Kiểm định khí thải xe máy: Bao giờ và như thế nào?
Luật Trật tự và an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội thông qua hồi tháng 6, có hiệu lực từ 1/1/2025, quy định việc kiểm định khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy.
Theo giải thích của Cục Đăng kiểm Việt Nam thì tuy Luật có hiệu lực từ đầu năm 2025, song việc kiểm định khí thải đối với xe máy sẽ chưa thực hiện ngay vào đầu năm tới mà chờ Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp.
Lộ trình áp dụng này sẽ do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng Bộ Giao thông Vận tải xây dựng, trình lãnh đạo Chính phủ ban hành.
"Các cơ quan nghiên cứu sẽ xem xét ban hành các quy định phù hợp với thực tế. Ví dụ, các xe mới sẽ chưa thực hiện kiểm định khí thải ngay, mà sau 2-3 năm mới phải kiểm định. Các xe qua sử dụng sẽ có tính toán cụ thể, chi tiết", lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin.
Như vậy việc kiểm định khí thải xe máy là chủ trương sẽ thực hiện, còn bao giờ thực hiện và thực hiện như thế nào sẽ do các bộ liên quan nghiên cứu, tham mưu lãnh đạo Chính phủ các vấn đề cụ thể.
Trước hết, có thể nói việc đưa vào Luật quy định bắt buộc kiểm định khí thải tất cả các loại xe máy là hết sức cần thiết và theo tôi là không nên trì hoãn thêm nữa. Bởi vấn đề môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí ở ta đã đến mức rất nghiêm trọng, nhất là ở thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn, đông dân cư.
Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016, khí thải từ xe cơ giới ở nước ta là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường, trong đó xe máy là nguồn phát thải khí ô nhiễm lớn nhất. Tổng số xe máy đăng ký trong cả nước đã vượt 70 triệu xe, trong đó số thường xuyên lưu hành trên 45 triệu. Sự ngột ngạt khó thở tại các đường phố nườm nượp xe máy các loại, trong đó có cả những xe đã cũ nát, xộc xệch đi đến đâu cũng để lại một luồng khói đen đặc, đã trở nên chuyện thường ngày trên đường phố các đô thị lớn.
Cũng chính vì có quá nhiều xe máy lưu hành như vậy, việc triển khai một quy định mới và liên quan đến gần như mọi gia đình và đa số người dân trong cả nước là một công việc cực kỳ lớn, đòi hỏi có sự chuẩn bị kỹ càng không chỉ về kỹ thuật, phương tiện, con người mà còn cả về tâm lý, tư tưởng. Có như thế mới tạo sự đồng thuận khi chính sách đi vào cuộc sống.
Một số vấn đề nhiều người dân quan tâm bao gồm (i) ngưỡng khí thải cụ thể từ mức nào trở lên thì xe máy phải xử lý; và (ii) những loại xe máy cũ/mới như thế nào thì bắt buộc phải kiểm định ngay.
Về ngưỡng khí thải, yêu cầu đặt ra là vừa đáp ứng được mục tiêu giảm ô nhiễm, bảo vệ môi trường, vừa phù hợp với tình hình thực tế xe máy đang là phương tiện giao thông phổ biến nhất của người Việt, và khả năng có hạn của người dân khi phải chuyển sang các phương tiện xả thải ít gây ô nhiễm hơn.
Về các loại xe máy cần kiểm định, ý kiến chuyên gia nhìn chung chưa thống nhất là nên bắt đầu với những xe có tuổi từ 10 năm hay chỉ 5 năm trở lên và miễn không kiểm định đối với tất cả những xe máy có tuổi dưới 5 năm hay 3 năm.
Thực ra, cách xác định theo số năm đã sử dụng cũng chưa thật chính xác. Bản thân tôi sau khi kết thúc nhiệm kỳ công tác ở London (Anh) về nước cuối năm 2001, tôi đã mua 1 chiếc Honda Dream II với mục đích để đi làm và sinh hoạt, nhưng thực tế tôi dùng rất ít vì chủ yếu đi bằng ôtô cá nhân. Đến khi tôi đi công tác nhiệm kỳ tiếp theo ở Stockholm (Thụy Điển) cuối năm 2008, chiếc xe máy đó lại được "nằm kho" gần 4 năm trời. Rồi đến khi nghỉ hưu cách nay đã 6 năm, họa hoằn lắm tôi mới lấy xe ra dùng, chủ yếu là cho các quãng đường ngắn và chỉ khi thời tiết đẹp. Chính vì thế, đến nay "tuổi" tuy đã lên đến gần 1/4 thế kỷ, chiếc Dream II của tôi trông vẫn rất mới, bóng đẹp và chưa hề xả khí đen có thể gây ô nhiễm môi trường.
Tôi nghĩ trong xã hội cũng còn rất nhiều trường hợp như chiếc Dream II của tôi, dù tuổi theo đăng ký đã khá cao, nhưng độ xả thải rất có thể vẫn thấp hơn ngưỡng bắt buộc phải xử lý. Ngược lại, rất nhiều xe máy tuy tuổi sử dụng chưa cao nhưng do chạy nhiều và không được bảo dưỡng chu đáo, mức xả thải gây ô nhiễm hẳn sẽ cao hơn. Vậy nên chăng ngoài "độ tuổi" của xe, thì nên tính đến cả số km đã chạy?
