Lười đọc sách vì nghiện mạng xã hội
Bố tôi là người mê sách. Từ khi còn là một thanh niên đến khi là một bác sĩ già về hưu, ông vẫn luôn duy trì thói quen đọc sách và sưu tầm sách. Sau này khi đã già yếu, bố vẫn hàng tháng đi xe đạp điện tới nhà xuất bản Y học trên phố Đội Cấn để hỏi mấy cô bán sách quen xem có cuốn nào mới in ra không.
Ngoài sách y học hiện đại, ông thích đọc cả về y học cổ truyền, về triết học, sử học, dân tộc học... nên bố có kiến thức rất rộng. Tôi nhớ có lần khi tôi đang viết luận án, cần nói rõ một luận điểm về lịch sử điều trị bệnh đái tháo đường, tôi bèn hỏi bố.
Bố đến bên giá sách chọn ra nhiều cuốn sách và rồi vào bàn vừa đọc vừa ghi chép ra giấy. Sau hai ngày bố đưa cho tôi một tiểu luận dài trên chục trang giấy viết tay, trong đó ông viết rất mạch lạc các y gia cổ Trung Quốc đã nói gì về bệnh này, cùng các bài thuốc cổ liên quan. Sau đó đoạn này trong luận án của tôi được các thầy chấm luận án khen rất nhiều vì chiều sâu trong kiến thức.
Cả một đời đọc sách, đến khi chia tay cuộc sống, bố đã để lại cho chúng tôi một bộ sưu tầm sách vài nghìn cuốn.
Sách của bố bây giờ tôi sắp xếp cẩn thận trong một căn phòng rộng, có điều hòa hút ẩm, để bảo quản được lâu dài. Thỉnh thoảng có thời gian, tôi lại vào phòng, rút bất kỳ một cuốn nào đó và mở trang đầu tiên ra ngắm, bên trong có bút tích của bố đề ngày tháng mua sách. Tôi thấy như bố đang thủ thỉ chuyện trò cùng tôi.
Tôi hồi nhỏ cũng mê sách. Tôi cũng bắt chước bố xây dựng một tủ sách của riêng mình. Những khi mua hay mượn được quyển sách nào mới là đọc ngấu nghiến. Thời bao cấp sách ít, có được cuốn sách nhiều khi khó khăn lắm. Nhiều khi tôi và ông anh trai cùng đọc chung một cuốn truyện. Đọc chung sách thật là khó chịu vì tốc độ đọc khác nhau, cứ phải chờ nhau đọc hết trang mới được giở tiếp.
Nhưng khi lớn thì đam mê đọc sách của tôi giảm hẳn, nhất là từ khi có máy tính và mạng internet. Các kiến thức cần tìm có sẵn trên mạng, như một dạng mì ăn liền, cần là có. Chỉ vài thao tác tìm kiếm là tôi đã có ngay thông tin mà mình cần. Cho nên nó làm tôi lười dần, không còn phải tự mình đọc cả một cuốn sách để lọc ra thông tin nữa.
Rồi sự xuất hiện của mạng xã hội nữa, đã giáng tiếp một đòn nặng vào thú vui đọc sách. Các thông tin trên mạng xã hội phong phú, tươi mới, hài hước, têu tếu, và lại ngắn nữa, quyến rũ người đọc. Không biết từ khi nào tôi bị nghiện "cái món" mạng xã hội này. Ngày nào cũng mất vài giờ đồng hồ để mê mải lướt lướt. Đọc đến khi mệt chìm vào giấc ngủ.
Sáng hôm sau bảo có nhớ hôm qua đọc cái gì không, thì chịu. Chẳng nhớ mình đã đọc cái gì. Một khối lượng khổng lồ kiến thức tạp nham hổ lốn tôi đã đọc, đã lấy đi của tôi một khoảng thời gian sống quý báu. Nhưng đến tối, một cách vô thức, tôi lại mở điện thoại ra quẹt quẹt, như sợ bỏ sót một tin gì quan trọng.
Sách là phát minh vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Từ những cuốn sách đầu tiên viết trên đất sét nung, trên lõi sậy, trên thẻ tre... đến những cuốn sách sau này trên giấy, rồi sách điện tử. Sách là vật chuyên chở tri thức, tích lũy tri thức từ đời này sang đời khác, giúp sự khôn ngoan của con người nhân lên gấp bội. Đọc một cuốn sách ta như được sống thêm một cuộc đời mới.
Nhưng từ khi có máy tính và internet, sách giấy lâm vào cuộc khủng hoảng. Thế hệ trẻ lớn lên cùng máy tính và smartphone không thấy có nhu cầu đọc sách. Họ đã quen được công nghệ phục vụ tận răng. Khi cần tìm hiểu một điều gì, máy tính giúp họ tìm chính xác điều đó, khác với thế hệ cha anh là phải tự đọc cả một cuốn sách để tự rút ra cái điều ấy.
