Tâm điểm
Phạm Hoàng Phương

Khi vườn hoa công viên bị chê

Nói đến vườn hoa, công viên trong nội đô là nói đến một tài sản chung quý giá thiết yếu của cộng đồng. Trong cái không khí oi nóng mùa hè và khi nhu cầu vui chơi giải trí, luyện tập thể thao ở công viên của người dân nội đô ngày càng tăng, thì câu chuyện về một vài vườn hoa, công viên dù đã được cải tạo mới vẫn bị "chê và ế" là vấn đề rất cần bàn luận.

Cách đây không lâu, báo Dân trí đã phản ánh câu chuyện về vườn hoa Hàng Đậu (quận Ba Đình, Hà Nội) từ một khuôn viên mát mẻ bao trùm bởi cây xanh, vườn hoa đã bị "bê tông hóa" sau khi cải tạo.

Khi vườn hoa công viên bị chê - 1

Vườn hoa Hàng Đầu sau cải tạo, tháng 2/2024 (Ảnh: Mỹ Hà)

Một số nghiên cứu mà nhóm chúng tôi đã thực hiện gần đây đã cho thấy, tại đô thị lớn, số lượng vườn hoa cũ đã xuống cấp sau thời gian dài sử dụng cần sớm được cải tạo là khá nhiều.

Cùng với đó, nhiều không gian vườn hoa, công viên sau khi nâng cấp, cải tạo xong đã không đạt hiệu quả sử dụng cao như kỳ vọng. Một số có số lượng và tần suất người dân sử dụng ít hoặc gặp nhiều ý kiến phàn nàn ngay khi vừa mới chuẩn bị khánh thành. Điều này có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau.

Thứ nhất, về kiến trúc cảnh quan, một số vườn hoa, công viên được thiết kế cải tạo còn thiếu tính thẩm mỹ, khá đơn điệu, thiếu truyền tải hơi thở của cuộc sống đương đại nên kém thu hút người dân đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên.

Một số vườn hoa, công viên được cải tạo nâng cấp chỉ đơn giản là việc ốp lát sơn ve, tỉa tót hoặc trồng thêm chút cây xanh, thiếu hẳn tính hấp dẫn cần thiết của một không gian công cộng điểm nhấn đúng nghĩa, bị nhàn nhạt và nhang nhác giống nhau.

Khi vườn hoa công viên bị chê - 2

Vườn hoa Diên Hồng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) sau cải tạo với trung tâm là đài phun nước điêu khắc cũ, trở thành không gian điểm nhấn ấn tượng ở khu vực nội đô (Ảnh: Phạm Hoàng Phương)

Thứ hai, các hạng mục trang trí ngoài trời như tượng, phù điêu, tranh hoành tráng… có chất lượng tạo hình còn thấp hoặc chủ đề quá khác lạ, dị biệt với nhu cầu thụ hưởng của cộng đồng. Có những hạng mục trang trí lại bố trí ở vị trí không phù hợp, kém phát huy hiệu quả. Các phương pháp trang trí hiện đại mới, có tính hấp dẫn công chúng như ánh sáng, nhạc nước, video art… được áp dụng còn khá ít.

Thứ ba, một số vườn hoa, công viên sau cải tạo nâng cấp trở nên thiếu bản sắc, thiếu kết nối với không gian kiến trúc cảnh quan khu vực đô thị tại chỗ. Nhiều không gian sau khi cải tạo đã bị "cưỡng ép lột xác" mới hoàn toàn, làm đứt gẫy sự kết nối về giá trị văn hóa, lịch sử, tinh thần với không gian kiến trúc cảnh quan khu vực hiện hữu. Điều này đặc biệt đáng quan ngại với các khu vực văn hóa lịch sử cũ ở lõi trung tâm đô thị.

Điểm đáng chú ý là sự lãng phí sử dụng đất trong quy hoạch cải tạo xây mới vườn hoa công viên nội đô khi chủ yếu sử dụng đơn chức năng, bỏ qua áp dụng tối ưu không gian ngầm/nổi vốn đã rất phổ biến trên thế giới. Điều này đã làm giảm đáng kể hiệu quả sử dụng quỹ đất vàng trong các khu vực nội đô, hạn chế khả năng nâng cao tiện ích sử dụng cho người dân, cũng như bỏ qua các cơ hội tạo nguồn lực xã hội hóa phục vụ cho quản lý, duy tu bảo trì.

Sau cùng, nhiều vườn hoa công viên sau cải tạo nâng cấp vẫn có chất lượng tiện nghi và tính nhân văn không cao. Nhiều nơi vẫn còn bị rào kín, người dân rất khó tiếp cận. Một số lại thiếu chỗ để xe cá nhân dẫn đến xe cộ phải để tràn trên hè và lòng đường.

Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển cho thấy, nâng cao hiệu quả cải tạo xây mới hệ thống công viên vườn hoa nội đô hợp lý sẽ góp phần tạo dựng vẻ đẹp bản sắc kiến trúc cảnh quan, nâng cao chất lượng tiện nghi sống cho người dân và đặc biệt sẽ tham gia hữu hiệu trong phát triển kinh tế xã hội đô thị. Tuy nhiên, điều này chỉ đạt được khi áp dụng cùng lúc nhiều giải pháp đồng bộ:

Về kiến trúc, cảnh quan, trước tiên các vườn hoa công viên nội đô cần được quy hoạch kết nối thành mạng lưới, để phân bố rõ chức năng và hiệu quả đóng góp xác lập cụ thể theo từng đặc điểm về vị trí và quy mô diện tích, tính chất sử dụng.

