Kỹ sư AI: Lương "khủng" và hơn thế nữa
Nghề kỹ sư trí tuệ nhân tạo (AI Engineer) đang trở thành một trong những nghề nghiệp mới nổi và hấp dẫn. Nhiều hãng tin uy tín ở nước ngoài cho hay từ các công ty khởi nghiệp cho đến những tập đoàn công nghệ thông tin như Google, OpenAI (công ty sở hữu ChatGPT), Netflix (dịch vụ truyền dữ liệu video trên toàn cầu)… đang ra sức giành giật nhân tài trong lĩnh vực phần mềm, đặc biệt là kỹ sư AI.
Mức lương trung bình kỹ sư phần mềm trên dưới 200.000 USD mỗi năm, tuy nhiên những kỹ sư AI năng lực tốt có thể nhận lương từ 500.000 đến 800.000 USD mỗi năm. Thậm chí OpenAI mời chào các nhà khoa học AI của Google bằng gói thu nhập lên tới 10 triệu USD mỗi năm (lương, thu nhập ở đây bao gồm mức lương cơ bản, cổ phiếu và tiền thưởng).
Ở Việt Nam hiện nay, kỹ sư máy học (Machine Learning), kỹ sư AI… cũng là những vị trí được trả lương hậu hĩnh nhất trong ngành công nghệ thông tin, có thể vượt ngưỡng 500 triệu đồng mỗi năm.
Mức lương hấp dẫn và xu thế phát triển của nghề kỹ sư AI phần nào lý giải vì sao ngành khoa học máy tính ở các trường đại học đang có điểm đầu vào rất cao, đơn cử Đại học Bách khoa Hà Nội công bố điểm chuẩn năm 2023 là 29,42.
Vậy thì kỹ sư AI là gì? Hiểu một cách đơn giản thì kỹ sư AI là một chuyên gia tập trung vào phát triển, lập trình và huấn luyện các thuật toán cấu thành trí tuệ nhân tạo. Vai trò này bao gồm phát triển phần mềm, xử lý dữ liệu và phối hợp kỹ thuật giữa các nhóm.
Các kỹ sư AI thường làm việc trong các lĩnh vực như học máy, xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP), thị giác máy tính và các công nghệ khác liên quan đến AI. Họ cộng tác với các nhóm đa chức năng, tiến hành thử nghiệm và gỡ lỗi, đồng thời tham gia học hỏi liên tục để theo kịp những tiến bộ trong AI.
Với sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo, vai trò của một kỹ sư AI không chỉ dừng lại ở việc phát triển và lập trình các thuật toán AI, mà còn mở rộng ra nhiều phương diện khác của công nghệ và kỹ thuật.
Tuy cùng làm việc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, song có sự khác biệt giữa kỹ sư AI và nhà khoa học AI. Kỹ sư AI thường tập trung nhiều hơn vào ứng dụng thực tế và phát triển phần mềm, trong khi nhà khoa học AI thường nghiêng về nghiên cứu và lý thuyết.
Hiện nay để trở thành một kỹ sư AI, bạn cần nắm vững ngôn ngữ lập trình Python, nền tảng chính cho trí tuệ nhân tạo và học máy, thành thạo kỹ năng xử lý, làm sạch và biểu diễn dữ liệu. Bạn cũng cần hiểu biết về mạng thần kinh (Neural Network), về mô hình học sâu (Transformer) được thiết kế để phục vụ giải quyết nhiều bài toán trong xử lý ngôn ngữ và tiếng nói, ví dụ như bài toán dịch tự động, bài toán sinh ngôn ngữ, phân loại, nhận dạng thực thể, nhận dạng tiếng nói, chuyển văn bản thành tiếng nói…
Trong công ty công nghệ, kỹ sư AI sẽ là người xây dựng và triển khai các dự án trí tuệ nhân tạo, như chatbots, hệ thống đề xuất, hoặc ứng dụng phân loại hình ảnh. Bạn cũng có thể chọn một chuyên ngành AI để phát triển chuyên sâu, như AI trong y tế, AI trong tự động hóa, hoặc AI trong tài chính.
Các kỹ năng cơ bản để trở thành một kỹ sư AI bao gồm:
* Chuyên môn kỹ thuật sâu rộng trong các lĩnh vực liên quan đến AI;
* Kinh nghiệm thực tế qua các dự án và ứng dụng;
* Khả năng cập nhật liên tục các tiến bộ trong ngành;
* Kỹ năng làm việc nhóm và giao tiếp hiệu quả;
* Kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề;
* Nhận thức về các vấn đề đạo đức liên quan đến AI.
Ngành AI không chỉ mở ra cơ hội nghề nghiệp với mức thu nhập hấp dẫn mà còn tạo ra những thách thức và cơ hội học tập không ngừng. Đối với những bạn trẻ đam mê toán học và kỹ thuật, con đường trở thành một kỹ sư AI không chỉ là ước mơ mà còn là một lựa chọn nghề nghiệp thực tế và đầy hứa hẹn.
Với dân số trẻ, thông minh và nhạy bén với các xu hướng mới, rõ ràng Việt Nam có những lợi thế để đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đưa trí tuệ nhân tạo trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của đất nước. Nhìn ở góc độ thị trường lao động, muốn Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tương lai gần thì chúng ta phải có đội ngũ kỹ sư AI chất lượng cao. Nói một cách nôm na là Việt Nam phải có đội ngũ kỹ sư AI vừa nhiều vừa giỏi
Thực hiện chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã đề ra, chúng ta cần đẩy mạnh việc triển khai đại trà các chương trình phổ cập kỹ năng xây dựng dữ liệu, ứng dụng AI cho thanh thiếu niên; thúc đẩy các chương trình đào tạo chính quy trong nước cũng như hợp tác quốc tế về lĩnh vực này
Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các tập đoàn công nghệ trong nước đầu tư xây dựng viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo chất lượng cao về AI; đầu tư cho một số trường đại học triển khai đào tạo một số ngành đào tạo đại học, sau đại học về AI và khoa học dữ liệu.
Cơn sóng trí tuệ nhân tạo đang đến và chúng ta muốn là những người cưỡi sóng chứ không bị chìm dưới nước.
Tác giả: Ông Đào Trung Thành học Thạc sĩ an ninh mạng tại Học viện Quốc gia Viễn thông, Pháp; từng kinh qua nhiều vị trí kỹ thuật và quản lý như Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Khách hàng và Quản lý cước - VNPT TPHCM; Phó giám đốc Công ty Tin học Bưu điện (Netsoft); Giám đốc Công nghệ Thông tin (CIO) của Hệ thống Vinschool… Hiện ông Thành là chuyên gia tư vấn chiến lược công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!