Hai mô hình mới phát triển Hà Nội
Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 28/5 là hành lang pháp lý kỳ vọng mang đến sự đột phá trong đổi mới, phát triển đồng bộ thủ đô theo hướng bền vững, có bản sắc và đảm bảo tiện ích sống, an sinh xã hội trên cơ sở cho phép triển khai một số cơ chế đặc thù trong huy động nguồn lực phục vụ phát triển, phân cấp phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền thành phố.
Với cách tiếp cận coi quy hoạch đô thị là một trong những công cụ quan trọng để quản lý và phát triển đô thị, điểm nhấn phải kể đến trong đạo luật này là quy định chi tiết tại điều 21 và 31, cho phép thí điểm triển khai áp dụng hai mô hình phát triển đô thị mới là TOD (Transit Oriented Development - Lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị) và BID (Business Improvement District - Khu vực phát triển thương mại, văn hóa).
Thực ra hai mô hình trên không phải mới trên thế giới, nhưng lần đầu tiên được luật hóa trong Luật Thủ đô nên có thể coi là mới với Hà Nội.
Trong đó, TOD là mô hình quy hoạch đô thị nhấn mạnh vào việc xây dựng các khu vực dân cư, thương mại và giải trí xung quanh các điểm nút giao thông công cộng (như bến xe buýt, ga đường sắt đô thị, ga tàu điện ngầm…), hướng tới mục tiêu giảm thiểu sự phụ thuộc vào phương tiện cá nhân, cải thiện chất lượng môi trường sống và tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ công cộng cho người dân.
Đơn cử, đồ án quy hoạch Thủ đô đã xác định xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị, đây sẽ là các "trục xương sống" để lập quy hoạch và thực hiện mô hình TOD, hình thành các khu đô thị mới lan tỏa theo các tuyến đường sắt, nằm ở bán kính phù hợp với ga đường sắt để người dân thuận tiện trong việc đi bộ tới nơi có phương tiện giao thông công cộng.
Còn BID là mô hình tổ chức các khu vực không gian đô thị có sự phát triển mạnh dựa trên các giá trị thương mại, văn hóa trên cơ sở hợp tác giữa nhà nước - doanh nghiệp - người dân. Các khu thúc đẩy thương mại văn hóa khi được xây dựng còn là động lực phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa và gìn giữ môi trường sống cho khu vực xung quanh.
Chúng ta đều biết "Hà Nội 36 phố phường" với các khu phố có tên gọi bắt đầu bằng "Hàng", đây chính là những khu vực chứa đựng giá trị văn hóa có thể hình thành các BID, vừa giúp bảo tồn di sản vừa mang lại lợi ích kinh tế. Trên cơ sở hợp tác giữa người dân với nhau hoặc hợp tác công tư tạo ra một khu vực đặc biệt về văn hóa, thương mại nhằm thu hút du khách tới mua sắm, sử dụng dịch vụ…
Như đã nêu, đây đều là các mô hình đã thực hiện thành công, có giá trị đóng góp thực tiễn rất lớn tại nhiều quốc gia phát triển đi trước như: Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Úc, Singapore,… và nếu triển khai thành công sẽ là cơ hội để Hà Nội thay đổi toàn diện chất lượng phát triển cũng như diện mạo kiến trúc cảnh quan và bản sắc đô thị.
Cơ hội đã được khai mở, nhưng việc triển khai áp dụng các mô hình phát triển này ở thủ đô thời gian tới sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức lớn.
Đó là khả năng đáp ứng với hiện trạng phát triển đô thị nóng và một số khu vực chưa được kiểm soát tốt về cảnh quan đô thị, kiến trúc công trình thời gian qua, nhất là tại một số các quận nội đô.
Hai mô hình TOD và BID đều yêu cầu lớn về nguồn vốn và khó khăn trong huy động nguồn lực đầu tư ban đầu; yêu cầu sự hợp tác và đồng thuận cao, đặc biệt là sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.
Bên cạnh đó còn là sự xuất hiện những "rủi ro" xuất phát từ hiện trạng phát triển đô thị chưa đồng nhất giữa các khu vực quận nội đô, và ven đô thời gian qua, mức độ tập trung đông dân cư dẫn đến sự quá tải "nóng" lên hạ tầng đô thị tại các quận trung tâm nội đô. Nếu không được quy hoạch và triển khai đúng cách, các dự án TOD, BID có thể gia tăng thêm tình trạng quá tải về hạ tầng và dịch vụ công cộng, hoặc hiệu quả sử dụng thấp, không đạt được kỳ vọng ban đầu gây ra những vấn đề mới về lãng phí nguồn lực, quá tải giao thông và ô nhiễm môi trường.
Việc phát triển các khu vực TOD, BID cũng thường làm tăng giá trị bất động sản xung quanh, có thể khiến giá nhà đất tăng cao, gây khó khăn cho những người có thu nhập thấp trong việc tiếp cận nhà ở. Đây là một vấn đề cần được giải quyết ngay từ khâu lập kế hoạch triển khai để đảm bảo tính công bằng xã hội.
Để giải quyết vấn đề này, theo tôi chính quyền thủ đô cần tính đến một số vấn đề sau.
Trước tiên, cần có một hệ thống các quy hoạch đồng bộ như quy hoạch kinh tế xã hội, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch hệ thống không gian ngầm, quy hoạch hệ thống giao thông đô thị… để trở thành công cụ quản lý hữu hiệu. Các quy hoạch này sẽ giúp xác định rõ vị trí, và trục tuyến phát triển cụ thể.
Thành phố cũng cần đẩy mạnh tích hợp giao thông công cộng, thương mại dịch vụ vào quy hoạch đô thị, trong đó các khu vực dân cư, thương mại và dịch vụ được bố trí phát triển xung quanh các điểm nút giao thông công cộng theo mức độ hợp lý với hạ tầng ngầm và nổi đồng bộ cho phép tạo ra các khu đô thị tích hợp, nơi người dân có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ và tiện ích công cộng mà không cần di chuyển xa.
Các giá trị văn hóa lịch sử, kiến trúc cảnh quan đặc thù của các khu vực khác nhau trong đô thị cần được phát huy tối đa, làm cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Việc Luật thủ đô cho phép chính quyền đô thị chủ động triển khai nhiều cơ chế đặc thù để huy động nguồn lực cho phát triển, bắt đầu từ nguồn lực tài nguyên đất có thể xem là tiền đề cơ hội rất lớn, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc kiểm soát tránh tình trạng thất thoát, lãng phí.
Thành phố cần xây dựng đồng bộ các chính sách hỗ trợ và khuyến khích để huy động nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước; đồng thời đẩy mạnh đầu tư công đối với một số các dự án trọng điểm như: các công viên, không gian công cộng điểm nhấn, phố đi bộ, hệ thống tàu điện ngầm, xe buýt nhanh…
Trên cơ sở ứng dụng công nghệ 4.0, thành phố có thể xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá lưu lượng, mức độ sử dụng phương tiện giao thông, không gian dịch vụ thương mại,… từ đó kịp thời điều chỉnh các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện hai mô hình trên.
Tác giả: Thạc sĩ, kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương là chuyên gia nghiên cứu, lý luận phê bình về kiến trúc, quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, với gần 25 năm kinh nghiệm; nguyên phó tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc Việt Nam và hiện công tác tại Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng).
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!