Lời hứa "tận tâm, tận lực, tận hiến" của tân Tổng Bí thư
Sáng 3/8, tại thủ đô Hà Nội, Chủ tịch nước Tô Lâm đã được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, với số phiếu tuyệt đối 100%.
Kết quả của Hội nghị Trung ương thể hiện sự tín nhiệm tuyệt đối với tân Tổng Bí thư Tô Lâm cũng như tinh thần đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động của Ban Chấp hành Trung ương - Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội.
Chúng ta chưa nguôi ngoai sau sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, người đảng viên cộng sản kiên trung, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, hiện thân đầy đủ phẩm chất, tài năng, bản lĩnh, trí tuệ của thế hệ lãnh đạo Việt Nam thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên, trước yêu cầu, nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách trong việc lãnh đạo xây dựng, phát triển đất nước, chăm lo cuộc sống nhân dân, thì chủ trương kiện toàn các chức danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trước hết là chức danh Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, là một yêu cầu tất yếu.
Đặt trong bối cảnh phải tích cực triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra; chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; tạo nền tảng vững chắc đạt các mục tiêu chiến lược kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước; đồng thời xác định tầm nhìn tương lai, đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu, đóng góp tích cực và chủ động cho hòa bình và phát triển trên thế giới thì việc ấy càng có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Việc kiện toàn chức danh Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII còn thể hiện tính kế thừa, liên tục trong cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng; được thực hiện theo đúng quy định Điều lệ Đảng, phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và các quy định về công tác cán bộ của Đảng.
Phát biểu nhậm chức, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định "Đây là vinh dự lớn, đồng thời cũng là trách nhiệm vinh quang trước Đảng, trước Nhân dân, trước lịch sử hào hùng nghìn năm văn hiến của dân tộc và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong thời đại mới"…
Trong phát biểu nhậm chức, Tổng Bí thư Tô Lâm đã "Xin hứa trước Trung ương, trước toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, sẽ không ngừng nỗ lực phấn đấu, cùng các đồng chí Trung ương kế thừa, phát huy mạnh mẽ truyền thống vẻ vang, kinh nghiệm quý báu của Đảng ta và những thành quả mà các kỳ Đại hội, trong đó có Đại hội lần thứ XIII đã đạt được; phát huy cao nhất tinh thần "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc"; không ngừng tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; gắn kết tư tưởng và hành động, ý đảng và lòng dân; tận tâm, tận lực, tận hiến, phấn đấu hy sinh vì Đảng Cộng sản Việt Nam vững mạnh; vì nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Nhân dân Việt Nam có cuộc sống ấm no, hạnh phúc".
Tổng Bí thư cũng nêu rõ sẽ "Tập trung chỉ đạo tổ chức tốt việc hoàn thành các công việc để tổ chức thành công Đại hội XIV của Đảng, chuẩn bị tốt dự thảo các văn kiện Đại hội, định hướng và chuẩn bị tốt công tác nhân sự các cấp, tổng kết 40 năm đổi mới đất nước, kế thừa những thành tựu lý luận quan trọng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã được các thế hệ lãnh đạo của Đảng, trong đó có đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc kết, đề ra đường lối đúng đắn, đưa đất nước tiếp tục phát triển toàn diện trong thời gian tới"…
Lời hứa "tận tâm, tận lực, tận hiến" của người đứng đầu Đảng ta mang đến những tin tưởng vững chắc và kỳ vọng to lớn: Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện quyết liệt, có hiệu quả những định hướng lớn, đột phá chiến lược mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Cùng với phát biểu nhậm chức tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, trong cuộc họp báo sau khi Hội nghị kết thúc, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu các trọng tâm trên cương vị của mình, gồm:
(1) Giữ vững độc lập, tự chủ; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc. Kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, không ngừng tăng cường đóng góp của Việt Nam vào hòa bình và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
(2) Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kiên định lập trường, quan điểm và thực hành "dân là gốc", "Nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới"; bảo đảm mọi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của đổi mới, phát triển, được sống hạnh phúc trong môi trường an ninh, an toàn, không ai bị bỏ lại phía sau.
(3) Tập trung xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
(4) Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, củng cố tiềm lực quốc gia; thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư, sản xuất kinh doanh; huy động tối đa nguồn lực xã hội cho sự nghiệp phát triển bền vững đất nước, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
(5) Khơi dậy tinh thần, ý chí, quyết tâm, phát huy cao nhất giá trị văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
(6) Ưu tiên tập trung chỉ đạo có hiệu quả, chất lượng các văn kiện; công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới tổ chức thành công Đại hội XIV của Đảng.
Chủ tịch nước Tô Lâm nhậm chức Tổng Bí thư vào lúc Đại hội XIV của Đảng đã đến rất gần (dự kiến tổ chức vào tháng 1/2026) và "còn rất nhiều nhiệm vụ phải triển khai" như Tổng Bí thư đã phát biểu trước báo giới.
Tình hình thế giới và khu vực hiện nay có những diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Đất nước ta "chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay"; tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, kết quả to lớn đã đạt được, Việt Nam vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.
Đơn cử, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực - một trong những di sản to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - đã được thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện trong thời gian qua.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, vẫn còn đó những hạn chế, tồn tại mà các cấp có thẩm quyền đã nêu ra: việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế; tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả… Những hạn chế, tồn tại này đòi hỏi công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới phải có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa và đạt hiệu quả cao hơn nữa. Tham nhũng, tiêu cực phải bị ngăn chặn, đẩy lùi; góp phần xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh như mong muốn của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong lĩnh vực kinh tế, để thực hiện mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao…, cũng đòi hỏi đất nước phải có những bước tiến mới, tăng trưởng nhanh và bền vững hơn nữa để không chỉ vượt qua chính mình mà còn đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế.
Nói như vậy cũng có nghĩa là kỳ vọng của nhân dân vào lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cơ quan lãnh đạo các cấp là rất lớn. Từ các định hướng chiến lược cho đến những quyết sách cụ thể, người ở vị trí càng cao thì đón nhận sự kỳ vọng cũng như trách nhiệm càng lớn.
"Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Quan điểm và thực hành "dân là gốc", "Nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới"… được nêu trong phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, là kim chỉ nam trong tư tưởng và hành động đã được Đảng ta đúc kết vào các văn kiện chính thức và được người đứng đầu Đảng tiếp tục khẳng định khi vừa nhậm chức.
"Dân là gốc" và "Tận tâm, tận lực, tận hiến" vì Đảng, vì dân không chỉ là lời hứa, mà đã trở thành niềm tin và kỳ vọng trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Tác giả: Ông Nguyễn Vân Thiêng là nhà báo với hơn 30 năm trong nghề, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!