Tâm điểm
Nguyễn Nam Cường

Du lịch Việt Nam: Đừng "ngủ" khi du khách còn "thức"

"Ở Việt Nam, không có nhiều cơ hội để tiêu hết số tiền mang đi du lịch", Kim - bạn tôi, nhân viên một công ty có trụ sở ở Seoul (Hàn Quốc), chia sẻ sau chuyến du lịch Phú Quốc. Kim giải thích thêm, lý do anh chọn Việt Nam, một trong số các nước Đông Nam Á để du lịch vì muốn được trải nghiệm cuộc sống đa sắc màu, nhất là những hoạt động về đêm khi thời tiết không còn nắng nóng và anh có thể ra ngoài trời thoải mái hơn. Nhưng có vẻ như Kim đã thất vọng.

Kim nói đùa, những người Hàn như anh dù có nhiều tiền cũng chẳng biết tiêu xài như thế nào ở Seoul vì nhịp sống quá nhanh, quá công nghiệp, nên đã chọn Việt Nam du lịch để có dịp tiêu tiền như một cách xả stress, thế nhưng "thực tế không như mong muốn".

Du lịch Việt Nam: Đừng ngủ khi du khách còn thức - 1

Phố đêm Tạ Hiện, Hà Nội thường đông đúc khách Tây (Ảnh: Toàn Vũ).

Trải nghiệm của Kim cũng là điều mà nhiều du khách khác, cả nước ngoài và trong nước, gặp phải. Các hoạt động du lịch về đêm ở Việt Nam thường tẻ nhạt và trùng lặp giữa các đô thị. Đâu cũng thế, vài quán cà phê, quán bar sáng đèn, vài quán nhậu hải sản do người dân tự mở cho khách có nhu cầu, khu chợ đêm chưa đến 23h đã rục rịch đóng cửa… Và đi đâu cũng dễ dàng gặp cảnh người dân địa phương đi ngủ sớm hơn du khách.

Nhớ lại năm 2015, tôi cùng 165 thành viên từ nhiều quốc gia khác nhau được mời sang Colombia trải nghiệm du lịch, sau nhiều năm đất nước này đánh mất niềm tin với du khách vì khủng hoảng an ninh. Trước khi đi, tôi được nhiều người thân căn dặn đừng ra đường ở Colombia vào ban đêm vì sẽ không an toàn ở một đất nước thường xuyên xảy ra cướp bóc.

Thực tế, trong 6 tháng ở Colombia, tôi không hề gặp bất cứ vấn đề an ninh nào và trải nghiệm hoạt động du lịch ban đêm của quốc gia này thì rất ấn tượng.  

Nói đến "kinh tế đêm", nhiều người thường nghĩ tới các hoạt động dịch vụ, giải trí tập trung bên trong các thành phố lớn. Nhưng thành công du lịch về đêm của Colombia nằm ở cách làm đồng bộ và sáng tạo, mở rộng ra ngoài khu vực đô thị. Chính phủ Colombia đầu tư đồng bộ vào hạ tầng, nỗ lực tăng cường an ninh và khai thác rất bài bản các tài nguyên văn hóa bản địa, tài nguyên thiên nhiên đa dạng của đất nước để thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế.

Chẳng hạn như du khách đến Colombia được hòa mình vào cuộc sống của người da đỏ trong rừng sâu Amazon, nơi không điện, không đèn chiếu sáng. Thức thâu đêm trên những ngôi nhà sàn cạnh sông, trong ánh lửa bập bùng, lâu lâu chúng tôi lại nghe tiếng thú rừng ở phía xa xa. Sáng sớm, du khách được đi săn cá Piranha, loài cá nổi tiếng "khát máu" trong các bộ phim Hollywood. Những hoạt động này chỉ nghe giới thiệu đã thấy hấp dẫn với du khách, nhất là những người đến từ châu Âu, khiến họ sẵn sàng mở hầu bao.