Mỗi không gian cần đạt được sự hài hòa với không gian tổng thể chung và có sự kết nối vững chắc với văn hóa bản địa trên cơ sở phù hợp đa dạng với nhiều hình thức hoạt động văn hóa cộng đồng, đặc biệt như lễ hội truyền thống, sự kiện văn hóa lớn.

Một số vườn hoa, công viên cần được nghiên cứu tổ chức theo các chủ đề riêng, địa hình cao thấp, để tạo dựng giá trị điểm nhấn trên cơ sở các giá trị bản sắc kiến trúc/văn hóa, truyền tải giá trị sống đương đại, cũng như tiếp thu tinh hoa, cách tổ chức, phương pháp biểu đạt văn hóa của thế giới để thu hút nhiều nhóm lứa tuổi đặc biệt là giới trẻ.

Quá trình cải tạo, xây mới các vườn hoa, công viên cần ưu tiên các mảng xanh lớn có sự kết hợp cả cây xanh bóng mát, trang trí, thảm cỏ, cũng như hạn chế tình trạng lạm dụng bê tông hóa, cứng hóa nhiều hạng mục sử dụng. Chú ý đến tính bền vững và chi phí đầu tư xây dựng, cải tạo, vận hành hợp lý trên cơ sở thiết kế quy hoạch tổ chức không gian tối ưu, ưu tiên sử dụng các vật liệu xanh - tái chế, vật liệu địa phương có độ bền cao, phù hợp với điều kiện tại chỗ.

Các vườn hoa, công viên có thể tăng tính thẩm mỹ bằng cách sử dụng đa dạng hình thức trang trí như tranh hoành tráng, phù điêu, tượng điêu khắc, trang trí ánh sáng ngoài trời, sử dụng các vật liệu bản địa, thân thiện môi trường; hạn chế chạy theo hình thức, kệch cỡm gây tốn kém và lãng phí.

Khi vườn hoa công viên bị chê - 3

Bố cục vườn hoa với mảng xanh đồi cỏ dốc lớn, cây xanh bóng mát và tượng trang trí ấn tượng tại trung tâm TP Franfurt, Đức (Ảnh: Phạm Hoàng Phương)

Một yêu cầu với vườn hoa, công viên ở nội đô là công năng sử dụng đa dạng và linh hoạt, tối ưu sử dụng quỹ đất cho cùng lúc nhiều giá trị sử dụng khác nhau như: sinh hoạt văn hóa cộng đồng, vui chơi giải trí, nghỉ ngơi thư giãn, luyện tập thể thao, dịch vụ… Ưu tiên khuyến khích tận dụng không gian ngầm cho các chức năng phụ trợ.

Các vườn hoa, công viên cũng phải đảm bảo sự tự do tiếp cận của người dân, bao gồm các nhóm yếu thế (trẻ em, người khuyết tật, người già) như bố trí đủ đường dốc cho xe lăn, loại bỏ hoàn toàn rào chắn các loại…

Một yêu cầu cơ bản khác là đảm bảo an toàn cho người sử dụng như: bố trí mái che mưa tại một số vị trí và hang mục, hạn chế hố sâu, các cây trồng gây dị ứng, thiết bị sử dụng gờ sắc nhọn, bố trí đủ hệ thống cảnh báo và giám sát an ninh như camera, nhà bảo vệ tại các vị trí thiết yếu… 

Các vườn hoa, công viên cũng cần bố trí đầy đủ hạ tầng thiết yếu như: ghế nghỉ chân, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, hệ thống chiếu sáng, thiết bị đô thị…

Về cơ chế chính sách, cần xây dựng một kế hoạch triển khai bài bản, tháo gỡ khó khăn như nguồn vốn, giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn nhà thầu thi công… kèm theo điều khoản chế tài xử lý kiên quyết các nhà đầu tư, nhà thầu triển khai chậm tiến độ hoặc chất lượng thi công xây dựng kém.

Chính quyền đô thị cần đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng các hình thức xã hội hóa trong đầu tư xây dựng và quản lý vận hành dự án để tạo nguồn lực, động lực mới và tiết kiệm hiệu quả trong xây mới, cải tạo chỉnh trang vườn hoa, công viên.

Việc lấy ý kiến và giám sát cộng đồng dân cư trong quá trình xây mới và cải tạo công viên, vườn hoa cần được xem là một quy trình bắt buộc, triển khai cả trước và sau giai đoạn thiết kế trên cơ sở trưng bày lấy ý kiến người dân và các hội đồng chuyên gia chuyên ngành để góp phần gia tăng hiệu quả chung.

Tác giả: Thạc sĩ, kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương là chuyên gia nghiên cứu, lý luận phê bình về kiến trúc, quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, với gần 25 năm kinh nghiệm; nguyên phó tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc Việt Nam và hiện công tác tại Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng).

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!