Sống sót trong thời trí tuệ nhân tạo
Hàng ngày, chúng ta bị đập vào mắt những tin tức như trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay thế công nhân, thậm chí là giành giật việc làm của những nhân sự cao cấp. Và dù muốn hay không thì nhân loại cũng sẽ phải sống chung với trí tuệ nhân tạo.
Quả thực theo các chuyên gia trên thế giới đúc kết thì trong thập kỷ qua, AI đã đạt được những bước tiến đáng kể, vượt qua khả năng của con người trong các nhiệm vụ khác nhau như nhận dạng hình ảnh và giọng nói, thậm chí cả các bài kiểm tra học thuật và chuyên môn.
Những tiến bộ trong AI chủ yếu được thúc đẩy bởi ba yếu tố. Đầu tiên là tính toán với sức mạnh tăng theo cấp số nhân. Tiếp theo là dữ liệu. Các hệ thống AI dựa vào lượng dữ liệu khổng lồ để đào tạo và đưa ra dự đoán. Hệ thống AI càng có nhiều dữ liệu thì hiệu suất của nó càng tốt. Cuối cùng là thuật toán. Các nhà phát triển AI đã và đang tối ưu hóa thuật toán để tận dụng tối đa khả năng tính toán và dữ liệu có sẵn. Các thuật toán cải tiến có thể dẫn đến việc đào tạo AI hiệu quả hơn và hiệu suất tốt hơn.
Tiến bộ nhanh chóng của AI sẽ tiếp tục trong tương lai gần. Điều này là do sức mạnh tính toán ngày càng tăng, sử dụng dữ liệu chất lượng cao còn lại trên internet và đổi mới thuật toán liên tục. Thậm chí, đã có những lo ngại về khả năng lạm dụng AI trong các lĩnh vực quan trọng như an ninh mạng, công nghệ hạt nhân và sinh học.
Nếu AI tiếp tục phát triển với tốc độ hiện tại, một lo ngại đặt ra là nó dẫn đến viễn cảnh nhiều cá nhân đủ khả năng, điều kiện tiếp cận với kiến thức khoa học tiên tiến, vốn có thể bị lạm dụng trong các lĩnh vực khác nhau; còn đa số người khác bị bỏ lại phía sau vì không thể tiếp cận với kiến thức khoa học tiên tiến đó.
Với các thế hệ tương lai, bạn có hai lựa chọn, trở thành người sớm lên chuyến tàu công nghệ vĩ đại nhất lịch sử loài người, hoặc sớm gia nhập "tầng lớp vô dụng" - "useless class" theo cách gọi và dự báo của Yuval Harari, nhà sử học, tác giả các cuốn sách bán chạy "Sapiens: Lược sử loài người", "Homo Deus: Lược sử tương lai" và "21 bài học cho thế kỷ 21".
Sống sót như thế nào trong thời trí tuệ nhân tạo là câu hỏi chưa thể có câu trả lời đầy đủ lúc này. Nhưng ít nhất, chúng ta có thể đề ra những nguyên tắc và kỹ năng.
Thứ nhất, thích nghi vốn là kỹ năng sinh tồn từ nguyên thủy của tất cả các giống loài từ khai thiên lập địa. Không phải con mạnh nhất, nhanh nhất, khỏe nhất sống sót mà loài nào thích nghi nhanh nhất với hoàn cảnh sẽ tồn tại.
Và như thế nhu cầu nắm bắt "thực tiễn sinh động" là một yêu cầu cấp thiết mang tính sống còn. Quang cảnh xung quanh chúng ta, hay nói cách khác là môi trường sống, làm việc sẽ thay đổi khá nhanh khiến những kiến thức chúng ta có được để "sống, lao động và học tập" không đủ để bắt kịp thời đại và sinh tồn. Điều đó đòi hỏi phải học tập liên tục, học tập suốt đời.
