Mỏ vàng của đất nước chính là con người!
(Dân trí) - Trả lời báo Dân trí mới đây, ông Nguyễn Đình Cung đã đưa ra những nhận định đáng chú ý về tính khả thi của mục tiêu đầy tham vọng mà Việt Nam đang đặt ra, đó là trở thành nước phát triển vào năm 2045.
Nói nhận định của ông Cung "đáng chú ý" bởi ông là thành viên trong Tổ tư vấn của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM).
Theo ông Cung, muốn bắt kịp, tốc độ tăng trưởng kinh tế phải đạt từ 7 đến 8%/năm - rõ ràng là một thách thức không hề nhỏ. Mục tiêu đặt ra càng lớn thì yêu cầu lãnh đạo càng phải giỏi, có tư duy chiến lược.
"Chúng ta phải có mục tiêu đủ cao, để tạo áp lực cho lãnh đạo, cho tư duy đổi mới để thực hiện bằng được chiến lược của quốc gia và lúc đó, người giỏi mới nổi lên được. Mục tiêu đủ cao để chỉ có người giỏi mới làm được và loại bỏ người không làm được" - vị chuyên gia này cho hay.
Nói theo cách khác, việc thực hiện được mục tiêu hay không phụ thuộc rất lớn đến tài năng và phẩm chất của người lãnh đạo. Trong công tác nhân sự phải tìm ra được người giỏi, bắt buộc phải chọn người giỏi thì mới khiến những mục tiêu nói trên trở thành hiện thực.
Bên cạnh đó, ông Cung còn bình luận thêm, "bản thân nền kinh tế Việt Nam hiện nay có đủ khả năng tăng trưởng cao, tất cả nguồn lực đang đầy đủ, bày sẵn. Điều quan trọng là Việt Nam phải làm sống lại nguồn lực".
Tôi chợt nhớ đến một người bạn làm ở một cơ quan trực thuộc sở. Anh không chỉ có bằng cấp mà còn xông xáo trong thực tế, thẳng thắn trong việc góp ý với cấp trên để đưa đơn vị đi lên. Tuy nhiên, vì lý do nào đó mà anh không được trọng dụng, suốt hơn 20 năm công tác không hề được cất nhắc.
Có thể vẫn còn rất nhiều người tương tự anh bạn tôi, không chỉ ở cơ quan nhà nước mà còn cả ở những đơn vị tư nhân.
Khi mỗi cơ quan, đơn vị là một viên gạch xây nên bộ máy chính quyền, mỗi doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh là một tế bào của nền kinh tế, thì viên gạch đó phải tốt, tế bào đó phải phát triển thì đất nước mới đi lên.
Một tổ chức sẽ vững mạnh khi lãnh đạo có tài, có đức, biết dùng người và khuyến khích nhân sự cấp dưới cống hiến. Ngược lại, khi tổ chức đó không chọn được lãnh đạo tốt, có tầm - có tâm - có trí; đồng thời lãnh đạo không trọng dụng người tài, lẽ dĩ nhiên tập thể đó sẽ yếu kém.
Một câu nói của ông Cung khiến tôi suy ngẫm: "Không được để tình trạng người dốt được lương cao, người giỏi lương thấp, làm vậy không bao giờ chúng ta chọn được người tài, người có đức và thúc đẩy được việc học hành. Không thể để giá trị đảo lộn được, nhất là các cơ quan nhà nước, nơi ban hành chính sách!".
Trong bối cảnh mở cửa và cạnh tranh càng trở nên gay gắt hơn, việc thu hút và trọng dụng người tài lại càng phải được chú trọng. Cần đặt câu hỏi vì sao tình trạng "chảy máu chất xám" vẫn diễn ra, vì sao vẫn con người đó mà ở kia làm tốt, nơi này lại không phát huy được? Vì sao vẫn có đến 30% công chức "cắp ô", vì sao không thể loại bỏ được?
Khi đã rõ về mục tiêu và phương thức, khi đã nhìn rõ được vấn đề, người viết tin tưởng rằng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội dù có tham vọng đến mấy cũng sẽ là khả thi!
Năng lực của con người khi được nhìn nhận đúng và được khai phá, sẽ tạo ra những kỳ tích!