PhotoStory

Vườn hoa Hàng Đậu "biến mất" sau khi cải tạo

Thực hiện: Hà Mỹ

(Dân trí) - Từ một khuôn viên mát mẻ bao trùm bởi cây xanh, vườn hoa Hàng Đậu (Hà Nội) bị bê tông hóa sau khi cải tạo. Không gian này hiện chỉ có những khối đá cứng nhắc, không còn dấu vết của một vườn hoa.

Vườn hoa Hàng Đậu biến mất sau khi cải tạo - 1

Vườn hoa Hàng Đậu (hay còn gọi là vườn hoa Vạn Xuân) có diện tích khoảng 4.200m2, nằm đối diện tháp nước Hàng Đậu. Vị trí đắc địa khi hai mặt giáp với phố Phan Đình Phùng và phố Quán Thánh (quận Ba Đình), mặt còn lại ở vị trí gần ngã tư Hàng Cót - Hàng Đậu (quận Hoàn Kiếm).

Dự án cải tạo vườn hoa này được thực hiện từ cuối năm 2023 và tạm hoàn thiện các hạng mục "cứng" ngay trước thềm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. 

Vườn hoa Hàng Đậu biến mất sau khi cải tạo - 2
Vườn hoa Hàng Đậu biến mất sau khi cải tạo - 3

Tuy nhiên sau khi cải tạo, nhiều người dân và các chuyên gia phản ánh công trình bị "bê tông hóa" toàn bộ hạng mục. Trong ảnh, khuôn viên trước đây được trồng hoa và cây xanh nay đã được dỡ bỏ, lát nền gạch và xây thêm các bậc ghế đá. 

Vườn hoa Hàng Đậu biến mất sau khi cải tạo - 4
Vườn hoa Hàng Đậu biến mất sau khi cải tạo - 5

Không gian phía trước tượng đài cảm tử trước đây là vườn hoa và đài phun nước (ảnh bên trái), nay cũng đã bị "san phẳng" để lát bê tông, thiết kế đèn led và tạo khu vực trình diễn nhạc nước (ảnh bên phải). Cây xanh ở khu vực này đã được di dời để lấy thêm khoảng trống, lát gạch toàn bộ. (Ảnh bên trái: Page Hà Nội). 

Vườn hoa Hàng Đậu biến mất sau khi cải tạo - 6

Ghế đá trong khuôn viên vườn hoa được thiết kế với ý tưởng tận dụng bóng mát từ cây xanh trồng phía sau. Tuy nhiên, chất liệu đá với hình dạng góc cạnh khiến thiết kế này trở nên thô cứng, thiếu thân thiện. Các loại cây phía sau ghế đá cũng được trồng mới, cần nhiều thời gian để phát triển mới có thể tạo bóng mát.

Ông Bùi Văn Chính, người dân sống gần khu vực này cho biết một số cây trồng cũ trước đây được di dời từ trong khuôn viên ra phần đất bao xung quanh, khu vực trồng hoa trước đây đều phá bỏ, thay thế bằng gạch lát. "Không gian mới rộng rãi, hiện đại hơn nhưng mùa hè sẽ rất nóng vì ít cây xanh", ông Chính nói. 

Vườn hoa Hàng Đậu biến mất sau khi cải tạo - 7

Thiết kế ốp đá bao quanh khuôn viên và bậc tam cấp tạo ra sự phân cách giữa không gian vỉa hè bên ngoài mặt đường Quán Thánh với không gian bên trong vườn hoa. Trong khi đó, khuôn viên trước đây không có "hàng rào", tạo cảm giác mở và dễ tiếp cận hơn. 

Vườn hoa Hàng Đậu biến mất sau khi cải tạo - 8

Các phần khung sắt và banner sau khi tháo dỡ vẫn chưa được dọn dẹp. Hiện "phần cứng" của dự án gồm lát nền bê tông, bố trí tiểu cảnh, hoàn thiện hệ thống phun nước kết hợp âm thanh, ánh sáng đã được thực hiện xong nhưng tổng quan chưa được dọn dẹp, còn một số hạng mục cần hoàn thiện. 

Vườn hoa Hàng Đậu biến mất sau khi cải tạo - 9
Vườn hoa Hàng Đậu biến mất sau khi cải tạo - 10

Hình ảnh vệ tinh vườn hoa Hàng Đậu thời điểm tháng 6/2021 và tháng 12/2023 cho thấy diện tích cây xanh giảm đi nhiều so với trước khi cải tạo, đặc biệt ở khu vực gần tượng đài Cảm Tử và phía vỉa hè gần tháp nước. Đặc biệt toàn bộ khu vực trồng hoa bên trong đều không được giữ lại. Sau khi di dời cây xanh và hoa ra khỏi khuôn viên, phần diện tích này được lát nền bê tông, dựng ghế đá, làm hệ thống trình diễn nhạc nước (Ảnh: Google Earth). 

Trao đổi với phóng viên Dân Trí, KTS Đinh Đăng Hải, chuyên gia về không gian công cộng thuộc tổ chức HealthBrigde (Canada), cảnh báo nhiều không gian công cộng ở Hà Nội như vườn hoa, vỉa hè đang có xu hướng bị "bê tông hóa". Trong khi thực tế, những thiết kế này có thể khiến hiệu ứng đảo nhiệt đô thị ngày càng trở nên trầm trọng, cũng như khiến cảnh quan trở nên thô cứng, hạn chế tiếp cận của người dân. 

Trong bối cảnh tỷ lệ cây xanh đô thị của Hà Nội mới đạt khoảng 2m2/người, thấp hơn nhiều tiêu chuẩn tối thiểu là 6-7m2/người, việc "bê tông hóa" khuôn viên của một vườn hoa đi ngược lại mục tiêu mà thành phố đặt ra là tăng quỹ đất dành cho cây xanh.