Đề xuất chi tiền triệu mua tin chống tham nhũng: Những điều cân nhắc
Bộ Tài chính dự thảo Thông tư quy định việc quản lý, sử dụng kinh phí phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp, và đang lấy ý kiến đóng góp của người dân và xã hội.
Theo dự thảo, nguồn kinh phí gồm: Ngân sách nhà nước và nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật (nếu có).
Điều đang được nhiều người quan tâm là quy định về mua tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực. Cụ thể, trong số các nội dung chi có chi mua tin, tài liệu phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; mức chi mua tin tối đa 50 triệu đồng/tin.
Căn cứ nội dung, tính chất của tin được cung cấp, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương quyết định mức chi đối với từng trường hợp cụ thể; trường hợp đặc biệt, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương báo cáo tập thể Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét, quyết định. Việc quản lý, sử dụng kinh phí mua tin theo chế độ mật.
Quy định nêu trên có tính hợp lý, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề cần cân nhắc.
Hợp lý ở chỗ, tham nhũng là tội phạm đặc biệt nên để đấu tranh chống tham nhũng cần sử dụng các biện pháp đặc biệt. Để phát hiện và chứng minh hành vi tham nhũng là điều không dễ dàng vì đa số người vi phạm giữ chức vụ, quyền hạn, có kiến thức chuyên môn, có các mối quan hệ trên dưới, trong ngoài che chắn, chống trả.
Vì vậy những thông tin liên quan trực tiếp đến hành vi tham nhũng rất giá trị, giúp cho các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm và xử lý người vi phạm.
Việc mua tin sẽ phát huy được tính tích cực của người dân trong phát hiện tham nhũng. Cần nói thêm rằng đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực là một vấn đề hết sức khó khăn; phát hiện và thông báo về tham nhũng, tiêu cực là công việc nhiều rủi ro, nguy hiểm, thậm chí đôi khi còn bị trả thù, trù dập.
Không phải tự nhiên mà pháp luật đã có nhiều quy định nhằm bảo vệ và khen thưởng người tố cáo, những người đã can đảm nói lên sự thật và đấu tranh với những người có hành vi tham nhũng, tiêu cực. Những thông tin có giá trị có thể được "định giá" và người có thông tin (đôi khi cũng phải mất công sức chứ không phải tự nhiên mà có) được trả một khoản tiền là điều hợp lý.
Thực ra quy định trên không phải là hoàn toàn mới. Pháp lệnh trừng trị tội hối lộ (một loại tội điển hình trong nhóm tội tham nhũng) năm 1981, tại Điều 12 đã quy định về việc khen thưởng như sau:
"Những người tố giác và giúp đỡ cơ quan có trách nhiệm trừng trị tội hối lộ thì được khen và được thưởng tiền bằng 10% giá trị của hối lộ đã bị tịch thu…". Việc tố giác hay giúp đỡ cơ quan có trách nhiệm trừng trị tội hối lộ chủ yếu là việc cung cấp thông tin liên quan trực tiếp đến hành vi tham nhũng. Quy định này tuy có vẻ thô sơ nhưng lại rõ ràng, cụ thể, dễ dàng thực hiện, và việc "trả giá" cho thông tin được thực hiện sau khi của hối lộ đã bị tịch thu. Cái khác ở đây là quy định thể hiện dưới hình thức khen thưởng thay vì hình thức "mua bán" như dự thảo Thông tư nêu ở đầu bài viết, và sau khi việc sử dụng thông tin đó có hiệu quả thực tế.
Quy định của dự thảo về việc mua tin tuy có cơ sở về pháp lý và đạo lý nhưng đặt ra những vấn đề sau.
Thứ nhất, thông tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là quá rộng, rất khó xác định. Tội phạm tham nhũng được quy định với 7 tội danh trong Bộ luật hình sự tuy cụ thể nhưng cũng đã khó xác định.
