"Bắt bệnh" du lịch Việt Nam
Theo đánh giá của Tripadvisor - nền tảng hướng dẫn du lịch lớn nhất thế giới, Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2024.
Đây là nền tảng nổi tiếng của một công ty du lịch Hoa Kỳ và nội dung do người dùng tạo ra, nghĩa là hoàn toàn khách quan. Đánh giá của du khách toàn cầu, qua nền tảng này, cho thấy Việt Nam là điểm đến hấp dẫn xếp trên cả những cường quốc du lịch như Italy, Pháp, Hy Lạp, Tây Ban Nha hay Thái Lan, Singapore...
Có vẻ đánh giá của du khách toàn cầu (du khách quốc tế) về sự hấp dẫn của du lịch Việt Nam đang đi ngược với những gì người Việt Nam, và truyền thông cũng như cộng đồng mạng Việt Nam đang tự đánh giá về đất nước mình.
Tripadvisor phân ra 7 hạng mục gọi là điểm đến tốt nhất năm 2024, để du khách toàn cầu bình chọn, đó là các điểm đến hàng đầu (hay còn gọi là điểm đến phổ biến), điểm đến thịnh hành, điểm đến văn hóa, điểm đến ẩm thực, điểm đến thiên nhiên, điểm đến tuần trăng mật và điểm đến bền vững (hai hạng mục cuối là 2 hạng mục mới năm 2024).
Mỗi hạng mục Tripadvisor chọn ra 10 điểm đến được du khách toàn cầu đánh giá cao nhất (là thành phố, hòn đảo hay danh thắng), trong 70 điểm đến top 10 cho mỗi hạng mục thì Việt Nam có 8 điểm đến tốt nhất.
Trong đó Hà Nội là điểm đến số 1 về ẩm thực, số 4 về phổ biến; Vịnh Hạ Long là điểm đến số 2 về thiên nhiên, số 3 về thịnh hành; Hội An là điểm đến số 2 về trăng mật và số 10 về phổ biến; Sapa là điểm đến số 5 thế giới về thịnh hành, còn Huế là điểm đến số 8 thế giới về văn hóa.
Những nước có nhiều điểm đến tốt nhất tiếp theo là Hy Lạp (4 điểm đến), Italy, Anh, Thái Lan, Indonesia (cùng có 3 điểm đến), Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Mexico, Morocco, Tanzania, Mauritius (cùng có hai điểm đến).
Tôi không hiểu tại sao khá nhiều người Việt có cái nhìn quá tiêu cực về du lịch Việt Nam, rất nhiều người thường hay tin vào đánh giá của một vài du khách đơn lẻ (mà "tôi quen", "tôi gặp", "tôi chứng kiến") đã nói rằng "một đi không bao giờ trở lại", "bị chặt chém", "dịch vụ kém", "tàu du lịch bẩn"…
Vì sao chúng ta không căn cứ vào những bình chọn quốc tế, do hàng trăm triệu du khách là những người đã đến hầu hết những điểm đến mà chúng ta vẫn ca ngợi, vẫn mơ ước đến. Chẳng phải những du khách quốc tế ấy có cái nhìn tổng quan về các điểm đến trên thế giới hơn hay sao?
Tất nhiên sẽ có bạn đặt câu hỏi: vậy tại sao số du khách quốc tế đến Việt Nam vẫn ít hơn Thái Lan, Malaysia, Singapore, Italy, Hy Lạp, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Mỹ, Nhật Bản? Câu trả lời thì có rất nhiều nguyên nhân, chẳng hạn Việt Nam chưa chấp nhận những dịch vụ giải trí như Thái Lan và một số nước khác; chưa phải là thiên đường mua sắm như Singapore; chưa có nhiều điểm thăm quan lịch sử, kiến trúc, điêu khắc, hội họa như Hy Lạp, Italy, Pháp, Tây Ban Nha, Anh…
Hoặc có thể do số đường bay quốc tế đến Việt Nam còn ít, giá vé máy bay còn cao; thủ tục visa còn phiền toái, đặc biệt là miễn visa du lịch cho du khách…
Theo tôi, những vấn đề về miễn visa nhập cảnh; không phải là sân bay trung chuyển của khu vực, số đường bay quốc tế ít và giá vé máy bay cao; dịch vụ vui chơi giải trí chưa thoáng, chưa đáp ứng nhu cầu của số lớn du khách, dịch vụ mua sắm ít, dịch vụ du lịch chữa bệnh mới ở giai đoạn sơ khai... là nguyên nhân chính yếu chứ không phải do "chặt chém", do thái độ "không tươi cười khi đón khách", do "dịch vụ kém" như nhiều người vẫn thổi phồng lên quá mức (nếu không thì không thể có kết quả bình chọn của hàng trăm triệu du khách trên Tripadvisor như đã công bố).
Vì sao chúng ta cần nhìn nhận đúng vấn đề về du lịch Việt Nam? Đơn giản vì "bị bệnh" mà chẩn đoán sai thì làm sao chữa đúng bệnh được?
Tôi cho rằng vấn đề chính của ngành du lịch Việt Nam là thiếu chiến lược du lịch quốc gia. Chúng ta thiếu sự liên kết và thống nhất giữa các bộ, ngành và các tổ chức liên quan đến việc thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam, thu hút khách du lịch nội địa.
Chúng ta đặt hết gánh nặng và trách nhiệm lên ngành du lịch, trong khi đó vấn đề thị thực và visa thuộc quyền của bộ ngành khác; giá vé máy bay và các đường bay thuộc ngành Giao thông và các hãng hàng không; dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi, giải trí và danh thắng do các doanh nghiệp, người dân và chính quyền sở tại.
Đơn cử một vấn đề, vé máy bay đắt quá, đắt hơn các nước khác, người dân không dám đi du lịch bằng đường hàng không, dẫn đến các khách sạn, nhà hàng ở các điểm du lịch ít khách, doanh thu thấp. Nghĩa là ngành này gây hại cho ngành kia. Số bay sang các nước lân cận không nhiều bằng số không đi du lịch.
Chừng nào mỗi một ngành chỉ tính toán cục bộ lợi ích của ngành mình, doanh nghiệp mình mà không có sự liên kết, chia sẻ quyền lợi lẫn nhau cũng như lợi ích tổng thể của quốc gia thì chừng đó du lịch khó cất cánh.
Chúng ta cần một kiến trúc sư trưởng thiết kế ra chiến lược du lịch của quốc gia. Trong đó có vấn đề thị thực, visa cho du khách quốc tế, có các tuyến bay, tần suất bay, giá vé máy bay, có sự liên kết giữa các hãng hàng không, khách sạn, cơ sở lưu trú, nhà hàng, cơ sở ăn uống, có quy định (khuyến khích hay hạn chế) các dịch vụ vui chơi giải trí gì, nhà nước cần hỗ trợ các ngành kinh tế nào (ví dụ có thể hỗ trợ các hãng hàng không trên một số tuyến bay, nhà nước sẽ lấy từ tiền thu thuế của những dịch vụ du lịch khác để hỗ trợ chẳng hạn).
Một mùa hè nữa đang đến, hy vọng "điểm đến hấp dẫn nhất" sẽ dần nằm trong nhóm nước thu hút nhiều du khách nhất.
Tác giả: Ông Đỗ Cao Bảo là cử nhân Toán điều khiển, Học viện kỹ thuật quân sự; từng làm việc tại Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu và Viện Khoa học Việt Nam. Ông Bảo là một trong những thành viên sáng lập Tập đoàn FPT, hiện là Ủy viên HĐQT Công ty Cổ phần FPT.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!