Nếu bạn còn trẻ thì bạn không chỉ cần học liên tục mà cần học nhanh hơn những người khác. Đó là một lợi thế cạnh tranh trong thời buổi này.
Các ngành học và việc làm liên quan đến AI đang hấp dẫn hơn bao giờ hết. Ngành khoa học máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội là một ví dụ, đến cả thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp PTTH cũng còn trượt cơ mà. Trên thị trường lao động các nước phát triển, kỹ sư công nghệ giỏi giờ có giá không kém giới ca sĩ, diễn viên nổi tiếng. Netflix mới đây đã rao các vị trí lương 900.000 USD/năm, hay OpenAI (hãng sở hữu phần mềm ChatGPT) có vị trí lên đến 2 triệu USD.
Thứ hai, một vấn đề cơ bản nhưng cũng phải nhắc đến là sức khỏe. Chúng ta cần có sức khỏe để đón nhận những thay đổi lớn và diễn ra liên tục như sóng xô bờ.
Thay đổi là quy luật chung của thế giới bất chấp các mong muốn cưỡng lại nó. Tuy nhiên, đặc trưng của thời đại này là tốc độ công nghệ diễn ra quá nhanh, theo hàm mũ trong khi sự thích ứng của con người lại chỉ có thể tuyến tính. Do có khoảng cách giữa hai tốc độ và khoảng cách ngày càng rộng nên sẽ dẫn đến những áp lực đáng kể lên đời sống. Thế hệ chúng ta và con em chúng ta sẽ chứng kiến nhiều biến cố trong cuộc đời hơn những thế hệ trước đó.
Thứ ba, một vấn đề mỗi người trong chúng ta không quyết định được, nhưng có thể góp phần tác động, đó là chính sách khoa học công nghệ nói chung, chính sách với trí tuệ nhân tạo nói riêng. Một cộng đồng hiểu biết và trách nhiệm sẽ tác động tích cực lên chính sách, để hy vọng rằng nhân loại không trở thành "nô lệ" của AI.
Cuối cùng, thời đại AI không chỉ là một thách thức mà cũng là một cơ hội. Cơ hội để phát triển, để học hỏi, và để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình trong một thế giới ngày càng phức tạp. Vâng, sức mạnh của AI có thể tàn phá và hủy diệt, nhưng nó cũng có thể là một công cụ để giải quyết những vấn nạn của nhân loại từ biến đổi khí hậu đến y học. Điều quan trọng là chúng ta cần phải làm chủ công nghệ, chứ không để công nghệ làm chủ chúng ta.
Hãy nhớ rằng, con người có một điều mà AI chưa bao giờ có ở thời điểm hiện tại, đó là tình yêu, sự sáng tạo và ý thức. Điều này không chỉ giúp chúng ta sống sót mà còn cho phép chúng ta phát triển và thịnh vượng.
Vì vậy, trong bối cảnh AI và công nghệ phát triển nhanh chóng, hãy không ngừng tìm kiếm sự hiểu biết sâu sắc, phát triển kỹ năng và nuôi dưỡng tâm hồn - ba yếu tố quan trọng để không chỉ sống sót mà phát triển trong kỷ nguyên mới.
Đối mặt với sự không chắc chắn, chúng ta không cần phải đứng trên mép vực của tuyệt vọng, mà hãy xem đó là bước đệm để vươn lên cao hơn. Đó là lựa chọn của chúng ta.
Tác giả: Ông Đào Trung Thành học Thạc sĩ an ninh mạng tại Học viện Quốc gia Viễn thông, Pháp; từng kinh qua nhiều vị trí kỹ thuật và quản lý như Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Khách hàng và Quản lý cước - VNPT TPHCM; Phó giám đốc Công ty Tin học Bưu điện (Netsoft); Giám đốc Công nghệ Thông tin (CIO) của Hệ thống Vinschool… Hiện ông Thành là chuyên gia tư vấn chiến lược công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!