Người Cộng sản tận hiến vì nước, vì dân
Cũng như đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, tôi được biết đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sức khỏe không được tốt thời gian gần đây. Dù biết như vậy, nhưng khi được tin Tổng Bí thư từ trần, tôi không khỏi có sự bàng hoàng, hụt hẫng. Từ đáy lòng mình, tôi rất thương tiếc đồng chí Tổng Bí thư. Đồng chí đã cống hiến toàn bộ cuộc đời và sức lực của mình cho sự nghiệp của Đảng và Nhà nước ta, đến tận giây phút cuối cùng.
Tình cảm dồn đến với tôi những ngày này là lòng kính trọng xen lẫn sự cảm phục, biết ơn đồng chí Tổng Bí thư.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng và tôi cùng vào Trung ương tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (tháng 1/1994). Ở nhiệm kỳ khóa VIII, chúng tôi cùng được tham gia Bộ Chính trị.
Đến hết khóa VIII, đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, còn tôi được phân công làm Thường trực Ban Bí thư.
Chúng tôi có những khoảng thời gian công tác trùng hợp với nhau như vậy, nhưng mỗi người đảm nhiệm một công việc khác nhau.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng và tôi chỉ có một thời gian cùng làm việc với nhau khi cùng tham gia Tiểu ban biên tập báo cáo chính trị trình Đại hội VI - Đại hội Đổi mới - của Đảng năm 1986. Tôi đã có những ấn tượng tốt đẹp về đồng chí Nguyễn Phú Trọng từ thủa ban đầu làm việc cùng nhau đó và ấn tượng được tăng dày thêm theo năm tháng, theo quá trình công tác sau này. Đặc biệt là trong gần 3 nhiệm kỳ qua, khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng đảm nhiệm cương vị người đứng đầu Đảng, thì ấn tượng của tôi với đồng chí càng sâu sắc hơn.
Còn nhớ vào cuối nhiệm kỳ khóa XI, khi Đảng chuẩn bị Đại hội XII, cũng như nhiều đồng chí khác, chúng tôi dõi theo tình hình kinh tế - xã hội, thấy bên cạnh những mặt tích cực thì cũng có nhiều vấn đề đáng quan tâm, đáng lo lắng. Vì vậy bản thân tôi và một số đồng chí khác đã gặp gỡ hoặc viết thư gửi các đồng chí lãnh đạo đương nhiệm của Đảng và Nhà nước, trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đóng góp ý kiến mà mình suy nghĩ được để các đồng chí lãnh đạo đương nhiệm tham khảo.
Sau đó trong nhiệm kỳ khóa XII, khóa XIII, nhiều lần chúng tôi gửi thư hoặc được trực tiếp gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để đóng góp ý kiến. Trong những lần gặp gỡ như thế, đồng chí Tổng Bí thư bao giờ cũng niềm nở tiếp đón, rất chú ý lắng nghe và cho thấy sự coi trọng ý kiến của chúng tôi.
Phong cách làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là rất nghiêm túc, lắng nghe và tôn trọng người khác.
Là người đứng đầu Đảng ta gần 3 nhiệm kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại dấu ấn và di sản đậm nét trên tiến trình phát triển đất nước và ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó cá nhân tôi tâm đắc nhất hai lĩnh vực: Một là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; hai là lĩnh vực đối ngoại.
Chúng ta biết rằng từ cuối nhiệm kỳ khóa VIII, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Trung ương đã ban hành Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Cùng với nghị quyết này, Bộ Chính trị lập ra Tiểu ban Trung ương 6 (lần 2) và cử tôi làm Trưởng Tiểu ban.
Chúng tôi căn cứ vào Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) để theo dõi và thúc đẩy việc thực hiện những điều nghị quyết đề ra, đặc biệt là đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống suy thoái, chống tiêu cực trong Đảng cũng như xử lý những hành vi làm mất trật tự an toàn xã hội. Có thể kể đến một số vụ việc lúc đó như: vụ Thủy cung Thăng Long; vụ Lã Thị Kim Oanh; vụ Năm Cam…
Trong nhiệm kỳ khóa IX, cùng với đẩy mạnh việc điều tra, xét xử một số vụ án lớn, ở Trung ương cũng đẩy mạnh công tác phê bình và tự phê bình. Vào cuối năm, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều có những cuộc tự kiểm điểm, tự phê bình; sử dụng các ban Đảng liên quan để thu thập ý kiến của cán bộ, đảng viên phản ánh lên, bao gồm cả những ý kiến phê bình thành viên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã được rà soát, tổng hợp.
Có thể nói công cuộc xây dựng Đảng và phòng, chống tham nhũng ở khóa IX đã có những tiến bộ đáng kể. Tuy nhiên những tiến bộ đó chưa đủ mạnh và cũng chưa đủ sâu sắc để tạo nên sự chuyển biến căn cơ, bền vững. Những năm tiếp theo, tình trạng suy thoái, tha hóa, tham nhũng, tiêu cực vẫn diễn biến phức tạp, có mặt nghiêm trọng hơn trước.