Vậy thì có còn cần thiết phải đọc sách không. Khi mà xu hướng cạnh tranh bây giờ là càng nhanh càng tốt. Không chỉ ở Việt Nam, mà trên thế giới người ta cũng băn khoăn như thế.
Và câu trả lời, mà tôi thấy qua tìm hiểu, là đọc sách vẫn rất cần thiết. Đọc sách, tự mình khám phá tri thức, xây dựng cho mình lối tư duy độc lập, giúp mình giải quyết các vấn đề mới. Sách cũng nuôi dưỡng lòng trắc ẩn với số phận con người, nuôi dưỡng tâm hồn.
Một câu chuyện rất đẹp là Bill Gates, người sáng lập một trong những hãng công nghệ lớn nhất thế giới, lại cũng là người mê đọc sách. Cho đến nay, Bill Gates vẫn giữ được thói quen quan trọng này khi trên blog cá nhân của mình, ông đã khuyên đọc trên 150 đầu sách về nhiều lĩnh vực như khoa học, lịch sử, tiểu thuyết.
Steve Siebold, tỷ phú tự thân nổi tiếng ở Mỹ, đồng thời cũng là tác giả của những cuốn sách đã phỏng vấn hơn 1.200 người giàu nhất và thành công nhất thế giới trong ba thập kỷ qua, qua đó đúc kết rằng niềm đam mê với sách, đọc sách để tự giáo dục bản thân là một điểm chung phổ biến.
Huyền thoại đầu tư Warren Buffett đã từng chia sẻ ông dành 80% thời gian trong ngày để đọc sách, và ông còn đang tiếp tục khuyến khích đọc sách bằng cách gợi ý những đầu sách nên đọc trong những bức thư gửi cho cổ đông của mình.
Tỷ phú công nghệ Elon Musk khi được hỏi làm cách nào để chế tạo ra tên lửa, ông đã trả lời: "Tôi đọc sách".
Những câu chuyện tương tự như trên có rất nhiều. Điều đáng tiếc là theo các số liệu thống kê thì người Việt chúng ta đọc sách rất ít, ít hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Một thực tế đáng buồn là các thư viện công cộng, ngay cả Thư viện Quốc gia, bây giờ rất vắng người đến đọc so với trước.
Dù sao, văn hóa đọc vẫn đang âm thầm được gìn giữ ở nhiều nơi. Tôi có một đồng nghiệp trẻ cho biết đã từ bỏ mạng xã hội hai năm nay để đọc sách. Bạn ấy vừa mới mua thêm một tủ kính nữa để lấy chỗ chứa sách. Học tập người bạn trẻ, tôi giờ đây cũng đặt ra kỷ luật một tuần phải đọc một cuốn sách mới, không thì sách đặt mua về nhiều quá, cứ chất đống đấy khất lần chưa đọc.
Để duy trì thói quen đọc sách, việc đầu tiên là cứ đọc những gì mình thích. Đọc sách trước hết là để giải trí. Có thể là tập truyện ngắn, tập thơ, tản văn, thậm chí là cả truyện tranh. Sau đó dần dần mở rộng danh sách những cuốn sách mà mình nghe nói từ lâu nhưng chưa có dịp đọc. Ở đây có vai trò rất quan trọng của mục điểm sách trên các báo. Duy trì mục điểm sách giúp người đọc thu hẹp sự chọn lựa sách giữa một rừng sách mới ra như hiện nay.
Thứ hai là có một không gian yêu thích, yên tĩnh để đọc sách. Thư viện là nơi phù hợp để đọc sách. Dần dần khi đã có thói quen đọc sách rồi thì có thể ngồi đọc bất kỳ đâu. Như ta thấy người dân những nước có thói quen đọc sách thường tranh thủ lúc đợi tàu xe hay khi đang ngồi trên tàu điện ngầm, tàu hỏa. Người Việt mình tôi thấy hình như trên tàu xe bây giờ không ai đọc sách, thường thì tán gẫu với nhau, hoặc là lướt điện thoại, sau thì lăn ra ngủ.
Thứ ba là tốc độ đọc. Đọc là để thu nhận kiến thức, là để giải trí, nên cần có những khoảng lặng, mắt rời khỏi trang sách để cho trí tưởng tượng bay bổng. Nên không cần đặt ra chỉ tiêu bao lâu phải xong một quyển sách. Có thể 1 tuần, mà cũng có thể 1 tháng. Phần lớn những người ham đọc sách trên thế giới đọc sách với khoảng từ 1 đến 2 quyển một tháng.
Đọc sách là một thói quen tốt, chúng ta nên khuyến khích và duy trì thói quen này cho mọi người.
Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!