"Mũi nhọn" du lịch và mục tiêu đón 18 triệu lượt khách
Du lịch Việt Nam năm 2024 đã "lấy lại phong độ" trước đại dịch Covid (năm 2019) khi đón 17 triệu lượt khách quốc tế và 110 triệu lượt khách nội địa.
Cơ quan quản lý và nhiều chuyên gia chỉ ra các nguyên nhân của sự tăng trưởng nêu trên, như việc ban hành quy định thông thoáng hơn về visa, vào tháng 8/2023 đã kéo dài thời gian lưu trú từ 15 lên 45 ngày cho khách từ các nước đã miễn thị thực; công tác quảng bá du lịch được đẩy mạnh; cơ sở hạ tầng du lịch được cải thiện; chất lượng dịch vụ du lịch được nâng cao…
Tuy nhiên, con số 17 triệu lượt khách quốc tế vẫn còn khiêm tốn nếu so với nhiều nước trong khu vực, đơn cử Thái Lan với 36 triệu lượt du khách quốc tế năm nay. Con số đạt được lại càng khiêm tốn nếu so với tiềm năng của chính chúng ta. Mới đây, tạp chí du lịch nổi tiếng của Mỹ là US News & World Report đã thống kê danh sách 40 đất nước đẹp nhất thế giới, trong đó có Việt Nam. Tổ chức World Travel Award cũng vừa vinh danh Việt Nam là điểm đến di sản hàng đầu thế giới năm 2024, năm thứ 6 liên tiếp chúng ta được đánh giá như vậy.
Bước sang năm 2025, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế, 130 triệu lượt khách nội địa, tạo 5,5 triệu việc làm trong đó có 1,8 triệu việc làm trực tiếp. Để đạt được mục tiêu này trong năm tới và tiếp tục bứt phá ở những năm tiếp theo, theo tôi ngành du lịch cần giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề, trong đó có một số việc cụ thể trước mắt như sau.
Thứ nhất, tạo sự thông thoáng hơn nữa ở các cửa khẩu quốc tế, nhất là tại sân bay quốc tế Nội Bài. Theo quan sát của tôi, hiện tại dù các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam chưa thể nói là quá nhiều, song mỗi khi có vài ba chuyến hạ cánh cùng lúc là có hiện tượng ùn tắc khiến khách phải chờ khá lâu để được nhập cảnh, nhiều khi phải chờ cả giờ đồng hồ, ảnh hưởng đến trải nghiệm ban đầu khi đến nước ta.
Thứ hai, giải quyết dứt điểm nạn "chặt chém" du khách. Báo chí đã đưa thông tin về nhiều vụ việc "chặt chém" khách quốc tế, tôi xin không nhắc lại, trong đó hiện tượng thường thấy là taxi lợi dụng bất đồng ngôn ngữ để lấy giá cao hơn bình thường.
Thứ ba, cải thiện tình trạng vệ sinh đường phố, ô nhiễm môi trường…, nhất là tại các thành phố lớn và trung tâm du lịch. Hà Nội đã có động thái quy hoạch vùng phát thải thấp, là bước tiến đáng ghi nhận, song cần quan tâm hơn đến giảm thiểu bụi bẩn từ các công trình xây dựng và giữ gìn trật tự vỉa hè, nếp sống văn minh đô thị.
Việc giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TPHCM là vấn đề lớn, nan giải, song cần có biện pháp quyết liệt hơn nữa thì mới hy vọng cải thiện được tình hình ngày càng trầm trọng hơn hiện nay.
Ngoài các vấn đề cụ thể trên, chúng ta vẫn cần có một chiến lược quảng bá du lịch thực sự chuyên nghiệp và toàn diện hơn; định vị rõ thương hiệu du lịch quốc gia, phát triển bộ nhận diện thống nhất và xây dựng các chiến dịch quảng bá đột phá.
Ngành du lịch Việt Nam cũng cần tập trung đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện kỹ năng ngoại ngữ của nhân viên ngành du lịch còn hạn chế, nhất là với các ngôn ngữ mới nổi như tiếng Hàn, tiếng Ả Rập.
Trước xu hướng du lịch Wellness (du lịch cải thiện sức khỏe) đang ngày càng phát triển mạnh trên thế giới, Việt Nam có thể tận dụng lợi thế về y học cổ truyền và thiền để phát triển các chương trình nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe.
Về lâu dài, Việt Nam cần đẩy nhanh hơn nữa kế hoạch phát triển du lịch đêm ở tất cả các thành phố và trung tâm du lịch trên khắp cả nước với các giải pháp cụ thể, phong phú đủ sức hấp dẫn du khách.
Hiện nay nếu so với các nước có ngành du lịch phát triển, Việt Nam còn có quá ít đường bay nối với bên ngoài. Việc Thái Lan dễ dàng đón được nhiều du khách hơn Việt Nam có lẽ chính là nhờ họ có kết nối với bên ngoài rất rộng và thuận tiện. Do vậy, chúng ta cần có kế hoạch sớm mở rộng/tăng cường các chuyến/tuyến đường bay trực tiếp từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại, nhất là tới các trung tâm giàu tiềm năng mà ta đang có kế hoạch thu hút nhiều du khách hơn.
Một việc quan trọng là chúng ta nên nghiên cứu tính khả thi và thời điểm phù hợp để cùng các nước ASEAN áp dụng việc mở rộng giá trị visa của từng nước. Theo đó du khách quốc tế khi có visa của 1 nước trong những điều kiện nhất định như đi theo tour liên hoàn mấy nước..., thì được nhập cảnh các nước còn lại.
Các cơ quan chức năng nên tính tăng thời hạn lưu trú cho mỗi loại visa, và nghiên cứu phối hợp với các nước có hoàn cảnh và điều kiện tương tự tăng cường thỏa thuận miễn thị thực trên cơ sở có đi có lại.
Với những giải pháp đồng bộ và tiềm năng to lớn về cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa và con người giàu truyền thống mến khách, tin tưởng rằng trong kỷ nguyên mới của đất nước, du lịch Việt Nam vươn mình trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực và thế giới.
Tác giả: Ông Ngô Tiến Long là nhà ngoại giao đã nghỉ hưu; nguyên là Cục trưởng Cục Cơ yếu Bộ Ngoại giao. Ông cũng từng là Phó Tổng Biên tập báo Quốc tế (nay là Báo Thế giới & Việt Nam).
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!