Tâm điểm
Đinh Văn Minh

Không để người đấu tranh chống tham nhũng đơn độc

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Đây là cuộc đấu tranh hết sức cam go, quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và đặc biệt là cần có sự tham gia tích cực của quần chúng nhân dân.

Nói về chống tham ô, lãng phí, quan liêu, Bác Hồ từng khẳng định "Quần chúng tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ, mau chóng".

Những năm qua nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được đưa ra ánh sáng và xử lý nghiêm minh từ sự phát hiện của quần chúng nhân dân, nhưng cũng không phải không có trường hợp người phản ánh tố giác gặp khó khăn, thậm chí bị trả thù, trù dập dưới những hình thức khác nhau, từ tinh vi đến thô bạo của những kẻ vi phạm.

Không để người đấu tranh chống tham nhũng đơn độc - 1

Người dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng phải được ủng hộ của xã hội và phải được bảo vệ từ phía các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm (Ảnh minh họa: CV)

Mặc dù pháp luật tố cáo đã có những quy định về bảo vệ người tố cáo hoặc bảo vệ nhân chứng nói chung trong tố tụng hình sự, tuy nhiên trên thực tế một số trường hợp người phản ánh tố giác gặp khó khăn hoặc bị trả thù, trù dập đã làm giảm đi nhiệt huyết của những người có thể biết những hành vi xấu xa, tội lỗi nhưng vì lo sợ mà không dám lên tiếng. Để khắc phục tình trạng này, vừa qua, Bộ Chính trị ban hành Quy định 231-QĐ/TW về bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Điều này thể hiện vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, đề cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong công tác này.

Thực tiễn cho thấy, để đấu tranh chống lại các biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của người có chức vụ, quyền hạn trong việc thi hành công vụ, nhiệm vụ mang tính quyền lực nhà nước cũng như mọi hành vi vi phạm pháp luật khác đòi hỏi người đấu tranh phải thực sự gan dạ, dũng cảm đương đầu với những khó khăn, thách thức trong việc tiếp cận, cung cấp chứng cứ và trách nhiệm pháp lý (hành chính, hình sự và dân sự); trong việc chịu đựng sự nhìn nhận tiêu cực, những áp lực từ dư luận xã hội, những người xung quanh và ngay cả từ phía bạn bè, đồng nghiệp, người thân, bởi vì rất có thể họ đấu tranh với hành vi sai trái đã mang lại lợi ích cho chính những người đó.

Vụ việc chị Nguyệt ở bệnh viện Đa khoa Hoài Đức đấu tranh với hành vi "nhân bản kết quả xét nghiệm" là một ví dụ điển hình. Một việc làm cao đẹp, dũng cảm được Nhà nước khen thưởng. Nhưng, con người dũng cảm đó đã phải chịu đựng biết bao sức ép của lãnh đạo, sự đay nghiến của đồng nghiệp, sự xa lánh của bạn bè.

Hơn thế nữa người đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí còn gặp phải rủi ro rất lớn, có thể bị trù dập, cô lập và trả thù của những kẻ vi phạm. Nếu là công nhân, họ có thể bị sa thải, là công chức họ sẽ bị phân công những công việc không đúng chuyên môn, thậm chí "ngồi chơi xơi nước", nặng hơn nữa có thể bị tẩy chay, chịu những hình thức kỷ luật vô lý. Kẻ vi phạm cũng sẵn sàng thuê mướn những phần tử xã hội đen đe dọa, dằn mặt, phá hoại tài sản, thậm chí tấn công gây nguy hiểm đến tính mạng của người đấu tranh và những người thân của họ.

Điều này cần được chấm dứt, người dũng cảm đấu tranh phải được ủng hộ của xã hội và phải được bảo vệ từ phía các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm, không thể chấp nhận một thực tế đắng cay: "trên đảo gù thì người thẳng lưng là dị dạng"!

Quy định 231 đã đưa ra những quy định về nguyên tắc, nội dung bảo vệ, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng trong việc bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; quyền và trách nhiệm của người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; việc khen thưởng, xử lý vi phạm.

Đối tượng được bảo vệ không chỉ là cá nhân người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực mà còn bao gồm cả người thân của họ. Nội dung bảo vệ cũng rất toàn diện từ bí mật danh tính và các thông tin cá nhân khác; tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, vị trí công tác, việc làm; quyền và lợi ích hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Quy định đã nêu rõ những hành vi cụ thể của việc trả thù, trù dập người đấu tranh để giúp cho các cơ quan nhà nước có cơ sở để xử lý nghiêm khắc những hành vi vi phạm, bảo đảm sự an toàn cho những người đã dũng cảm đấu tranh. Đồng thời cũng nghiêm cấm việc lợi dụng việc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để vu khống cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Có thể nói Quy định 231 thể hiện sự cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với việc đề cao trách nhiệm của cấp ủy đảng các cấp và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tinh thần chung của chỉ thị là: Chủ động phòng ngừa, phát hiện, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi đe dọa, trả thù, trù dập người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và người lợi dụng đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để tố cáo, tố giác xuyên tạc sự thật, vu khống, gây rối nội bộ.

Quy định 231 được ban hành là sự cổ vũ, khích lệ rất kịp thời để phát huy vai trò to lớn của quần chúng Nhân dân trong cuộc đấu tranh chống những thứ giặc nội xâm vô cùng nguy hiểm, cản trở, phá hoại sự nghiệp phát triển của đất nước.

Tác giả: TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) là cán bộ đã có hơn 34 năm công tác trong ngành Thanh tra; trong đó 16 năm làm công tác nghiên cứu khoa học, từng giữ chức Viện trưởng Viện chiến lược và khoa học thanh tra; thời gian còn lại ông gắn bó với công tác pháp chế, tham gia quá trình soạn thảo Luật Phòng chống tham nhũng và các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!