Thế tiến thoái lưỡng nan khi Hà Nội, TPHCM thành "siêu đô thị"
Căn bệnh cố hữu của các siêu đô thị trên thế giới là trở thành các "hố đen" liên tục hút tài nguyên và dân di cư về, gây quá tải toàn diện. Quan sát một số thủ đô và vùng thủ đô trong khu vực châu Á như Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc) trước đây, hay Jakarta (Indonesia), Manila (Philippines)… ngày nay, chúng ta dễ dàng nhận thấy điều này.
Để giảm tải nội đô và tránh hiện tượng chia cắt giữa siêu đô thị với các vùng trong nước, nhiều thập kỷ qua, Nhật Bản phải điều chỉnh quy hoạch, phát triển thêm các đô thị xung quanh Tokyo, kết nối giao thông và phân tán công nghiệp ra toàn quốc. Tương tự, Seoul cũng phát triển các thành phố vệ tinh để tạo thành "Vùng thủ đô" và sản xuất được phân tán ra cả nước. Hiện nay, khoảng 37 triệu người hoặc 1/3 dân số Nhật sống ở ngoại ô của 3 siêu đô thị lớn nhất là Tokyo, Osaka và Nagoya. Tại Hàn Quốc, dân số của vùng thủ đô Seoul hiện nay, gồm cụm Seoul, Incheon và Gyeonggi, đã lên tới 25 triệu người, chiếm hơn nửa dân số nước này.
Hà Nội và TPHCM ôm đồm quá nhiều chức năng
Giống như Tokyo hay Seoul trước kia, cả hai thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và TP HCM ôm đồm quá nhiều chức năng và cạnh tranh ngang với các địa phương xung quanh. TP HCM phát triển cả 4 ngành công nghiệp điện tử, cơ khí chế tạo, hóa dược cao su, tinh chế lương thực, thực phẩm như các tỉnh Đông Nam Bộ xung quanh.
Hà Nội ngoài tình trạng phát triển công nghiệp tương tự, còn giữ nguyên sản xuất nông nghiệp với quy mô của cả tỉnh Hà Tây (cũ), với kết cấu và cách thức sản xuất cũng như các tỉnh đồng bằng sông Hồng khác. Những nỗ lực đưa các cơ sở sản xuất giá trị thấp, ô nhiễm, dễ cháy nổ ra ven đô đem lại ít kết quả. Việc di dời các khu dân cư, bệnh viện, đại học ra xung quanh cũng không đạt yêu cầu đề ra. Ngay cả việc bố trí lại trụ sở cơ quan bộ, ngành, ngoại giao đoàn,… cũng chưa hoàn tất.
Quy hoạch Hà Nội được duyệt cách đây 10 năm đã đề nghị giãn dân số và giảm bớt các dự án xây dựng nhà siêu cao tầng ở trung tâm, nhưng kết quả là dân số vẫn tăng từ 6,7 triệu người lên hơn 8 triệu dân năm 2019; dân cư các nơi vẫn kéo về và ngày càng có rất nhiều nhà cao tầng được xây dựng trong nội đô.
Với kết cấu đô thị hiện nay của Hà Nội, lao động, đầu tư và tài nguyên hút về khu vực lõi, đa số dân cư làm các nghề phi nông nghiệp ở vành đai và bọc ngoài vẫn là nông thôn như các tỉnh khác. Sau nhiều năm quy hoạch, 5 thành phố vệ tinh gần như vẫn nằm trên giấy. Tình hình của TPHCM cũng tương tự.
Chúng ta đã và đang chứng kiến Hà Nội, TPHCM loay hoay giải bài toán ùn tắc giao thông trong khi tình hình ngày càng cấp bách. Mức độ ô nhiễm cao nhất cả nước và nạn úng ngập đã diễn ra nhiều năm ở hai đô thị, và cả hai đều khó cân đối ngân sách để xử lý các vấn đề hạ tầng, dân sinh trên địa bàn. Lý do đơn giản là các biện pháp giải quyết sự quá tải của siêu đô thị đều rất tốn kém, vì cộng trình phải ngầm sâu dưới đất hoặc vượt cao trên trời.
Thế tiến thoái lưỡng nan của "siêu đô thị"
Thời gian qua, việc hai thành phố trọng điểm đều phải kiến nghị Trung ương cho áp dụng các "chính sách đặc thù" thể hiện mâu thuẫn: Một bên là vấn đề phát sinh ngày càng tăng do dân số tiếp tục đổ về, nhiều vấn đề chưa giải quyết đã xuất hiện việc mới và phức tạp hơn, kinh phí xử lý đắt đỏ hơn. Phía bên kia là kỳ vọng to lớn của Nhà nước yêu cầu hai đầu tàu kinh tế phải dành thêm vốn đầu tư cho sản xuất để đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng cả nước.
