Bỗng dưng… xuất hiện trong clip nhạy cảm
Showbiz Việt mới đây xôn xao về câu chuyện một nữ ca sĩ trẻ bị tung ảnh nóng, clip nhạy cảm trên mạng xã hội. Ngay sau khi phát hiện sự việc, nữ ca sĩ đã lên tiếng đính chính và khẳng định những hình ảnh đó không phải của mình. Sự việc đang được cơ quan chức năng làm rõ.
Trong một diễn biến khác, nhiều bác sĩ đang kêu cứu vì bị ghép vào clip sex để tống tiền. Thủ đoạn tinh vi được đối tượng sử dụng là vào Facebook cá nhân của bác sĩ, đóng giả làm bệnh nhân và nhờ khám, tư vấn... Sau đó, các đối tượng gọi video nhờ tư vấn khám bệnh để lấy hình của bác sĩ, cắt ghép video thành clip sex, đe dọa tống tiền.
Những sự việc trên diễn ra trong bối cảnh hàng loạt ứng dụng generative AI (AI tạo sinh) có khả năng tạo ra văn bản, hình ảnh, video dựa trên dữ liệu đầu vào và các gợi ý của người dùng được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội.
Các ứng dụng này cho phép người dùng tạo nên những bức hình hoàn chỉnh từ một bộ phận cơ thể người. Ví dụ, người dùng chỉ cần tải lên dữ liệu đầu vào là bức ảnh chân dung của ai đó kèm theo một câu lệnh như "tạo một bức ảnh toàn thân trong trang phục học sinh", ngay lập tức ứng dụng sẽ giúp bạn tạo một bức ảnh theo yêu cầu.
Trong thời gian ngắn, các bức hình được tạo ra từ ứng dụng AI tạo sinh đã xuất hiện tràn lan trên mạng, nhiều trong số đó là hình ảnh các nhân vật nổi tiếng trong trang phục nhạy cảm, thậm chí là khỏa thân.
Một ứng dụng AI tạo sinh còn cho phép người dùng "cởi đồ" của nhân vật trong bức ảnh. Bạn chỉ cần đăng tải một bức ảnh bình thường và AI sẽ trả lại bức hình khỏa thân của nhân vật trong vài giây. Hồi tháng 9 vừa qua, vụ việc ảnh khỏa thân của hơn 20 nữ sinh lan truyền trên mạng tại Tây Ban Nha đã gây chấn động cộng đồng. Điều tra cho biết, những bức ảnh trên được xử lý hoàn toàn bởi AI.
Lần lại lịch sử của những vụ việc tương tự, các video và ảnh khỏa thân bằng công nghệ mô phỏng khuôn mặt, giọng nói con người (deepfake) đã xuất hiện trên mạng xã hội. Không ít người nổi tiếng đã trở thành nạn nhân cho những hình ảnh và video như vậy.
Tuy nhiên, deepfake không phải một công cụ đại chúng khi đòi hỏi những yếu tố kỹ thuật, cấu hình máy móc phù hợp. Sự xuất hiện của các phần mềm AI tạo sinh bên cạnh yếu tố tích cực là sự phát triển của công nghệ, đã dẫn đến một lo lắng là bất cứ ai cũng có thể dễ dàng tạo ra hình ảnh nhạy cảm của người khác. Có thể nói đây là mặt tối của AI tạo sinh.
Hàn Quốc đã từng rúng động vì những phòng chat đồi trụy khi hàng nghìn cho đến hàng chục nghìn nam thanh niên chia sẻ những hình ảnh khỏa thân của phụ nữ, trong đó có cả những nữ sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Những kẻ cầm đầu các phòng chat đó thường xuyên đe dọa nạn nhân, ép các cô gái làm theo ý muốn của họ nếu không muốn để lộ những bức ảnh nhạy cảm ra ngoài.
Không phải ai cũng ý thức được đâu là ảnh thật, đâu là ảnh tạo dựng bằng máy tính, nhất là với đối tượng trẻ em và trẻ vị thành niên khi mức độ hiểu biết của các em về hiểm họa từ công nghệ còn hạn chế. Các vụ trả thù bằng ảnh nóng luôn khiến dư luận phẫn nộ. Trong khi đó các phần mềm AI tạo sinh rất có thể được sử dụng để phạm tội.