Tình hình này được phản ánh trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), đó là: Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.
Trong số những vấn đề cấp bách mà Đảng ta chỉ ra vào đầu nhiệm kỳ khóa XI, tức là nhiệm kỳ đồng chí Nguyễn Phú Trọng bắt đầu đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư, có vấn đề: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...
Điểm lại để chúng ta thấy rằng trong bối cảnh, tình hình như vậy, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và phòng, chống tham nhũng nói riêng đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn. Nếu người đứng đầu không "vững tay lái" thì không dễ đạt được kết quả như mong muốn.
Đến nay, theo khẳng định trong các phát biểu, văn bản đánh giá chính thức, và theo suy nghĩ của tôi, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong 3 nhiệm kỳ gần đây, nhất là từ nhiệm kỳ khóa XII trở đi, đã được triển khai quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.
Người chủ trì, có vai trò quyết định trong việc đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng đó chính là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, lò lửa đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực thực sự được đốt cháy. Chúng ta thực hiện được điều mà chúng ta vẫn nói và nhân dân mong muốn, đó là tiến hành cuộc đấu tranh chống tham nhũng một cách thực sự, kiên quyết, không khoan nhượng cả trong Đảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị, ở cả Trung ương và các địa phương, không có vùng cấm và bền bỉ, không nửa vời.
Bản thân đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và gia đình đã nêu tấm gương sáng về sự trong sạch, liêm chính, nói đi đôi với làm.
Tấm gương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và kết quả công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng giai đoạn vừa qua, mang lại niềm tin mạnh mẽ rằng mặc dù phía trước vẫn còn rất cam go, chưa thể nói là chúng ta đã giành thắng lợi hoàn toàn, nhưng chúng ta đã có quyết tâm, có sức mạnh mới, sức chiến đấu mới để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Trong cuộc đấu tranh này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh là chúng ta không chỉ xử lý những người, những việc làm sai, hư hỏng, suy thoái, mà phải quan tâm đến việc sửa đổi, hoàn thiện thể chế để ngăn chặn từ gốc sai lầm, tiêu cực, sao cho cán bộ không thể tham nhũng, không muốn tham nhũng và không dám tham nhũng.
Trong gần 3 nhiệm kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bên cạnh những chuyển biến trên lĩnh vực xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đảng và Nhà nước ta cũng đạt được những thành tựu rất to lớn, xuất sắc và đặc biệt quan trọng trên lĩnh vực đối ngoại.
Chúng ta tiến hành công cuộc xây dựng đất nước trong hoàn cảnh thế giới vô cùng phức tạp, nhiều thách thức và rất khó lường. Với vị trí địa chính trị đặc biệt, chúng ta muốn "trong ấm thì ngoài phải êm", hay nói cách khác là muốn xây dựng đất nước thì một trong những đòi hỏi đầu tiên là phải xử lý đúng vấn đề đối ngoại.
Những năm qua, chúng ta vừa giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vừa liên tục mở rộng, nâng cao, làm sâu sắc thêm quan hệ với các nước, các đối tác trên khắp thế giới, bao gồm các cường quốc. Việt Nam không để bị cuốn vào trong vòng xoáy phức tạp của thế giới, hơn nữa còn nâng cao quan hệ với các nước lớn, trong đó có những nước đang cạnh tranh quyết liệt với nhau.
Thành tựu của công tác đối ngoại đã góp phần quan trọng vào việc làm cho "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Theo thống kê của ngành Ngoại giao, đến nay Việt Nam đã thiết lập đối tác toàn diện với 12 quốc gia; đối tác chiến lược với 18 quốc gia, trong đó có 7 quốc gia là Đối tác Chiến lược toàn diện và như chúng ta đã biết là phần lớn các đối tác này được thiết lập trong gần 3 nhiệm kỳ đồng chí Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu Đảng.
Tôi rất mong rằng tinh thần "ngoại giao cây tre" - một di sản lớn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - sẽ được các thế hệ lãnh đạo tiếp theo vận dụng một cách sáng suốt để nước ta tiếp tục có môi trường, điều kiện thuận lợi trong quá trình phát triển.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, bên cạnh niềm tiếc thương to lớn, tôi cũng có những lo lắng, trăn trở, nhưng tôi tin tưởng vững chắc rằng Đảng ta, nhân dân ta nhất định sẽ tiếp tục vượt qua các khó khăn, thách thức để xây dựng đất nước "ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn".
Đồng chí Tổng Bí thư từ trần là sự đau thương với chúng ta, nhưng đồng thời là sự thôi thúc mỗi người phải nỗ lực nhiều hơn.
Tác giả: Ông Phan Diễn nguyên là Thường trực Ban Bí thư khóa IX; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, VIII, IX; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VIII, IX. Ông cũng từng giữ các chức vụ: Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Trưởng ban Kinh tế trung ương; Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!