Mâu thuẫn về vốn và quản lý, hai thành phố lớn vừa phải giải quyết các vấn đề phát sinh, lại phải tăng nguồn lực để cạnh tranh ngang với các tỉnh xung quanh về các hoạt động sản xuất và dịch vụ cấp thấp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho dân cư ngày càng đông đúc. Đó là thế tiến thoái lưỡng nan của "siêu đô thị".
Hiện nay TPHCM đã hội tụ cả bốn yếu tố khống chế, thu hút vùng phụ cận (là trung tâm khoa học công nghệ, là đầu mối logistics, là nguồn cung cấp chuyên gia, là thị trường tiêu thụ) nên con đường trở thành "siêu đô thị" hơn 20 triệu dân dường như khó đảo ngược. Đội ngũ quản lý và kỹ thuật các tỉnh công nghiệp Đông Nam Bộ đều ở thành phố; cảng Cái Mép, sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành tương lai hút hàng hóa về phụ cận thành phố. Bốn đô thị vệ tinh được quy hoạch gắn sát nội thành. Nông sản và khoáng sản của Tây Nguyên, của đồng bằng sông Cửu Long, đều phải đưa về chế biến và ra cảng biển ở Đông Nam Bộ.
Một khi TPHCM trở thành "siêu đô thị" nằm kẹp giữa hai đồng bằng đông dân thiếu dịch vụ và nguồn việc làm sẽ tạo sức hút di cư ghê gớm. Thành phố có 60% diện tích là nền yếu, việc dùng nước ngầm và xây dựng quá tải đang làm lún nền 4cm/năm, có nơi 6-7cm/năm, cộng với nước biển đang dâng thì nguy cơ ngập nước sẽ nan giải.
Để giảm tải cho TPHCM trước khi quá muộn, chúng ta cần nhanh chóng phát triển đô thị ở các tỉnh công nghiệp hóa mạnh phía đông bắc như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu để tạo ra cụm thành phố (Metropolitan city), song song với phát triển Cần Thơ và các thành phố lớn ở đồng bằng sông Cửu Long, tạo ra các đô thị vùng, gánh đỡ chức năng và ngăn dòng di cư đổ về TPHCM.
Hà Nội có vẻ khả quan hơn trong ước muốn tránh trở thành "siêu đô thị". Đầu mối đường sắt cũ kỹ từ thời Pháp và hệ thống đường cao tốc phát triển gần đây đã kết nối các địa phương trong và ngoài vùng đồng bằng sông Hồng. Sân bay chính Nội Bài, cảng biển Hải Phòng được xây dựng xa thành phố, giúp công nghiệp có điều kiện phát triển lan ra Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên lên Bắc Giang, Thái Nguyên…
Những năm gần đây, hàng loạt khu đô thị mới cao cấp, các bệnh viện Trung ương đã và đang được xây dựng ngoài thành phố Hà Nội, rải ra ở các tỉnh vùng ven như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam…, giúp giãn vùng dân cư cao cấp từ Hà Nội ra, và trở thành nơi định cư mới cho đội ngũ chuyên gia cao cấp, cán bộ kỹ thuật của các tỉnh phát triển công nghiệp.
Phân cấp, điều chỉnh lại vai trò cho Hà Nội, TPHCM
Để giải quyết xu hướng "siêu đô thị", giảm tải cho Hà Nội và TP HCM, vấn đề cơ bản không chỉ là điều chỉnh lại tỷ lệ đóng góp của thành phố, hay tạo ra các cơ chế đặc thù. Chúng ta cần phân cấp, điều chỉnh lại vai trò cho hai thành phố này. Trừ các khu vực phục vụ du lịch, Hà Nội và TPHCM nên từng bước lược bỏ các nhiệm vụ sản xuất thông thường, qua đó chấm dứt cạnh tranh ngang với các địa phương xung quanh, giảm bớt các chức năng của một đô thị thông thường (sản xuất hàng hóa nông nghiệp, công nghiệp và cư trú dân số dân cư lớn, cung cấp dịch vụ phục vụ đời sống cho dân cư tại chỗ).
Hai thành phố lớn nhất nước cần tập trung vào các chức năng quan trọng, có giá trị gia tăng cao, như: Trung tâm hành chính quốc gia, hoạt động ngoại giao, tài chính quốc tế, trung tâm khoa học cơ bản… Nhà nước và địa phương cần đầu tư phát triển hệ thống giao thông lan tỏa từ trung tâm ra ngoại thành và đến các tỉnh xung quanh (đơn cử như dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô).
Đầu năm nay, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Hội nghị quán triệt Nghị quyết này cũng vừa được tổ chức trong tháng 5. Mong rằng Hà Nội, TPHCM…, sẽ tránh được lối mòn của các "siêu đô thị" khác trên thế giới trong việc cạnh tranh và thu hút tài nguyên vào không gian nghẽn tắc, để trở thành các đô thị hiện đại, có chức năng dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa phát triển cả nước.
Tác giả: TS Đặng Kim Sơn từng giữ chức Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2011-2016. Ông hiện là Phó chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!