Tâm điểm
Ngô Tiến Long

Làm gì để Hà Nội hấp dẫn hơn trong mắt du khách quốc tế?

Những ngày qua, theo quan sát của tôi, các tuyến phố Hà Nội, đặc biệt khu phố cổ và các quận trung tâm, luôn tấp nập du khách quốc tế. Một tín hiệu đáng mừng, và càng vui hơn khi được biết đây cũng là bức tranh chung tại các trung tâm du lịch trong cả nước.

Theo báo cáo của Cục Thống kê, riêng trong tháng 3/2025, Việt Nam đã đón trên 2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước; và tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong cả 3 tháng đầu năm đạt trên 6 triệu lượt, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2024, tăng 134% so với cùng kỳ năm 2019. Đây cũng là lượng khách quốc tế trong một quý cao nhất từ trước đến nay, đem lại tổng thu 242.000 tỷ đồng.

Kết quả này đến từ chiến lược và các giải pháp vĩ mô của Chính phủ, nỗ lực của ngành du lịch, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp du lịch trên cả nước. Những chính sách của chúng ta như đảm bảo môi trường du lịch an toàn, thân thiện, thuận lợi hóa nhập cảnh và lưu trú, nâng cấp hạ tầng, cùng với việc quảng bá sâu rộng các sản phẩm du lịch… đã phát huy tác dụng.

Làm gì để Hà Nội hấp dẫn hơn trong mắt du khách quốc tế? - 1

Du khách quốc tế đến Hà Nội (Ảnh minh họa: Tố Linh)

Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn nhiều việc cần làm để duy trì đà tăng trưởng của ngành du lịch và thu hút nhiều du khách quốc tế hơn nữa, bao gồm cả những du khách đến Việt Nam nhiều lần.

Trở lại với Hà Nội, tôi chứng kiến nhiều lần hình ảnh du khách quốc tế ngồi xích lô nối hàng dài trên các phố như Lương Văn Can, Hàng Đào... Trong khi đó, vỉa hè bị chiếm dụng để đỗ xe máy và bày bán đồ ăn uống nên du khách chật vật di chuyển, phải bước xuống lòng đường cho dù tiềm ẩn nguy cơ va chạm với phương tiện giao thông.

Những năm gần đây, Hà Nội đã đầu tư các khoản ngân sách lớn để chỉnh trang, cải tạo vỉa hè nhưng thực tế ở nhiều nơi, người đi bộ vẫn rất khó đi được bình thường trên vỉa hè. Nhìn ra thế giới, ít nước nào xảy ra tình trạng vỉa hè bị xâm chiếm từ năm này qua năm khác và không có hồi kết như vậy.

Để khắc phục tình trạng trên, trước hết cho chính người dân địa phương và góp phần nâng cao hơn nữa hình ảnh Hà Nội trong mắt du khách, chính quyền thành phố nên quan tâm xử lý triệt để vấn đề chiếm dụng vỉa hè vì mục đích thương mại dưới các hình thức khác nhau.

Một vấn đề khác tuy nhỏ nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh Hà Nội, đó là tình trạng xả rác bừa bãi cả trên vỉa hè lẫn dưới lòng đường. Dù các công ty môi trường tổ chức quét dọn làm sạch đường phố hàng ngày, nhưng việc xả rác bừa bãi diễn ra thường xuyên đã ảnh hưởng đến nỗ lực xây dựng thành phố sạch đẹp, văn minh. Hiện tượng người bán hàng rong, bán trà nước trên các vỉa hè vứt bừa bãi lá bánh, vỏ hạt dưa... diễn ra ở nhiều nơi, rất phản cảm song ít thấy bị nhắc nhở, xử lý.

Vấn đề lớn đã được đề cập nhiều trong thời gian gần đây là tình trạng ô nhiễm không khí. Nguyên nhân và giải pháp đều đã rõ, song điều xã hội quan tâm là triển khai trong thực tế như thế nào. Liệu thành phố có "mạnh tay" hay không? Một ví dụ là tình trạng bụi đất cát từ vật liệu và chất thải xây dựng từ các công trình lớn, nhỏ khác nhau, chế tài đã có và cũng không khó phát hiện, vì sao tình trạng này vẫn tồn tại dai dẳng?

Những vấn đề nêu trên là đáng lo ngại đặt trong bối cảnh cuộc cạnh tranh gay gắt để thu hút du khách giữa các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Nếu có dịp trải nghiệm đường phố sạch đẹp, không khí trong lành ở thủ đô nhiều nước, chúng ta sẽ thấy mình cần phải cố gắng nhiều hơn.

Tôi xin nêu một số kiến nghị cụ thể sau:

Trước tiên, Hà Nội cần quyết liệt và khẩn trương triển khai các biện pháp mạnh, đủ sức răn đe để buộc người dân và hộ kinh doanh không lấn chiếm vỉa hè dưới bất kỳ hình thức nào. Mục tiêu là trả lại vỉa hè cho người đi bộ, chấm dứt tình trạng vỉa hè bị chiếm dụng làm nơi đỗ xe máy lộn xộn hay kinh doanh tràn lan, cản trở giao thông như hiện nay.

Thứ hai, Hà Nội cần siết chặt việc giữ vệ sinh đường phố và vỉa hè thông qua các biện pháp quyết liệt. Phạt nặng đối với hành vi xả rác bừa bãi, thậm chí rút giấy phép kinh doanh trong trường hợp nghiêm trọng. Đồng thời, kiên quyết ngăn chặn việc đổ, đánh rơi chất thải rắn, đất cát ra đường bằng cách yêu cầu chủ đầu tư các công trình xây dựng ký cam kết đảm bảo không để vật liệu hay chất thải tràn ra đường trong suốt quá trình thi công. Để đường phố thực sự sạch sẽ, ít bụi bẩn, thành phố có thể học hỏi kinh nghiệm của các đô thị phát triển, sử dụng vòi nước áp suất cao để "quét" đường hiệu quả.

Thứ ba, Hà Nội cần mạnh mẽ giảm thiểu ô nhiễm không khí bằng cách siết chặt quy trình và tiêu chuẩn đăng kiểm phương tiện giao thông. Thực hiện ngay quy định bắt buộc kiểm định khí thải đối với xe máy theo quy định hiện hành. Đồng thời, thành phố cần nhanh chóng di dời các nhà máy, xưởng sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi nội thành, như trường hợp ống khói của Công ty cổ phần Dệt Hà Nội (tại phố Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai) như báo chí đã phản ánh.

Phát triển du lịch đòi hỏi các biện pháp vừa tổng thể, vừa cụ thể. Bên cạnh các chính sách đang tích cực triển khai để thu hút du khách quốc tế đến Hà Nội, thành phố cần ưu tiên giải quyết các vấn đề về môi trường sống và không gian trải nghiệm cho du khách, như đã đề cập ở trên. Những nỗ lực này sẽ góp phần thúc đẩy ngành du lịch thủ đô đạt tăng trưởng đột phá, bền vững.

Tác giả: Ông Ngô Tiến Long là nhà ngoại giao đã nghỉ hưu; nguyên là Cục trưởng Cục Cơ yếu Bộ Ngoại giao. Ông cũng từng là Phó Tổng Biên tập báo Quốc tế (nay là Báo Thế giới & Việt Nam).

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!