Tại quê hương của tên trùm ma túy Escobar nổi tiếng một thời, Colombia cũng khai thác triệt để các yếu tố có thể xây dựng thành nội dung, sản phẩm du lịch. Những con phố xập xệ, nghèo nàn kết hợp với nghệ thuật Graffiti (tranh phun sơn), ban ngày là địa điểm chụp hình lưu niệm ấn tượng, ban đêm là không gian thể hiện cuộc sống sôi động của người dân địa phương qua các quán bar, vũ trường và sân khấu biểu diễn ngoài trời. Đây là nơi bạn thưởng thức vũ điệu nồng cháy của các vũ công, và bước chân của bạn sẽ nhún nhảy theo từ lúc nào không biết…

Các thành phố ở Colombia như Bogotá, Medellín, Cartagena… đều tràn đầy sức sống về đêm, không chỉ ở quán bar, nhà hàng, phim ảnh, âm nhạc mà còn là các sự kiện văn hóa được tổ chức liên tục.

Gần với chúng ta, Thái Lan đang tổ chức khá tốt kinh tế đêm. Các thành phố lớn như Bangkok, Pattaya, Phuket... đã đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển cơ sở hạ tầng và các hoạt động giải trí vào ban đêm, mang lại cho du khách nhiều lựa chọn và trải nghiệm đặc sắc.

Việt Nam không thiếu chất liệu để phát triển du lịch về đêm. Ví dụ gần đây, lễ hội sông nước TPHCM đã góp phần làm nổi bật nét đặc trưng của vùng sông nước và cảnh quan thành phố, trong đó nhiều hoạt động tuy không mới nhưng vẫn tạo điểm nhấn tốt như múa rối nước, nhạc nước, hình ảnh ánh sáng, pháo hoa và trình diễn drone (máy bay không người lái). Các tiết mục biểu diễn trên sông nước được chuẩn bị kỹ lưỡng với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ và nghệ nhân tài năng, đã tạo ấn tượng tích cực cho du khách trong và ngoài nước.

Đáng chú ý là đêm diễn "Chuyến tàu huyền thoại", vở đại nhạc kịch ngoài trời lần đầu tiên được tổ chức trên sông Sài Gòn, quy tụ hơn 1.000 diễn viên chuyên nghiệp và diễn viên quần chúng trình diễn, đã mang đến không gian trải nghiệm mới, qua đó du khách có thêm cơ hội khám phá vẻ đẹp về đêm của thành phố và hiểu hơn về lịch sử dân tộc.

Có thể kể thêm là Festival Huế 2024 cũng có một số chương trình, sản phẩm du lịch về đêm đầu tư bài bản, được du khách đánh giá cao.

Tuy nhiên, những điểm sáng trên còn ít ỏi và chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, trong khuôn khổ một lễ hội. Nhìn chung, dù kinh tế đêm đã được đem ra bàn thảo từ nhiều năm nay, đây vẫn là bức tranh dở dang với những gam màu rời rạc vì chính sách và sự đầu tư không đủ mạnh để tạo ra thay đổi.

Thử hình dung, những tinh hoa của văn hóa nước ta nếu được triển khai thành sản phẩm du lịch đồng bộ từ khâu quản lý đến chiến lược quảng bá, thì chắc hẳn Kim, bạn tôi, và các du khách khác sẽ không còn phải thở dài đi ngủ sớm khi du lịch ở Việt Nam. Như câu nói của Kim, Việt Nam muốn kiếm được tiền từ du khách thì đừng ngủ sớm khi du khách còn thức.

Tác giả: Nguyễn Nam Cường là giảng viên Đại học FPT, nghiên cứu sinh Địa lý Nhân văn tại Học viện Hàn Quốc học AKS (Hàn Quốc). Anh cũng là tác giả của nhiều loạt ký sự truyền hình về Hàn Quốc, Colombia và đồng bằng sông Cửu Long.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!