Chủ tịch Hà Nội và cam kết làm "sống lại" các công viên
Dịp Tết vừa qua tôi có dịp đến chơi ở Công viên Thống Nhất (Hà Nội). Nhìn từ xa, khu vực công viên phía đường Trần Nhân Tông đã được hạ hàng rào mang lại cảm giác thoáng đãng, khoảng không gian xanh phía trong công viên không còn bị ngăn cách tầm nhìn với hạ tầng giao thông bên ngoài.
Thời gian qua, việc Hà Nội quyết định hạ hàng rào, dừng bán vé thu tiền người dân vào Công viên Thống Nhất là một trong những tín hiệu tích cực từ lời hứa làm "sống lại" các công viên trong năm 2023 của Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh.
Tại phiên họp giải trình của Thường trực HĐND TP Hà Nội về đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các khu đô thị, chiều 14/10/2022, ông Trần Sỹ Thanh đã nêu cam kết năm 2023 phải làm "sống lại" các công viên trên địa bàn. Ông cho hay, thành phố sẽ sớm tìm mô hình, kêu gọi đầu tư xây dựng cải tạo hệ thống công viên cây xanh để người dân được hưởng lợi.
Đến nay, cam kết của Chủ tịch Hà Nội đã được khởi động bằng động thái liên quan đến Công viên Thống Nhất như nêu trên; ngoài ra, thành phố cũng đã cải tạo, trang trí lại vườn hoa Con Cóc… Đó là những tín hiệu tích cực, tuy nhiên để thực sự làm "sống lại" hệ thống các công viên trên địa bàn Thủ đô thì chắc chắn là còn nhiều việc cần làm, và lãnh đạo thành phố sẽ còn phải "ra tay" mạnh hơn nữa.
Hà Nội hiện có khoảng 60 công viên, vườn hoa lớn nhỏ, phục vụ cho khoảng 8,3 triệu dân. Nghĩa là cứ hơn 138.000 người sẽ có một không gian công cộng. Đây là con số rất khiêm tốn so với nhu cầu của người dân. Nhìn ra các nước, đơn cử Singapore, diện tích nhỏ hơn Hà Nội và mật độ đô thị hóa rất cao, vậy nhưng "quốc gia thành phố" này có tới hơn 300 công viên và vườn thực vật cùng 4 khu bảo tồn thiên nhiên có tổng diện tích trên 2.300 ha.
Số lượng công viên ở Hà Nội vốn đã ít ỏi, ấy vậy mà trong số 60 công viên trên địa bàn, nhiều nơi lại đang bị bỏ không, hoang hóa, chưa được quan tâm đầu tư cải tạo đúng mức. Không ít công viên, khu vui chơi mặc dù được khởi công từ nhiều năm qua song đến nay chưa hoàn thành, để lãng phí đất đai và nguồn lực xã hội. Còn với hệ thống công viên đang vận hành thì các hạng mục xuống cấp, khiến người dân Thủ đô vốn đã "khát" không gian xanh lại càng "khát" hơn.
Điều đáng nói là công viên thì thiếu, xuống cấp, xập xệ, trong khi khoảng 20 năm trở lại đây, các dự án bất động sản, tòa nhà chung cư cao tầng lại "mọc lên như nấm". Các công trình cao tầng góp phần thay đổi diện mạo Thủ đô, giải quyết nhu cầu nhà ở của một bộ phận người dân, nhưng đổi lại là sự quá tải hạ tầng đô thị và… cạn kiệt dần quỹ đất dành cho công viên.
Hà Nội là thành phố đông dân thứ hai của cả nước (sau TPHCM) với dân số năm 2021 hơn 8,3 triệu người, tốc độ gia tăng dân số cơ học hàng năm ở mức 1,4%. Mật độ dân số trung bình hiện nay của Hà Nội khoảng 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so mật độ dân số cả nước. Với mật độ cao như vậy, việc thiếu thốn hệ thống công viên cây xanh càng làm cho môi trường sống của người dân thêm bí bách ngột ngạt.
Từ thực tế trên, đã có ý kiến đặt vấn đề phải chăng những năm qua Hà Nội chỉ "miệt mài" cấp phép cho các dự án bất động sản mà "thờ ơ" với không gian xanh? Ý kiến này có thể không hoàn toàn đúng, nhưng rõ ràng không gian công cộng và diện tích công viên cây xanh là nhu cầu chính đáng của người dân thành phố. Nếu không thể đáp ứng được tiêu chí và nhu cầu này, bộ máy quản trị thành phố cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại.
Đầu năm 2022, Hà Nội đã ban hành kế hoạch cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025. Theo đó, thành phố sẽ nâng cấp, cải tạo 45 công viên, vườn hoa hiện có. Trong số công viên, vườn hoa cải tạo mức độ 1 thì Bách Thảo, Thủ Lệ, Thống Nhất sẽ được ưu tiên nâng cấp đồng bộ khu vực chính và khu vực xuống cấp, tạo thành điểm nhấn kiến trúc cảnh quan theo quy hoạch.
10 vườn hoa khác (Bà Kiệu, Lý Thái Tổ, Diên Hồng, Cổ Tân, Bác Cổ, Tao Đàn, Ngô Quyền, 19/8, Cửa Nam, Phùng Hưng) cũng sẽ được ưu tiên thực hiện cải tạo tổng thể kiến trúc cảnh quan.
Ngoài ra, từ nay đến năm 2025, TP Hà Nội dự kiến hoàn thành 6 công viên mới, gồm: Công viên khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An ở huyện Thanh Trì; Công viên CV1 ở quận Cầu Giấy và quận Nam Từ Liêm; Công viên hồ điều hòa khu đô thị Tây Nam Hà Nội; Công viên văn hóa, du lịch vui chơi giải trí Kim Quy ở Đông Anh; Công viên hồ Phùng Khoang thuộc quận Nam Từ Liêm và Thanh Xuân; Công viên văn hóa, vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông.
Hy vọng rằng kế hoạch nêu trên cùng cam kết làm "sống lại" các công viên trong năm 2023 của Chủ tịch Hà Nội sẽ sớm trở thành hiện thực. Và nên chăng, thành phố lập kênh theo dõi, giám sát hàng tuần, hàng tháng công việc cải tạo, nâng cấp, làm mới công viên của các sở ngành, quận huyện để đôn đốc kịp thời.
Các công viên "sống lại" nghĩa là những lá phổi của thành phố nói chung và mỗi người dân nói riêng sẽ được hít thở nhiều không khí trong lành hơn, sẽ được hưởng thụ các không gian tiện ích công cộng tốt hơn.
Tác giả: Nguyễn Dương là phóng viên của báo Dân trí. Anh vào nghề báo năm 2010, hiện là phóng viên lĩnh vực nội chính, an ninh và quốc phòng.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!