tính đến thời điểm hiện tại đã đạt con số 1.375 tỷ đồng. Con số này đã vượt qua tổng doanh thu của năm 2019, được xem là năm có doanh thu nội địa cao nhất mọi thời của điện ảnh Việt Nam.
Kỷ lục mới được thiết lập ngay sau đại dịch, cho thấy tiềm năng của thị trường điện ảnh Việt Nam vẫn còn rất lớn. Dù vậy, những tranh cãi xung quanh chất lượng phim và định kiến của khán giả dành cho phim Việt, vẫn chưa được cải thiện.
Những kỷ lục bị vượt qua
Tính đến hết năm 2023, điện ảnh Việt Nam có 26 bộ phim được phát hành, gồm cả 4 bộ phim sắp phát hành trong tháng 12 là Người ăn hồn, Người mặt trời (đồng phát hành ngày 8/12), Quỷ cấu, Trên bàn nhậu dưới bàn mưu (đồng phát hành ngày 29/12). Con số này thấp hơn khá nhiều so với thời điểm trước dịch.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung của CGV, cho biết khoảng thời gian trước dịch (2016-2019), số lượng phim Việt phát hành tại rạp nội địa rơi vào khoảng từ 42 - 56 phim/năm.
Nhưng trái ngược với số lượng phim, doanh thu phim nội năm nay đã có bước tăng trưởng ngoạn mục với nhiều kỷ lục cá nhân được thiết lập. Nhà bà Nữ của Trấn Thành phá vỡ kỷ lục cũ của Bố già với doanh thu lên đến 458,6 tỷ đồng; Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh của Lý Hải đạt 272,8 tỷ đồng, cao nhất trong loạt phim thương hiệu này.
Mốc doanh thu vượt 100 tỷ đồng (được xem là con số mơ ước của phim Việt) ghi tên thêm 3 bộ phim khác là Chị chị em em 2 (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng), Siêu lầy gặp siêu lừa (Võ Thanh Hòa) và Đất rừng Phương Nam (Nguyễn Quang Dũng). Người vợ cuối cùng của đạo diễn Victor Vũ cũng suýt soát đạt cột mốc này.
Trong bảng tổng sắp 10 phim ăn khách nhất năm (tính toàn thị trường), có đến 6 phim Việt - đây cũng là một kỷ lục khác của điện ảnh nội địa.
Ông Nguyễn Hoàng Hải nhìn nhận, ngành điện ảnh Việt Nam đang có nhiều tín hiệu tích cực và được xem là có bước nhảy vọt, ít nhất là về mặt doanh thu. Lần đầu tiên, thị phần phim nội địa ước tính chiếm hơn 42% toàn thị trường.
Tỷ lệ nội địa hóa này, theo khảo cứu của tôi - thuộc vào nhóm ít của điện ảnh thế giới, tương tự các nền điện ảnh mạnh ở châu Á như Trung Quốc, Hàn, Nhật và Ấn Độ; nhưng cao hơn hẳn các nền điện ảnh mạnh ở châu Âu (thường chỉ chiếm dưới 25%) và các nước trong khu vực Đông Nam Á (trên dưới 30%).
Ông Nguyễn Hoàng Hải cung cấp thêm số liệu để cho thấy sự phát triển nhanh chóng của thị trường điện ảnh nội địa: "Từ danh sách những phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại qua các thập niên gần đây sẽ thấy những sự phát triển đầy hứa hẹn của thị trường. Trong đó riêng từ năm 2020 đến nay đã có 10 phim nằm trong nhóm này và 3 phim nằm trong nhóm doanh thu cao nhất từ trước đến nay nếu chỉ đơn thuần nhìn vào số tuyệt đối".
Trong điều kiện kinh tế của thế giới và Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, điện ảnh Việt Nam vẫn tăng trưởng với nhiều kỷ lục được thiết lập, cho thấy tiềm năng của thị trường vẫn còn rất lớn.
Top 10 phim Việt Nam doanh thu cao nhất năm 2023
(tổng hợp theo boxofficevietnam.com)
1, Nhà bà Nữ 458,6 tỷ đồng
2, Lật mặt 6 272,8 tỷ đồng
3, Đất rừng Phương Nam 140 tỷ đồng
4, Siêu lầy gặp siêu lừa 121,4 tỷ đồng
5, Chị chị em em 2 121 tỷ đồng
6, Người vợ cuối cùng 95,8 tỷ đồng
7, Con Nhót mót chồng 75,6 tỷ đồng
8, Kẻ ẩn danh 43,5 tỷ đồng
9, Vong nhi 24,8 tỷ đồng
10, Chiếm đoạt 19,8 tỷ đồng
(Doanh thu tính đến hết ngày 4/12/2023)
Không chỉ dòng phim thương mại với những tên tuổi hoặc thương hiệu được bảo chứng phòng vé, thị trường điện ảnh trong năm qua cũng đón nhận thêm vài tín hiệu tích cực từ những bộ phim tài liệu hay hoạt hình nội địa, điều rất hiếm khi xảy ra trước đây. Phim tài liệu âm nhạc Tri âm: Người giữ thời gian của Mỹ Tâm thu trên 12 tỷ đồng. Trong khi đó, Những đứa trẻ trong sương - phim tài liệu của đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm sau khi lọt vào "shortlist" top 15 của Oscar 2023 đã phát hành rộng rãi và thu về 2,3 tỷ đồng, một kỷ lục của dòng phim tài liệu Việt Nam.