Ở chiều ngược lại, các ứng dụng như vậy có thể thay đổi cả những quan điểm đạo đức truyền thống. Khi mạng xã hội tranh tối tranh sáng giữa những bức ảnh nóng tạo bằng AI và những bức ảnh khiêu dâm thực sự, người dùng Internet có thể nghĩ rằng "giờ có lộ ảnh nóng cũng không sao, vì AI đã khiến việc một bức ảnh nóng tràn lan trên mạng quá dễ dàng".
Chúng ta có lý do chính đáng để quan ngại về một tương lai khi xã hội "bình thường hóa" việc phát tán ảnh nóng hay sự tràn lan của văn hóa phẩm đồi trụy.
Câu chuyện về hình ảnh khiêu dâm chỉ là một phần của tảng băng chìm AI tạo sinh. Những rủi ro về tin giả, tin sai sự thật, rò rỉ thông tin, sử dụng AI để tấn công cá nhân, gia tăng các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng, những vi phạm về vấn đề bản quyền và sở hữu trí tuệ cũng xuất hiện ngày càng nhiều.
Người dùng Internet có thể vô tình hay hữu ý tiếp nhận tin giả, thông tin sai sự thật từ AI, nhất là khi việc sử dụng các phần mềm như ChatGPT đang ngày càng trở nên phổ biến. Tôi nhập một lệnh vào ChatGPT với nội dung, "Bạn đã bao giờ cung cấp thông tin không chính xác (false information) chưa? Câu trả lời tôi nhận được là:
"Tôi không chủ động đưa đến thông tin không chính xác. Tuy nhiên, không phải lúc nào tôi cũng đúng và lỗi có thể xảy ra. Câu trả lời của tôi được đưa ra dựa trên những mô hình và thông tin hiện hành trong kho dữ liệu tôi được huấn luyện. Cập nhật thông tin mới nhất của tôi hiện nay là tới tháng 1/2022."
Hiện tại tôi đang sử dụng phiên bản ChatGPT 3.5. Nhiều người nói rằng phiên bản ChatGPT 4.0 đã được cập nhật dữ liệu mới hơn. Tuy nhiên, có bao nhiêu người nhận biết được mình đang sử dụng phiên bản nào và mức độ quan tâm tới thông tin chính xác từ những câu trả lời được đưa ra bởi ChatGPT ra sao?
Theo Lawrence Lessig, GS đại học Yale (Mỹ), không gian mạng có thể được kiểm soát và chi phối bởi 4 yếu tố chính bao gồm: Luật pháp, thị trường, công nghệ, những quy phạm và tiêu chuẩn. Bao trùm lên các yếu tố này là những tiêu chuẩn về đạo đức.
Tương tự như những vấn đề khác trên Internet, cơ quan chức năng cần có hành lang pháp lý phù hợp để quản lý AI tạo sinh. Các tập đoàn công nghệ cần phát triển thuật toán để loại bỏ những phát sinh liên quan đến vấn đề đạo đức trong kỷ nguyên số.
Điểm khó ở đây là công nghệ phát triển rất nhanh, trong khi để các nhà làm chính sách, các công ty công nghệ đưa ra được quy định hay giải pháp nào đó thì cần nhiều thời gian. Các quy định có thể bị lạc hậu rất nhanh và chúng ta không hề biết những điều gì mới đang chờ đón con người.
Khi nhìn thấy vấn đề phát sinh, sẽ có hai luồng ý kiến là ngăn chặn sự phát triển của loại công nghệ đó hoặc tìm cách kiểm soát nó, phát huy mặt tích cực trong khi loại trừ những yếu tố tiêu cực.
Với xu thế hiện nay thì chúng ta sẽ không thể nào cản trở tiến trình phát triển của công nghệ AI tạo sinh, nhưng ít nhất hiểu được cách công nghệ vận hành, những mặt tích cực và tiêu cực của công nghệ mới mang lại là điều cần thiết.
Lúc này biết dùng một công cụ AI là chưa đủ, người dùng nên tìm hiểu sâu hơn về nó để có thể làm chủ công nghệ chứ không phải là ngược lại. Thái độ của mỗi người trong chúng ta với những ồn ào liên quan đến hình ảnh nhạy cảm của ai đó, dù có phải do AI tạo ra hay không, sẽ phần nào quyết định thái độ của cộng đồng đối với sự việc cũng như đối với xu hướng phát triển của công nghệ.
Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!