Tâm điểm
Đinh Văn Minh

"Tham nhũng như hạt ngô, lãng phí như bắp ngô"

Với những vụ việc tham ô, nhận hối lộ "triệu đô" trong các vụ án lớn được xử lý những năm qua thì mới hình dung cái "bắp ngô" nó khủng khiếp và tệ hại đến mức nào cho nhân dân và đất nước.

Xin không nhắc lại những số liệu về sự lãng phí để thêm xót xa, đau lòng trong các báo cáo chính thức, chỉ cần quan sát xung quanh có thể dễ dàng nhận thấy rất nhiều tiền bạc của cải, ngân sách của nhà nước, tài nguyên thiên nhiên và biết bao nguồn lực quý giá khác, mồ hôi nước mắt của người dân và doanh nghiệp bị sử dụng một cách vô tội vạ.

Hồ Chủ tịch từng khẳng định "Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ" và luôn coi việc chống tham ô, lãng phí là công việc của Đảng, Chính phủ và toàn thể nhân dân.

Lãng phí do đâu? Có thể kể ra đây những nguyên nhân chính của tệ lãng phí.

Tham nhũng như hạt ngô, lãng phí như bắp ngô - 1

Nếu như tham nhũng là "lấy" thì lãng phí là "phá", thậm chí "phá" để "lấy" với những hậu quả tai hại hơn nhiều lần (Ảnh minh họa: CV)

Một là do trình độ quản lý. Lãng phí đơn giản là việc làm không hiệu quả, khi chi phí, công sức bỏ ra nhiều nhưng kết quả thu về thấp. Điều này trước hết là do năng lực trình độ quản lý, những quy hoạch, kế hoạch thiếu cơ sở khoa học thiếu tầm nhìn sẽ dẫn đến việc điều chỉnh thường xuyên và kéo theo đó là hàng loạt công trình, đường xá phải thay đổi, điều chỉnh hoặc bỏ đi.

Việc "tách ra, nhập vào" hay điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy nếu thiếu cân nhắc có thể dẫn đến sự bất ổn trong tổ chức, con người và trụ sở, ảnh hưởng đến hiệu suất của việc thực thi công vụ trước yêu cầu ngày càng tăng của nền hành chính phục vụ.

Những thủ tục hành chính rườm rà bất hợp lý kéo theo chi phí thời gian, tiền bạc thậm chí cả cơ hội phát triển và làm nản lòng các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Chính sách, pháp luật đất đai và quá trình thực thi pháp luật trong lĩnh vực này thực sự đã bộc lộ quá nhiều bất cập, lỗ hổng gây ra tình trạng lãng phí khủng khiếp: những dự án treo, những khu đất vàng đất bạc bị bỏ hoang hàng chục năm. Tình trạng sốt đất, đầu cơ bất động sản… dẫn đến giá nhà đất tăng chóng mặt, nhiều khu đất căn hộ bỏ hoang trong khi người lao động chân chính vật vã để có một nơi ở ổn định. Điều đó một phần quan trọng là do chính sách đất đai và chính sách thuế bất hợp lý.

Trong lĩnh vực đào tạo là tình trạng bằng cấp tràn lan, thừa thầy thiếu thợ, học một đằng làm một nẻo, cử nhân, thạc sĩ làm xe ôm công nghệ… không còn là chuyện hiếm.v.v..

Thứ hai, lãng phí từ sự vô trách nhiệm của không ít cán bộ, công chức nhà nước trong quá trình quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công.

Lãng phí từ việc sử dụng xe công đến việc sửa chữa, mua sắm, chi tiêu theo cách "dùng của chùa" rồi sự vô cảm "cha chung không ai khóc" không biết xót xa trước sự mất mát tiền bạc của nhân dân đến việc sử dụng điện, nước vô tội vạ, kể cả việc tổ chức họp hành, hội nghị, hội thảo phô trương, hình thức mà nội dung nghèo nàn, không thiết thực, hiệu quả.

Ngoài ra lãng phí trong tiêu dùng xã hội từ thói sĩ diện, đầu óc tiểu nông, đua chen xa xỉ theo kiểu "con gà tức nhau tiếng gáy" mà không phải xuất phát từ những nhu cầu thiết thực trong cuộc sống.

Thứ ba, lãng phí do tham nhũng. Trên thực tế rất nhiều tài sản bị thất thoát, kinh tế tổn hại xuất phát từ mục đích vụ lợi, tham nhũng. Tham nhũng gắn bó chặt chẽ với lãng phí, nhiều khi không thể tách bạch. Không ít trường hợp vì lợi ích nhỏ, những món hoa hồng được hưởng lợi (tham nhũng) mà vẽ vời, quyết định thực hiện những công trình, dự án, đề tài tiền tỷ dù biết trước không hiệu quả.

Việc rút ruột đường sá, cầu cống (tham nhũng) dẫn đến chất lượng không bảo đảm và những chi phí gấp nhiều lần khi phải khắc phục, sửa chữa. Thậm chí, không ít trường hợp sự mất mát tài sản thực chất là do hành vi chiếm đoạt, tham nhũng nhưng do những khó khăn của việc chứng minh yếu tố chiếm đoạt, vụ lợi, không tìm ra được số tiền "đút túi" nên kẻ vi phạm chỉ bị truy cứu về hành vi "Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp" theo Điều 179 Bộ luật Hình sự với hình phạt nhẹ hơn khá nhiều và đương nhiên là số tiền kẻ vi phạm đút túi sẽ không thể bị thu hồi, tịch thu.

Có thể nói nếu như tham nhũng là "lấy" thì lãng phí là "phá", thậm chí "phá" để "lấy" với những hậu quả tai hại hơn nhiều lần. Phải bỏ ngay suy nghĩ tham nhũng mới là có tội còn lãng phí thì không. Cần phải thấy rõ vấn đề này để có thái độ kiên quyết, mạnh mẽ như chúng ta đã và đang xử lý tham nhũng.

Trong bài viết mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh "cần thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống "giặc nội xâm" đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…"

Hồ Chủ tịch đã từng chỉ rõ "Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn: Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến...".

Tham nhũng còn có cơ hội thu hồi được nếu chúng ta kiên quyết thực hiện triệt để các biện pháp, giải pháp đã chỉ ra trong Chỉ thị số 04 của Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế. Thực tế xử lý các vụ án vừa qua cho chúng ta thấy rõ điều này. Trong khi tiền bạc, tài sản bị mất mát do lãng phí thì hầu như không có cơ hội khắc phục.

Đã đến lúc chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa tinh thần thực hành tiết kiệm trong các cơ quan, tổ chức và từng cá nhân trong đội ngũ cán bộ, công chức cũng như ngoài xã hội. Đồng thời kiên quyết, mạnh mẽ phòng, chống lãng phí để bảo vệ, tài sản, tài nguyên đất nước, tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới với những định hướng và giải pháp đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ trong bài viết mới đây mà các cấp ủy, chính quyền cùng toàn thể nhân dân cần quán triệt và triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Tác giả: TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) là cán bộ đã có hơn 32 năm công tác trong ngành Thanh tra; trong đó 16 năm làm công tác nghiên cứu khoa học, từng giữ chức Viện trưởng Viện chiến lược và khoa học thanh tra; thời gian còn lại ông gắn bó với công tác pháp chế, tham gia quá trình soạn thảo Luật Phòng chống tham nhũng và các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!