Liên quan trực tiếp đến 2 nội dung trên là thời hạn của "Giấy chứng nhận kiểm định". Trong luật không quy định cụ thể, nhưng đây cũng là một chi tiết rất quan trọng bởi tác động của nó đến môi trường cũng như ảnh hưởng đối với cả tài chính lẫn sự tiện lợi của chủ xe sẽ rất khác nhau nếu thời hạn là một năm, hai năm hay dài hơn. Do vậy, đây cũng là điều cần được tính toán kỹ trước khi có quyết định cuối cùng về thời hạn giá trị của mỗi lần kiểm định.
Tiếp theo, ít nhất là còn 2 vấn đề liên quan để Luật được thực thi suôn sẻ và hiệu quả. Thứ nhất, như đã nêu trong Luật, việc kiểm định phải do các "đăng kiểm viên tại các cơ sở đăng kiểm thực hiện", trong khi hiện tại ta mới có rất ít cơ sở chuyên kiểm định xe máy.
Việc kiểm định khí thải xe máy tuy đơn giản và nhanh chóng hơn nhiều đăng kiểm ôtô nên có thể tính đến phương án sử dụng các trạm đăng kiểm ôtô hiện có để kiêm thêm việc kiểm định khí thải xe máy. Tuy nhiên, trong khi các trạm đăng kiểm ôtô đang quá tải, việc kiêm thêm kiểm định khí thải của hàng chục xe máy liệu có khả thi.
Vấn đề thứ hai liên quan đến tài chính mà cụ thể là giá mỗi lần kiểm định và những chi phí sửa chữa, cải tạo để xe đáp ứng được tiêu chuẩn khí thải khi lưu hành. Theo một đề xuất của ngành Giao thông được công bố trên báo chí hồi tháng 7/2023,xe máy đang lưu hành phải kiểm định về phát thải khí thải mỗi năm một lần và mức phí có thể là 35.000 đồng. Mức phí này có lẽ là hợp lý, chấp nhận được với đa số người dân, vì vậy không nên đưa ra các mức phí cao hơn.
Với cách tiếp cận như trên, tôi xin đề xuất một số vấn đề cụ thể sau:
(1) Các bộ liên quan hoàn thành sớm nhất dự thảo quy định cụ thể về trình tự, thủ tục kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở vật chất kỹ thuật và cơ sở kiểm định khí thải xe máy như đã ghi rõ trong Luật, và công bố lấy ý kiến người dân trước khi trình lãnh đạo Chính phủ xem xét, ban hành.
(2) Vì kiểm định khí thải xe máy ở nước ta là việc làm chưa từng có, đối tượng phải kiểm định lại là rất lớn và đa dạng, trong khi mạng lưới cơ sở kiểm định xe máy hầu như chưa có và kiểm định viên lại đang thiếu trầm trọng, do đó cơ quan chủ quản cần sớm có kế hoạch tổng thể và lộ trình thực hiện đầy đủ, rõ ràng.
Trong giai đoạn đầu tiên, nên chăng chỉ làm thí điểm với loại xe đã sử dụng rất nhiều năm, rất cũ nát và xả toàn khói đen… tại 3 thành phố có nhiều xe máy đang lưu hành nhất, có điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và con người đầy đủ và sẵn sàng hơn cả là Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. Từ thực tế triển khai kiểm định ở các thành phố này, ngành Giao thông sẽ rút kinh nghiệm toàn diện trước khi tiến hành đại trà ra tất cả các tỉnh, thành, địa phương còn lại.
(3) Song song với những quy định bắt buộc trên, cần xây dựng một hệ thống chế tài hợp lý nhưng phải đủ mạnh để đảm bảo những xe máy thuộc diện kiểm định sẽ phải đi kiểm định và những xe không thể sửa chữa, cải tạo được để tiếp tục được lưu hành sẽ phải bị loại khỏi hệ thống giao thông. Đồng thời, cần đưa ra các biện pháp hỗ trợ thiết thực cho người dân, trước hết là ở vùng sâu, vùng xa và có hoàn cảnh khó khăn, để giúp họ có thể dễ dàng, thuận lợi hơn trong đổi/mua xe máy mới sau khi xe máy cũ không được tiếp tục lưu hành.
(4) Cần sớm mở một đợt tuyên truyền sâu rộng và liên tục tới tận từng người dân để làm cho ai cũng biết, hiểu đúng và đủ về việc kiểm định khí thải bắt buộc này, từ đó tích cực ủng hộ chủ trương đã được Luật hóa. Như vậy, nếu triển khai tốt, cuối cùng bên được hưởng lợi cũng chính là người dân. Bởi với một chi phí hợp lý, vừa phải và cùng chấp nhận được, khí thải từ hàng triệu xe máy đang lưu hành trên mọi miền đất nước sẽ giảm đi, chất lượng không khí nói riêng và môi trường sống nói chung sẽ được cải thiện. Khi đó, người dân ở đâu cũng sẽ được hít thở bầu không khí trong lành hơn, điều chúng ta đều mong mỏi.
Tác giả: Ông Ngô Tiến Long là nhà ngoại giao đã nghỉ hưu; nguyên là Cục trưởng Cục Cơ yếu Bộ Ngoại giao. Ông cũng từng là Phó Tổng Biên tập báo Quốc tế (nay là Báo Thế giới & Việt Nam).
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!