Hành vi tiêu cực là hết sức đa dạng và rộng lớn, theo quy định tại Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW ngày 1/8/2022 hướng dẫn phòng chống tiêu cực, "Tiêu cực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức là những hành vi trái với Điều lệ, Cương lĩnh, nghị quyết, quy chế, quy định, chỉ thị, kết luận,... của Đảng (gọi chung là chủ trương, đường lối, quy định của Đảng), pháp luật của Nhà nước, Điều lệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức Hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; các chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, làm tha hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm giảm sút niềm tin của nhân dân, cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, biểu hiện rõ nét nhất của tiêu cực là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị".
Như vậy, trong bối cảnh hiện nay, khi sự suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống xuất hiện ở rất nhiều cán bộ, đảng viên (thực tế xử lý vừa qua đã cho thấy điều này), thì mọi thông tin đều có thể được người có thông tin đề nghị "bán" cho cơ quan chức năng.
Điều đó sẽ dẫn đến tình trạng quá tải thậm chí nhiễu loạn, gây khó khăn cho việc tiếp nhận, đánh giá và xử lý thông tin. Người có thông tin có thể vì số tiền "bán tin" mà hành động một cách cầu may, thiếu sự cân nhắc về thông tin của mình. Thậm chí vì vụ lợi mà tìm cách này cách khác để có được thông tin hoặc ngụy tạo ra các thông tin giả.
Thứ hai, việc mua thông tin có nghĩa là phải trả tiền trước khi nó được sử dụng có thể dẫn đến rủi ro khi sau này thông tin tỏ ra không có giá trị, không giúp ích cho việc phát hiện tham nhũng, tiêu cực bởi lẽ đánh giá giá trị của thông tin hoàn toàn không phải là điều đơn giản.
Muốn biết thông tin có giá trị hay không thì phải xem xét đánh giá thông tin đó. Vậy với người muốn bán thông tin để lấy tiền, liệu họ có sẵn sàng cung cấp thông tin trước khi nhận được tiền hay không. Quan hệ mua bán luôn có những nguyên tắc của nó, nhất là thứ "hàng hóa" đó lại là thông tin.
Thứ ba, đành rằng phòng, chống tham nhũng là việc hệ trọng và cần có những biện pháp đặc biệt, nhưng liệu có công bằng và hợp lý hay không khi cũng có những loại tội phạm khác (giết người, buôn bán ma túy, âm mưu lật đổ chính quyền…) tính chất và mức độ nguy hiểm cho an ninh trật tự, cho sự tồn vong của chế độ không kém gì tham nhũng, tiêu cực, nhưng lại không được áp dụng quy định này?
Thứ tư, việc phát huy tính tích cực của xã hội, của người dân vào công tác phòng, chống tham nhũng là hoàn toàn phù hợp với đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thực tế cho thấy không ít người dân đã dũng cảm đứng lên tố cáo, cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước, góp phần phát hiện kịp thời vụ việc tham nhũng và xác định người có hành vi tham nhũng chỉ với mong muốn loại trừ ra khỏi bộ máy công quyền những kẻ vô đạo đức, chiếm đoạt tiền bạc, tài sản của Nhà nước và xã hội.
Họ hành động với ý thức trách nhiệm công dân và việc biểu dương khen thưởng những con người như thế là một niềm vinh dự lớn lao cho họ, và sự khích lệ rất lớn đối với mọi người trong cuộc chiến chống tham nhũng. Việc mua bán tin e rằng sẽ làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương này. Đó là chưa kể có thể nảy sinh ra những trình tự, thủ tục, những công việc phải cân nhắc không thực sự cần thiết.
Đây cũng là những lý do mà việc khen thưởng vật chất được quy định cụ thể trong Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành sau đó đã được bãi bỏ, và việc khen thưởng người có công trong việc giúp cơ quan nhà nước phát hiện và xử lý tham nhũng sẽ được thực hiện theo những quy định chung của Nhà nước theo Luật Thi đua, khen thưởng.
Tác giả: TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) là cán bộ đã có hơn 32 năm công tác trong ngành Thanh tra; trong đó 16 năm làm công tác nghiên cứu khoa học, từng giữ chức Viện trưởng Viện chiến lược và khoa học thanh tra; thời gian còn lại ông gắn bó với công tác pháp chế, tham gia quá trình soạn thảo Luật Phòng chống tham nhũng và các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!