Ở mảng phim hoạt hình dành cho thiếu nhi, vốn "bỏ trống trận địa" cho phim hoạt hình quốc tế oanh tạc, trong năm qua cũng xuất hiện một hiện tượng thú vị là phim Wolfoo và hòn đảo kỳ bí được nhiều khán giả nhí đón nhận và đạt doanh thu hơn 5 tỷ đồng.
Đây là phim hoạt hình đầu tiên của Việt Nam được chiếu trên màn ảnh rộng. Cú "mở đường" thành công của thương hiệu phim hoạt hình có hàng triệu lượt người theo dõi trên Youtube này, hứa hẹn nhiều phim hoạt hình "made in Vietnam" khác được tung ra rạp trong thời gian tới để giành lại thị phần từ phim hoạt hình quốc tế.
Vẫn chưa thoát khỏi định kiến xấu về phim Việt
Nói như vậy không có nghĩa là năm vừa rồi là một năm "toàn thắng" của phim Việt. Nhiều phim Việt, dù được đầu tư kinh phí khá cao (trên dưới 10 tỷ đồng) vẫn thua lỗ nặng với mức doanh thu "lẹt đẹt" từ 2-4 tỷ đồng, như Fanti (1,8 tỷ đồng); Khi ta 25 (3 tỷ đồng), Bến phà xác sống (4 tỷ đồng), Live: Phát trực tiếp (2 tỷ đồng), Giao lộ 8675 (2,4 tỷ đồng), Chạm vào hạnh phúc (2,3 tỷ đồng)…
Cho dù không đến mức "thảm họa" như những năm trước, nhiều bộ phim thất bại nặng nề trong năm qua chủ yếu vẫn do yếu kém về mặt chất lượng, hoặc tệ hơn, là một dạng phim được đặt hàng để phát trên các nền tảng phim trực tuyến rồi mang ra chiếu rạp. Đó cũng là một lời cảnh báo cho những nhà làm phim thiếu tôn trọng khán giả và chính họ, chứ không phải ai khác, khi nhận về cái kết đắng cho mình.
Ngay cả những bộ phim thành công, kể cả các bộ phim trăm tỷ và lập kỷ lục phòng vé, những tranh cãi về chất lượng phim và thậm chí… ngoài phim vẫn diễn ra ầm ĩ trên mạng xã hội. Trong năm qua, ít nhất có hai hiện tượng "phim trăm tỷ" gây ra cuộc chiến truyền thông trên mạng xã hội là Nhà bà Nữ và Đất rừng phương Nam.
Nhìn ở khía cạnh tích cực, những tranh cãi này thu hút đám đông, khiến điện ảnh trở thành một nguồn thông tin chính, xuất hiện ở các vị trí "spotlight" và khuấy động phòng vé. Nhìn ở khía cạnh tiêu cực, nó cho thấy định kiến và ác cảm của khán giả dành cho phim Việt vẫn rất nặng nề. Chưa kể, rất nhiều thông tin, nhận định về phim Việt vẫn bị bóp méo, vô căn cứ hoặc… đi quá xa khỏi bộ phim.
Ông Nguyễn Hoàng Hải nhận định: "Trong bối cảnh tích cực của thị trường phim ảnh năm 2023, chất lượng các bộ phim vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Thời điểm phát hành và cả sự may mắn cũng góp công rất lớn vào doanh thu trăm tỷ của các bộ phim trong năm nay. Điều này đặt ra vấn đề thị trường cần sự phát triển mang tính bền vững. Khán giả đến rạp nhiều hay ít phụ thuộc vào số lượng và chất lượng phim, đặc biệt là phim Việt Nam".
Chưa kể, thực tế cho thấy, đứng sau những bộ phim trăm tỷ đều là tên tuổi những nhà sản xuất, đạo diễn và dàn diễn viên uy tín, có kinh nghiệm trong nghề. Còn với những đạo diễn chưa tên tuổi, cơ hội để thành công tại phòng vé khó hơn nhiều, khiến việc đào tạo một thế hệ tiếp nối các nhà làm phim đã được bảo chứng tên tuổi sẽ là một thách thức lớn cho phim Việt trong thời gian tới.
Điện ảnh Việt đang đứng trước một cơ hội lớn để chinh phục và mở rộng thị trường. Và rất khó để có được một thời điểm "vàng" như hiện nay để cất cánh.
Một ngành công nghiệp điện ảnh "vài ngàn tỷ" là điều có thể nhìn thấy ngay lúc này.
Tất nhiên, cơ hội lớn nhưng thách thức còn lớn hơn!
Tác giả: Nhà báo, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm tốt nghiệp khoa Báo chí, Đại học Quốc gia Hà Nội; anh từng làm phóng viên, biên tập viên của tuần báo Sinh viên Việt Nam và thư ký tòa soạn tạp chí Thể thao Văn hóa; Đàn ông.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!